Sau 50 năm hy sinh, chuyện tình giữa 2 công nhân ngành GTVT đã có một cái kết trọn vẹn, viên mãn.
Hy sinh trước ngày về ra mắt
Để xác minh tin một đám cưới được cho là có một không hai - đám cưới của hai liệt sỹ đã hy sinh từ 50 năm trước, chúng tôi đã lặn lội tìm về gia đình cựu binh Nguyễn Hữu Tường (ở xóm 2, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An).
Hai bên gia đình làm lễ cưới cho anh Cự và chị Diễn. (Ảnh GĐCC)
Sau khi thắp nén hương lên bàn thờ gia tiên, ông Tường lấy ra 1 xấp giấy khen, hình ảnh về lễ cưới rồi khẳng định với chúng tôi: Đó đúng là đám cưới của chị gái ông, liệt sỹ Nguyễn Thị Diễn (SN 1947) với chú rể là liệt sỹ Đặng Văn Cự (SN 1946, quê ở xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang).
Trong ký ức của người lính năm xưa, chị gái ông không những đẹp người, đẹp nết mà còn rất giỏi giang. Chị từng giành giải Nhì, Hội thao quốc phòng toàn tỉnh các môn ném lựu đạn, bắn 3 tư thế và bơi lội.
Năm 1968, chị Diễn tạm biệt gia đình, tham gia lực lượng Thanh niên xung phong. Sau đó, chị được chuyển sang Công ty Đường sắt 769, hoạt động ở địa bàn huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình).
Cùng thời gian này, sau khi tham gia phong trào “ba sẵn sàng” ở các tỉnh phía Bắc, anh Đặng Văn Cự được điều vào Quân khu IV. Tại đây, hai anh chị cùng làm việc trong một đơn vị, lại ở trong 2 nhà dân sát vách nhau. Họ cùng các đồng đội tham gia công tác mở tuyến, thông luồng, vận chuyển hàng, giúp dân làm nông nghiệp, đào hầm, cứu thương… Giữa mưa bom bão đạn, giữa lằn ranh sinh tử của cuộc chiến tranh khốc liệt, tình yêu giữa cô gái xứ Nghệ với chàng trai xứ “Vải” đã âm thầm nảy nở.
Trong ký ức của ông Tường, chị gái mình là người đẹp người, đẹp nết và rất giỏi giang
“21h đêm một ngày cuối năm 1972, tôi đang ở đơn vị (Công an vũ trang tỉnh Nghệ An, nay là Bộ đội Biên phòng) thì được thủ trưởng thông báo cho phép về nhà giải quyết việc gia đình. Linh tính điều không lành, tôi liền cuốc bộ xuyên đêm, vượt chặng đường hơn 20 cây số. Về đến nhà thì trời đã 2h sáng, thấy mẹ đang ngồi khóc. Hỏi ra mới biết là gia đình vừa nhận được giấy báo tử của chị Diễn”, ông Tường kể và cho biết thêm:
Trong giấy ghi chị là tử sĩ, mất trên sông Đò Vàng, thuộc địa bàn xã Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình vào ngày 29/12/1972, nhằm 24/11 Âm lịch.
Cũng theo ông Tường: Trước đó, trong một bức thư gửi về gia đình, chị Diễn đã thông báo: “Con đã đi rất lâu nhưng chưa về nhà. Nhưng, con sẽ dồn ngày phép bốn năm để về Tết 1973. Ngày đó, con sẽ đưa chàng rể ngoài Bắc về ra mắt họ hàng”.
“Sau này, khi gặp lại các nhân chứng, tôi mới biết: Hôm hi sinh, anh Cự và chị Diễn cùng chèo con thuyền sắt thường chở công nhân đi làm qua sông Đò Vàng. Khi thuyền cách bờ khoảng 2 - 3m thì một tốp máy bay phản lực sà xuống rất thấp.
Máy bay Mỹ rạt qua, con sông mùa mưa lũ cuộn lên từng con sóng dữ, con thuyền sắt rộng 1,4m và dài 4m chòng chành như chiếc lá giữa dòng. Bất ngờ, anh Cự bị hất văng xuống nước, thấy vậy chị Diễn cũng nhào xuống vì lo anh không biết bơi… Lúc bấy giờ, có một cặp vợ chồng đứng trên bờ chứng kiến toàn bộ vụ việc nên đã chạy về báo đơn vị, cùng nhân dân hai bên tìm kiếm”, ông Tường kể.
Nghe tin, rất đông đồng đội cùng nhân dân ra ứng cứu. Thế nhưng, 30 phút sau thì tìm thấy thi thể chị Diễn, còn thi thể anh Cự thì phải mất 3 giờ đồng hồ sau mới tìm thấy. Thi thể của 2 anh chị được đơn vị cùng người dân chôn cất ngay trên gò đất ở phía Nam sông Đò Vàng (thuộc địa bàn xã Lê Hóa, huyện Tuyên Hóa).
Họ hàng hai bên xin phép liệt sỹ Nguyễn Thị Diễn, để “rước dâu” về với nhà trai (Ảnh GĐCC)
Đám cưới đặc biệt
Không để chúng tôi chờ lâu, ông Tường kể tiếp: Chiến tranh kết thúc, tôi phục viên, hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ rất khó khăn, chật vật với công việc mưu sinh. Rồi cứ nghĩ chị nằm lại ở đâu cũng là đất mẹ Việt Nam, nên chưa đi tìm mộ chị.
Cho đến năm 1994, trong lúc làm thợ vẽ truyền thần trên đá thuê ở TP Vinh, tôi cứ liên tục gặp mộng mị. “Cứ mỗi lần nghỉ trưa, là thấy như có ai đó nhấc bổng mình lên. Trong cơn mơ màng, nghe ai đó nói bên tai “đi tìm là sẽ thấy”. Hiện tượng này lặp đi lặp lại 5-6 ngày liên tục. Tôi nghĩ biết đâu là chị Diễn giục đi tìm… nên quyết định lên đường, dù trong tay không có gì.
Phải mất 3 chuyến xuôi ngược Nghệ An - Quảng Bình, ông Tường mới tìm được nơi chị gái mình đang yên nghỉ - Nghĩa trang Liệt sỹ Hải Thành, TP Đồng Hới. Trong suốt hành trình gian nan đó, ông nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của rất nhiều người. Họ là lái tàu, công nhân gác ghi, lái xe ôm, vợ chồng bác nông dân cho đến cán bộ chính sách Sở LĐTB&XH, cán bộ huyện đội…
Dù đã gần 30 năm trôi qua, nhưng ông Tường vẫn nhớ như in hành trình đi tìm mộ chị, ông luôn thầm cảm ơn tới những người đã giúp ông trong suốt đăng trình
Trầm ngâm một lúc, ông Tường kể tiếp: Cho đến một đêm tháng 3/2022, lúc đó đã hơn 23h đêm, tôi nhận được một cú điện thoại lạ. Cầm máy lên thì đầu dây bên kia giới thiệu là Đặng Thị Ánh, cháu của bác Đặng Văn Cự, ở Hiệp Hoà (Bắc Giang).
Rồi chị Ánh kể: Kể từ ngày bác Cự mất, gia đình không nhận được thông tin gì. Mẹ già đã hơn 90 tuổi cứ mòn mỏi, mong ngày tìm thấy con. Trước ngày nhắm mắt, bà dặn dò cháu phải tìm được mộ bác Cự. Bà cũng kể chuyện, bác Cự làm nhiệm vụ ở Quảng Bình, có yêu một cô gái quê Đô Lương, Nghệ An. Hai người hẹn nhau Tết năm 1973 sẽ về phép và ra mắt 2 gia đình.
Như một định mệnh, sau bao nhiêu năm tìm kiếm mộ bác không thấy. Trong một lần tìm hiểu trên mạng, chị Ánh thấy ông Nguyễn Sỹ Hồ chụp ngôi mộ liệt sỹ Đặng Văn Cự tại Nghĩa trang liệt sỹ Hải Thành. Như có ai đó mách bảo, chị Ánh cùng chồng lập tức bay vào Đồng Hới và thật ngỡ ngàng khi thấy bên mộ bác mình là mộ liệt sỹ Nguyễn Thị Diễn - người con gái mà trước đây bà đã từng nhắc đến.
Phía dưới bức ảnh ngôi mộ bác Cự trên mạng xã hội, chị Ánh thấy có một người bình luận về mộ o Diễn, sau này hỏi ra mới biết đó là cháu. Chị liền hỏi thông tin và sau đó xin được số điện thoại của ông Tường. Kể từ đó, gia đình, họ hàng hai bên thường xuyên trao đổi qua lại với nhau. Rồi bên gia đình anh Cự mạnh dạn đề xuất nguyện vọng về chuyện trăm năm mà anh Cự và chị Diễn đã ước hẹn nhưng còn dở dang. Nghe vậy, nhà gái lập tức đồng ý ngay.
Ông Tường kể lại về lễ cưới đặc biệt của chị gái mình cho PV Báo Giao thông
Ngày 3/4/2022 (nhằm ngày 3/3 Âm lịch), nhà trai từ Bắc Giang cùng gạo, gà, trầu cau, bánh phu thê... vào Nghệ An. Lễ "vấn danh tơ hồng" được thực hiện đúng nghi thức và phong tục truyền thống của một đám cưới bình thường. Chỉ khác rằng, cô dâu, chú rể không thể hiện diện... Trước lúc vào nghĩa trang Hải Thành, hai gia đình đã về Tuyên Hoá, thăm lại nơi ăn ở, công tác của anh chị và đồng đội ngày xưa. Đồng thời tạ ơn những người đã cưu mang anh chị.
Trưa ngày 5/4, tất cả tề tựu về nghĩa trang Hải Thành (TP Đồng Hới), hai họ chính thức tổ chức lễ cưới cho cô dâu Nguyễn Thị Diễn và chú rể Đặng Văn Cự bên phần mộ của hai người.
"Trong lúc tổ chức lễ cưới, một con bướm trắng bay tới đậu trên bó hoa nơi mộ chị tôi. Bên phần mộ anh Cự, chân hương bỗng "hóa", bùng lên ngọn lửa. Trên đài tưởng niệm liệt sĩ của nghĩa trang, chân hương cũng bùng lên. Có lẽ hương hồn chị tôi và anh Cự, cùng hương hồn các liệt sĩ đã về chứng kiến cho một đám cưới đặc biệt. Để từ đây, anh chị tôi danh chính ngôn thuận là vợ, là chồng, trọn đời trọn kiếp bên nhau", ông Nguyễn Hữu Tường xúc động nhớ lại.
Đến sáng ngày 6/4, “xe hoa” rước di ảnh của “đôi tân hôn” về với gia đình bên nội. Sau thông báo cho tổ tiên, các bậc tiền nhân và con cháu về sự kiện đặc biệt này, là nghi thức nhập họ cho con dâu - liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn. Trong gia phả của dòng họ, tiểu sử anh Cự cũng được thay từ “qua đời khi còn trẻ, chưa có vợ con" thành "Vợ: Nguyễn Thị Diễn"...
“Đám cưới được tổ chức khoảng hơn 2 tháng rồi. Dù cô dâu và chú rể đều là liệt sỹ hy sinh từ 50 năm trước nhưng mọi thủ tục đều rất đầy đủ và chu đáo. Rất đông bà con lối xóm cũng chia vui cùng 2 bên gia đình, họ hàng. Mong linh hồn anh chị được ngậm cười nơi suối vàng”, bà Nguyễn Thị Hoa - Chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn 2, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) cho biết.