Hôn nhân của GS Yến và ông Bùi Huy Khê là cuộc hôn nhân sắp đặt, không xuất phát từ tình yêu nhưng vợ chồng bà đã có nửa quãng đời còn lại vô cùng viên mãn.
Nhắc đến thời "ông bà anh", người đời thường nghĩ tới đám cưới không tình yêu: Rước dâu bằng “siêu xe”, dân đứng kín đường ngắm nhìn, nhưng ít ai biết rằng vào thập niên 1930 cũng có một đám cưới gây chấn động người dân Thủ đô. Đó là lễ thành hôn của cô gái xinh đẹp gốc Hà Nam, sau này là nữ hiệu trưởng của trường Đồng Khánh cũ (Hà Nội) - GS Nguyễn Thị Yến (SN 1905).
Đám cưới gây xôn xao dư luận Hà thành
GS Yến xuất thân trong gia đình Nho học gốc ở huyện Bình Lục (Hà Nam), sau đó lên kinh thành Thăng Long sinh sống. Bà tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương thời Pháp thuộc. Năm 1930, bà công tác ở trường Đồng Khánh (Huế). Năm 1935, bà được phân công ra Bắc dạy trung học tại Cao Bằng.
Tại đây, thông qua sự mai mối và sắp đặt, bà trở thành con dâu của gia tộc Bùi Huy nổi tiếng ở ngõ Phất Lộc (Hoàn Kiếm). "Ngày nhỏ, tôi vẫn hay được bố mẹ kể về chuyện tình yêu của hai người. Thời xưa ở Hà Nội, các gia đình danh gia vọng tộc thường kết thân bằng chuyện hôn nhân của con cái.
Cha tôi là kỹ sư công chính (giao thông) Bùi Huy Khê (1904 - 1980). Trước đó, hai người chưa từng được gặp mặt, quen biết nhau”, ông Bùi Nguyễn Trần Hy (SN 1952) - con trai GS Yến chia sẻ trên Vietnamnet.
GS Yến (bên trái) chụp ảnh cùng bạn khi ở Huế.
Tháng 10/1935, lễ ăn hỏi của GS Yến và thiếu gia Bùi Huy Khê được tổ chức nhưng chỉ có mặt chú rể, không có cô dâu. Bởi bà bận dạy học ở xa không về kịp. Dẫu vậy sính lễ ăn hỏi của gia tộc họ Bùi Khê vẫn thuộc hàng xa hoa, đắt đỏ nhất thời kỳ ấy. Xe rước sính lễ dùng toàn bộ xe kéo lọng vàng. Đoàn người đi ăn hỏi đều mặc áo the khăn xếp kéo dài cả tuyến phố.
Lúc này GS Yến kín tiếng không kể với bất cứ bạn bè, đồng nghiệp nào. Chỉ đến khi mẹ của bà mang lễ hỏi gồm chè, thuốc và bánh phu thê lên Cao Bằng thì mọi người mới biết bà đã làm lễ hứa hôn ở quê nhà.
Hè năm 1936, GS Yến từ Cao Bằng về Hà Nội để chuẩn bị tổ chức tiệc cưới và sửa soạn quần áo về nhà chồng. Đám cưới được cử hành trọng thể ở dinh cơ của gia đình ông Bùi Huy Khê tại số nhà 49 Felix Pauvre (nay là phố Trần Phú).
Đoàn xe rước dâu có tới 20 chiếc xe ô tô màu đen, sang trọng. Cỗ cưới gồm những món sơn hào hải vị như: vây cá mập, yến sào, bào ngư... "Ngày cưới, mẹ tôi mặc bộ áo dài nhung đỏ, chân đi hài thêu chỉ vàng. Đám cưới đã gây xôn xao dư luận tại Hà Nội thời bấy giờ”, ông Hy nhớ lại.
Cưới xong, vợ chồng GS Yến đi hưởng tuần trăng mật ở Sơn Tây, lễ chùa chiền và xuống Hải Phòng thăm họ hàng. Sau đó họ về Hà Nội mua một căn biệt thự tại phố Lê Trực dọn ra ở riêng để tận hưởng cảm giác hạnh phúc của cuộc sống vợ chồng son. Nhưng không được bao lâu thì bà phải rời Hà Nội về trường nữ sinh ở Nam Định công tác, ông sang Lào làm việc.
Từ đó, cặp đôi bắt đầu cuộc sống xa cách nhưng vẫn nuôi dưỡng tình cảm bằng những lá thư viết vội. Trong cuốn hồi ký, GS Yến từng viết hai vợ chồng bà là tình đầu và cũng là tình cuối của nhau.
GS Yến tham dự bữa tiệc của các giáo viên dạy trung học thời bấy giờ.
Hôn nhân viên mãn của cặp đôi đến với nhau vì sắp đặt
Hôn nhân của GS Yến và ông Bùi Huy Khê là cuộc hôn nhân sắp đặt, không xuất phát từ tình yêu nhưng vợ chồng bà đã có nửa quãng đời còn lại vô cùng viên mãn. Năm 1950, bà cùng chồng lên tàu thủy sang Paris (Pháp) sinh sống và học tập. Tại đây, bà hạ sinh người con trai duy nhất tên Bùi Nguyễn Trần Hy.
Năm 1954, hai vợ chồng GS Yến về nước. Bà tiếp tục công tác, giảng dạy tại trường Trưng Vương (Đồng Khánh cũ, Hà Nội), còn ông Khuê về Bộ Kiến trúc (nay là Bộ xây dựng) làm việc. Theo lời kể của ông Hy, bố mẹ ông có lối ứng xử rất văn minh, luôn dành cho nhau thái độ trân trọng. Những năm GS Yến về trường Trưng Vương làm hiệu trưởng, hàng ngày đều được chồng lái xe đưa đi làm. Mỗi khi rảnh rỗi, bố anh đều tự tay vào bếp nấu ăn cho vợ...
Những bức hình hiếm hoi của vợ chồng GS Yến khi ở bên Pháp.
Ngoài ra, vợ chồng GS Yến có cuộc sống tinh thần phong phú và luôn tình cảm với nhau. Họ thường tâm sự, ngâm thơ và trao đổi các kiến thức xã hội mỗi khi gần nhau. "Mỗi tháng một lần, bố mẹ tôi và bạn bè thường tụ tập, tổ chức tiệc gặp mặt ở nhà tôi để đàm đạo thơ phú. Bạn bè bố mẹ tôi là bác Trần Duy Hưng, bác Trịnh Văn Bô, GS Nguyễn Thị Mão - phu nhân Phó thủ tướng Phan Kế Toại và các trí thức đương thời", ông Hy nói.