Có thể ngày nay khi nghe đến câu nói “nam nữ thụ thụ bất thân” nhiều người sẽ cảm thấy lạc hậu, nhưng nó từng là một trong những lễ nghi vô cùng quan trọng trong xã hội xưa.
Mối quan hệ nam nữ thời buổi hiện nay đã dần cởi mở, thoải mái hơn. Tất cả mọi người, không phân biệt giới tính đều có thể dễ dàng kết bạn, trò chuyện, làm quen. Nhưng đâu đó giữa nam và nữ nếu không thân quen vẫn còn những khoảng cách nhất định. Nhiều người vẫn hay nói đùa rằng “nam nữ thụ thụ bất thân” với hàm ý không được có cử chỉ thân mật quá mức, đó không đơn thuần chỉ là một câu nói mà từng là lễ nghi đầy nghiêm khắc trong đời sống xã hội xưa.
Câu “nam nữ thụ thụ bất thân” (Có thể được hiểu là: Đàn ông và phụ nữ không nên trực tiếp đụng chạm thân thể), là một câu ngạn ngữ có xuất xứ từ Trung Quốc. Nó thường được sử dụng để gửi lời cảnh báo khi thấy đôi nam nữ có hành động thể hiện thân mật quá mức. Nếu không phải là họ hàng thân thích, cùng huyết thống, vợ chồng thì không được tùy tiện tiếp xúc thân thiết.
Quan điểm "nam nữ thụ thụ bất thân" xuất phát từ thời phong kiến, nhằm giữ khoảng cách đúng mực giữa nam và nữ
Theo những quy tắc của xã hội phong kiến xưa, khoảng cách giữa nam và nữ luôn phải duy trì, giữ thuần phong mỹ tục, không được thân mật quá đà. Thậm chí hai người khác giới không được phép ngồi gần nhau, không dùng chung lược, không được đón tay nhau. Đặc biệt, chị dâu và em trai chồng khi nói chuyện không được nhìn thẳng vào mắt nhau.
Nam nữ thời xưa muốn qua lại tìm hiểu nhau không phải là điều dễ dàng, muốn trao nhận cái gì đều không được đưa trực tiếp, nên thời đó mới có những câu chuyện tình trao gửi qua ánh mắt, lén nhìn nhau. Cùng với đó là những cuộc hôn nhân sắp đặt, không có sự tìm hiểu trước giữa hai người, đến khi đã xong các thủ tục mới chính thức biết nhau.
Theo quan điểm của người Á Đông xưa, hai người khác giới vô ý chạm vào nhau có thể bị coi là cử chỉ không đứng đắn. Đàn ông nếu có thái độ suồng sã với nữ giới sẽ bị xa lánh, dè chừng, còn đàn bà lẳng lơ thì bị gièm pha, khó lấy chồng tốt. Chính vì vậy, các gia đình quyền quý thường có xu hướng cấm cản con gái, đặc biệt là ở độ tuổi hẹn hò yêu đương, luôn quy định giờ giấc, kiểm soát việc gặp gỡ ai. Thời đó, trường học cũng được chia ra dành riêng cho nam và nữ, không được học chung, tạo nên một vách ngăn vô hình.
Sự ngăn cách và rạch ròi này vô tình tiệm cận gần với quan niệm “trọng nam khinh nữ”. Trong một số trường hợp, có thể quan điểm “nam nữ thụ thụ bất thân” này là cứng nhắc, hà khắc nhưng cốt lõi của nó được xem là không sai lầm.
Phụ nữ và nam giới thời xưa nếu không phải là gia đình, vợ chồng thì phải tuyệt đối giữ khoảng cách, việc tiếp cận gần gũi nhau không hề dễ dàng
Tư tưởng "nam nữ thụ thụ bất thân" kéo dài xuyên suốt trong chế độ xã hội phong kiến, mãi đến đầu thế kỷ 20 mới dần cởi mở hơn nhưng mối quan hệ nam nữ vẫn còn trong khuôn khổ. Thậm chí không ít biểu hiện của quan niệm này vẫn còn tồn tại và ảnh hưởng đến tận ngày nay.
Trong xã hội ngày nay, với sự phát triển ngày càng hiện đại, những lễ nghi ngày xưa có thể không còn phù hợp. Câu nói “nam nữ thụ thụ bất thân” cũng chỉ mang tính chất trêu đùa, chuyện nam nữ gần nhau được xem hết sức bình thường trong mối quan hệ xã hội luôn đề cao “nam nữ bình quyền”.
Tư tưởng "nam nữ thụ thụ bất thân" không còn quá cứng nhắc trong thời buổi hiện nay nhưng vẫn có giá trị nhất định trong mối quan hệ nam nữ
Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, con người tồn tại trong xã hội cũng vì có những quy tắc, kể cả trong mối quan hệ nam nữ ngày xưa hay ngày nay. Ở thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ, những con người của thế hệ cũ và thế hệ mới chung sống cùng nhau với những tư tưởng đan xen, việc các lễ nghi ngày xưa vẫn được nhắc nhiều, thậm chí áp dụng không phải là chuyện quá xa lạ.
Nếu biết cách áp dụng một cách khéo léo, khai thác những mặt tích cực của quan điểm giữ khoảng cách giữa nam và nữ, sẽ giúp cho xã hội hiện tại trở nên văn minh hơn, không còn những câu chuyện về quấy rối phụ nữ, quan hệ nam nữ bừa bãi dẫn đến hậu quả tiêu cực. Đồng thời vấn đề giới tính, khoảng cách nam và nữ cũng nên trở thành một nội dung đưa vào hoạt động giáo dục ở các độ tuổi, giúp người trẻ có thêm kiến thức và thế giới quan về chủ đề này.