Đàn ông Việt Nam "ế" vợ: “Họa cho cả họ”

Ngày 23/09/2014 21:16 PM (GMT+7)

“Nhiều gia đình cố sinh con trai, nhưng khi con lớn lên không lấy được vợ, đời sau không có người nối dõi, dòng họ sẽ mang họa”.

Ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số thế giới tại Việt Nam vừa cảnh báo, đến năm 2050, 2,3 đến 4,3 triệu đàn ông Việt Nam sẽ không tìm được vợ để kết hôn. Vì tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tân, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế.

Đàn ông Việt Nam quot;ếquot; vợ: “Họa cho cả họ” - 1

Các chuyên gia dân số giật mình trước tỷ lệ chênh lệch trẻ trai và trẻ gái hiện nay. (Ảnh: Hồng Phú)

Thưa ông, Quỹ Dân số thế giới vừa cảnh báo, năm 2050, 4,3 triệu đàn ông Việt Nam sẽ có nguy cơ “ế” vợ. Là người đứng đầu Tổng cục DS –KHHGĐ, ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Bản thân tôi cũng giật mình khi tỷ lệ sinh đã tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái năm 2000 lên 113,8 bé trai/100 bé gái năm 2013.

Nếu cứ đà này, trong tương lai không xa, nhiều đàn ông Việt Nam sẽ không lấy được vợ.

Đàn ông Việt Nam quot;ếquot; vợ: “Họa cho cả họ” - 2

Ông Nguyễn Văn Tân, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế.

Sự khan hiếm phụ nữ tại Việt Nam sẽ dẫn đến hệ lụy gì, thưa ông?

Với tỷ lệ mất cân bằng giới tính đang gia tăng nhanh chóng như hiện nay, nguy cơ “nhập khẩu” cô dâu về Việt Nam sẽ rất lớn. Đây là một thách thức lớn đối với những nam thanh niên đang bước vào tuổi trưởng thành, có ý định tìm kiếm bạn đời ngay tại Việt Nam.

“Nhiều gia đình cố sinh con trai, nhưng khi con lớn lên không lấy được vợ, đời sau không có người nối dõi, dòng họ sẽ mang họa”, ông Tân nói.

Sự khan hiếm phụ nữ còn dẫn đến những hệ lụy xã hội khác, ví dụ sự cạnh tranh hay giành giật trong quá trình tìm kiếm bạn đời.

Từ đó sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề như: mất an ninh trật tự xã hội, gia tăng về mại dâm, nạn buôn bán phụ nữ…. Đặc biệt, tình trạng hôn nhân cận huyết sẽ gia tăng nhanh chóng. Ngoài ra, sự mất cân bằng giới tính buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình.

Theo ông, cái khó của việc giảm thiểu sự mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam là gì?

Việt Nam đang cố gắng xóa bỏ tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có sự phối hợp liên ngành và các tổ chức xã hội để làm thay đổi quan niệm trọng nam khinh nữ, nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.

Việc lựa chọn giới tính thai nhi là do định kiến giới: ưa thích con trai và xem thường giá trị trẻ em gái đã ăn sâu, bám rễ trong tâm thức của nhiều người Việt. Tư tưởng truyền thống lâu đời này đã tạo nên áp lực nặng nề đối với phụ nữ về việc phải sinh được con trai và ảnh hưởng cơ bản tới vị thế kinh tế, xã hội, đời sống sinh sản và tình dục của người phụ nữ.

Được biết, để giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Tổng Cục DS –KHHGĐ đã hỗ trợ gia đình sinh con một bề là gái. Tuy nhiên, những biện pháp triển khai còn rất ít. Ông có thể lý giải tại sao?

Chúng tôi đang đề xuất hỗ trợ gia đình sinh con một bề là gái. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên những đề xuất này chưa được thực hiện. Những gia đình sinh con một bề là thiệt thòi. Hiện nay chỉ có một số tỉnh có chính sách tặng quà. Điều này tạo ra sự phấn khởi. Nếu hiệu quả, chúng tôi sẽ nhân rộng tại nhiều tỉnh, thành.

Tôi phải thừa nhận, trước đây, gia đình sinh con một bề là gái yếu thế hơn so với gia đình có con trai. Chẳng hạn, đi ăn cỗ, gia đình sinh con gái một bề phải ngồi mâm dưới. Với chính sách tôn vinh gia đình có con một bề là gái, chắc chắn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ giảm thiểu.

Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất gia đình có hai bé gái sẽ được hỗ trợ học hành. Bố mẹ sinh 2 con gái, khi về già sẽ được hỗ trợ tiền. Thậm chí, Tổng cục DS-KHHGĐ sẽ đề xuất chỉnh điểm thi đại học cho bé trong gia đình sinh con một bề là gái.

Vậy ông có khuyến cáo nào đối với những người trong độ tuổi sinh đẻ nhất định phải đẻ con trai?

Theo tôi, con nào cũng quý. Sinh đẻ con trai hay con gái nên theo quy luật tự nhiên. Các bậc phụ huynh nên tập trung vào nuôi dạy con cái cho tốt.

Xin cảm ơn ông!

Theo Diệu Thu (thực hiện) (Khám phá)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot