Nhằm đảm bảo an toàn khi truyền máu trong thời điểm virus Zika đã vào Việt Nam, Bộ Y tế đã họp góp ý Dự thảo hướng dẫn phòng chống lây truyền virus Zika bảo đảm an toàn truyền máu.
Cuộc họp được Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia thuộc lĩnh vực huyết học truyền máu, sản khoa, xét nghiệm, dịch tễ…..
Tại cuộc họp này, GS.TS Nguyễn Anh Trí (Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương) nhận định, người dân không nên hoang mang về bệnh do virus Zika. Căn bệnh này hiện chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.
Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nghi ngờ về mối liên quan giữa nhiễm virus Zika và hội chứng não nhỏ ở trẻ sinh từ các bà mẹ nhiễm virus Zika trong thời gian 3 tháng đầu của thai kỳ. Cũng như chưa có bằng chứng về việc lây truyền virus Zika qua sữa mẹ.
Đặc biệt, tại buổi họp này, các chuyên gia đã góp ý cho dự thảo hướng dẫn bảo đảm an toàn truyền máu phòng chống lây nhiễm do vi rút Zika cũng lưu ý vấn đề đảm bảo an toàn truyền máu cho đối tượng phụ nữ mang thai, đặc biệt ở 3 tháng đầu thai kỳ.
Đảm bảo an toàn khi truyền máu để tránh nhiễm virus Zika.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng nhận định, số lượng người cần truyền máu ở đối tượng mang thai cũng sẽ rất ít. Với đối tượng này, nếu cần truyền máu thì nên sử dụng hoặc máu và chế phẩm máu lấy từ vùng không có dịch như quy định trên và đã được lưu trữ trên 14 ngày; hoặc máu và chế phẩm máu đã được bất hoạt virus; hoặc máu và chế phẩm máu đã được sàng lọc virus Zika.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng hướng dẫn phòng ngừa lây truyền virus Zika trong hiến máu như trì hoãn hiến máu tạm thời tối thiểu 28 ngày đối với những người đã được chẩn đoán khẳng định nhiễm virus Zika; tất cả những người ở trong vùng dịch, có xuất hiện một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng sốt, nhức đầu, phát ban, viêm kết mạc, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi; các triệu chứng nghi ngờ Sốt xuất huyết Dengue với xét nghiệm Dengue âm tính; người có quan hệ tình dục không an toàn với người có chẩn đoán nhiễm virus Zika hoặc với người có xuất hiện một hoặc nhiều dấu hiệu lâm sàng có liên quan.
Tất cả những người đã hiến máu, cần được hướng dẫn cách thông báo nhanh chóng, kịp thời cho các cơ sở tiếp nhận hiến máu về những dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng mới xuất hiện ở người hiến máu trong vòng 14 ngày sau khi hiến máu… Đối với những đơn vị máu tiếp nhận ở vùng có dịch, nghi ngờ có dịch thì chỉ được sử dụng sau khi đã lưu trữ từ 14 ngày trở lên.