Khoảng gần 160 năm trước, có một cô gái đăng quang Hoa hậu Sài Gòn. Với vẻ đẹp tuyệt sắc giai nhân, lần đầu tiên một người phụ nữ được in hình lên con tem và làm đại diện thương hiệu cho một hãng mỹ phẩm.
Nhắc đến những đệ nhất mỹ nhân ở Sài Thành, nhiều người ắt hẳn còn nhớ về cô Ba Thiệu hay còn có biệt danh là “Cô Ba xà bông". Người con gái sở hữu nhan sắc mỹ miều, được xếp vào hạng mỹ nhân đời đầu của chốn phồn hoa.
Hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn và bức hình huyền thoại trên bánh xà bông
Năm 1865, cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở Sài Gòn có tên là Miss Sài Gòn diễn ra với gần 100 cô gái tham dự. Vương miện sau đó thuộc về cô Ba Thiệu, con thầy Thông Chánh, quê gốc ở Trà Vinh. Cô xuất thân trong một gia đình gia giáo, được dạy dỗ đàng hoàng từ bé, biết giữ ý tứ, truyền thống và văn hoá bản địa.
Hình ảnh về cô Ba Thiệu với vẻ đẹp được xếp vào hạng tuyệt sắc giai nhân thời bấy giờ
Trước vẻ đẹp của cô Ba, nhiều người Pháp muốn chụp hình để đăng báo ở chính quốc. Tuy nhiên vì họ muốn chụp cô trong trang phục áo tắm nên không nhận được sự đồng ý. Chân dung của cô Ba Thiệu sau đó được vẽ rồi in thành tem phát hành với số lượng lớn chưa từng có ở Đông Dương. Cô Ba được xem là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên xuất hiện trên con tem giấy.
Ngoài ra, hình ảnh của cô Ba Thiệu về sau được hiệu buôn xà bông của ông Trương Văn Bền sử dụng làm người mẫu trên các sản phẩm bán ra thị trường. Hàng bán rất chạy, được nhiều người mua sử dụng. Cô Ba Thiệu trở thành “người mẫu” đầu tiên gắn với hình ảnh của một thương hiệu Việt.
Một hình ảnh về cục xà bông làm nên tên tuổi thương hiệu của ông Trương Văn Bền
Trong những giai thoại kể lại, cô Ba Thiệu có nét đẹp không ai bì, đẹp tự nhiên không răng giả, không ngực cao su nhân tạo. Tóc cô Ba dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng.
Là Hoa hậu nhưng cô Ba Thiệu sống giản dị, chân chất không hào nhoáng. Cô bỏ lại hào quang phù phiếm của vương miện Hoa hậu, không bị ảnh hưởng bởi lối sống ngoại lai, ăn chơi trác táng như một số mỹ nhân cùng thời. Sau một thời gian, cô Ba Thiệu lấy chồng.
Con tem có vẽ hình cô Ba Thiệu
Có thông tin cho rằng cô Ba Thiệu lấy chồng Tây, làm chức quan ba khi mới 16 tuổi. Một tư liệu khác thì cho biết sau một thời gian đăng quang Hoa hậu, thay vì lấy một ông quan Tây giàu có, cô Ba Thiệu lấy một người đàn ông Việt Nam bình thường, chọn cuộc sống giản dị, yên bề gia thất. Những thông tin về cuộc sống hôn nhân và người chồng của cô Ba Thiệu có rất nhiều bí ẩn.
Cuộc đời đầy bi kịch của đệ nhất mỹ nhân Sài Thành
Xinh đẹp, con nhà gia giáo và nổi tiếng nhưng cuộc đời của cô Ba Thiệu lại lắm chông gai, không được bình yên cho đến cuối cùng. Gia đình cô Ba Thiệu gặp sóng gió khi mẹ của cô dù lớn tuổi nhưng nhan sắc mặn mà, bị tên biện lý người Pháp ỷ thế làm càn thường xuyên theo đuổi, buông lời tán tỉnh. Thầy Thông Chánh, cha của cô Ba không chịu được nên đã rút súng bắn chết quan Tây.
Sau đó thầy Thông Chánh bị chính quyền Pháp xử tử, cô Ba Thiệu cũng bị bắt giam rồi tự tử chết. Tuy nhiên theo một số thông tin khác ghi lại rồi truyền miệng thì người cầm súng bắt chết tên biện lý là cô Ba Thiệu. Tòa đại hình Mỹ Tho kết án cô Ba rồi xử tử vào ngày 18/1/1894 tại Trà Vinh.
Cũng có thông tin cho rằng sau khi gia đình lâm vào cảnh ly biệt, cô Ba Thiệu bỏ xứ ra đi rồi không rõ cuộc sống sau đó thế nào. Vì có khá nhiều tư liệu ghi chép về cuộc đời cô Ba Thiệu, cùng nhiều giai thoại tam sao thất bản, chưa được đối chiếu kiểm chứng… nên thân thế và cuộc đời của bậc tuyệt sắc giai nhân này có nhiều ẩn số.
Nhưng dù theo thông tin tài liệu nào thì cuộc đời của cô Ba Thiệu cũng có một cái kết buồn thảm.
Người phụ nữ có vẻ đẹp tuyệt sắc nhưng cuộc đời đầy bi kịch
Về câu chuyện lừng lẫy một thời liên quan đến hình ảnh trên cục xà bông, có người cho rằng người phụ nữ trên miếng xà bông không phải cô Ba Thiệu mà là cô Ba Trà. Tuy nhiên nhiều người Sài Gòn xưa khi nhắc đến “xà bông cô Ba" họ đều nghĩ ngay đến cô Ba Thiệu con gái thầy Thông Chánh, người phụ nữ đầu tiên của Sài Gòn đăng quang Hoa hậu.