Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định thay thế kỳ thi THPT Quốc gia bằng Tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học trên cả nước đã công bố dự kiến phương thức tuyển sinh năm học 2020-2021.
Năm nay, thay vì tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia như những năm trước thì Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã quyết định thay thế bằng kỳ thi Tốt nghiệp THPT với mục tiêu là xét công nhận tốt nghiệp. Bởi vậy, các trường đại học trên cả nước đã công bố dự kiến phương thức tuyển sinh trong năm học 2020- 2021.
Những trường đại học tổ chức thi riêng
Đại học Quốc gia Hà Nội
Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tuyển sinh theo hình thức sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực riêng. PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc thường trực Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, kỳ thi riêng này sẽ được tổ chức trong 1 ngày vào khoảng cuối tháng 7 (sau ngày 26/7) đến trước kì thi THPT.
"Buổi sáng thí sinh sẽ dự thi môn Toán (90 phút); bài viết luận (60 phút); buổi chiều thi Ngoại ngữ (60 phút) và Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội (60 phút).
Bài luận là một dạng đề mở để thí sinh thể hiện khả năng viết luận về một chủ đề văn học, kinh tế, tự nhiên, xã hội dưới góc nhìn của một học sinh tốt nghiệp bậc trung học phổ thông.
Bài thi Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội tổ chức thi cùng giờ, riêng bài thi Khoa học Tự nhiên thí sinh sẽ đăng ký lựa chọn 1 trong 2 hợp phần: Lý - Hóa hoặc Hóa - Sinh. Mỗi bài thi hay hợp phần thi tương ứng 1 đầu điểm. Đối với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh sẽ đăng ký thi 1 trong 7 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung, Nhật và Hàn Quốc", PGS. TS Nguyễn Hoàng Hải thông tin.
Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tuyển sinh theo hình thức sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực riêng.
Ngoài xét tuyển theo kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tuyển sinh theo các phương thức khác như: xét tuyển thẳng; xét tuyển hồ sơ thí sinh (dựa trên học bạ và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT). Riêng các trường y dược, Hội đồng hiệu trưởng các trường sẽ họp trực tuyến để bàn về phương án tuyển sinh, trong đó có phương án tổ chức một kỳ thi chung.
Trường Đại học Ngoại thương
Đại học Ngoại thương tuyển sinh theo 5 phương thức:
Thứ nhất là phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 12 và hệ chuyên của trường THPT chuyên (dự kiến xét tuyển trong tháng 6).Trong đó, chỉ tiêu xét tuyển được áp dụng riêng cho từng đối tượng.
Thứ hai là phương thức xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại (dự kiến xét tuyển trong tháng 6).Trong đó, chỉ tiêu xét tuyển được áp dụng riêng cho từng đối tượng.
Thứ ba là phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi riêng do Trường Đại học Ngoại thương tổ chức phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội.
Điều kiện tham gia kỳ thi là thí sinh phải có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 7,0 trở lên. Thí sinh tham gia xét tuyển theo các tổ hợp A00,A01,D01,D02,D03,D04,D06,D07.
Bài thi bao gồm Toán (90 phút), Văn (bài tự luận – 60 phút), Ngoại ngữ (60 phút), Lý-Hoá (60 phút), Lý (60 phút), Hoá (60 phút), thí sinh đăng ký A00 thi bài tổ hợp Lý – Hoá, thí sinh đăng ký A01 thi bài Lý, thí sinh đăng ký D07 thi bài Hoá.
Dự kiến thí sinh đăng ký xét tuyển từ 1/6/2020 và tham gia kỳ thi vào cuối tháng 7/2020. Nội dung bài thi phù hợp với kiến thức THPT và bài thi mẫu dự kiến được công bố từ ngày 10/5/2020. Riêng thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có thể lựa chọn sử dụng điểm quy đổi tương đương cho môn ngoại ngữ.
Thứ tư là phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (dự kiến 20% chỉ tiêu).
Điều kiện tham gia xét tuyển phải có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 7,0 trở lên. Cách thức xét tuyển:
Đối với thí sinh sử dụng kết quả thi môn Toán, Văn Ngoại ngữ: Điểm xét tuyển được xác định bằng tổng điểm ba môn cộng điểm ưu tiên (nếu có).
Đối với thí sinh sử dụng kết quả thi môn Toán, Ngoại ngữ và Khoa học tự nhiên (KHTN): tổng điểm xét tuyển = (Toán*2+ Ngoạingữ*2+KHTN) quy đổi về thang 30 điểm + điểm ưu tiên (nếu có)
Đối với các tổ hợp xét tuyển khác: sẽ được xác định sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh năm 2020.
Thứ năm là phương thức xét tuyển thẳng được thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT và nhà trường.
Đại học Bách khoa Hà Nội
PGS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, nhà trường quyết định tổ chức thi tuyển sinh đại học tại ba tỉnh thành Hà Nội, Thanh Hóa, Sơn La. Đây là quyết định nhằm tạo điều kiện cho thí sinh di chuyển dễ dàng tới điểm thi, thay vì chọn địa điểm thi là trường Đại học Bách khoa Hà Nội như trước đó. Kỳ thi tuyển sinh của trường sẽ được tổ chức vào ngày 25/7.
Đề thi tham khảo sẽ được nhà trường công bố vào đầu tháng 5, hình thức thi sẽ là trắc nghiệm kết hợp tự luận ngắn trong một buổi với thời gian làm bài 180 phút (đối với các ngành ngôn ngữ Anh thời gian làm bài 210 phút).
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội quyết định tổ chức thi tuyển sinh đại học tại ba tỉnh thành Hà Nội, Thanh Hóa, Sơn La.
Đối với khối kỹ thuật, kinh tế: Thi một buổi trên giấy với 3 môn toán (85 - 90 phút), đọc hiểu (30 - 35 phút) và môn thứ ba (60 phút). Tổng thời lượng bài thi 180 phút.
Đối với ngành ngôn ngữ Anh: Thi một buổi với bài thi trên giấy 2 môn toán (85 - 90 phút) và đọc hiểu (30 - 35 phút), tổng thời lượng bài thi trên giấy 120 phút; môn thứ ba là tiếng Anh (90 phút) thi trên máy tính.
Tất cả các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, riêng môn toán có 2/3 trắc nghiệm và 1/3 tự luận (tự luận ngắn làm trực tiếp lên bài thi có đề và ô trống).
Được biết, đề thi của trường này sẽ có độ khó cao hơn so với đề thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, nhà trường áp dụng môn Đọc hiểu vào đề thi vì muốn đi theo xu hướng của các nước trên thế giới. Đối với môn Đọc hiểu, thí sinh sẽ được cung cấp một chủ đề về khoa học, chính trị, xã hội... sau đó sẽ trả lời một số câu hỏi liên quan đến chủ đề đã được cung cấp.
Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM
Trường sẽ có 4 phương thức xét tuyển khác nhau, trong đó chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp môn giảm xuống còn 40% (trước đó là 80%).
Phương thức xét tuyển dựa theo điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp môn điều chỉnh lên thành 40% tổng chỉ tiêu. Hai phương thức xét tuyển còn lại chiếm 10% ở mỗi phương thức đó chính là xét kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2020 với thí sinh có điểm từ 700 trở lên và xét tuyển thẳng học sinh giỏi từ kết quả học tập 5 học kỳ các năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12.
Đại học Tôn Đức Thắng
Trường này cũng đã điều chỉnh phương án tuyển sinh năm nay với 4 phương thức bao gồm xét kết quả học tập ở bậc THPT, xét kết quả thi tốt nghiệp, xét tuyển thẳng và xét kết quả thi đánh giá năng lực do nhà trường tổ chức. Ngoài việc thay đổi xét điểm thi THPT Quốc gia bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, trường có thêm phương thức đánh giá năng lực.
Những trường tuyển sinh dựa trên điểm thi Tốt nghiệp THPT
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Ngày 14/4, trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông báo nếu không tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia do dịch COVID-19 thì nhà trường dự kiến sẽ tự tổ chức kỳ thi riêng vào tháng 8 với 8 môn thi. Nhưng sau khi khi Thủ tướng đồng ý cho Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020, trường này đã hủy phương án tổ chức kỳ thi riêng vào tháng 8 với 8 môn thi và thực hiện xét tuyển kết quả tốt nghiệp THPT năm 2020.
Theo đó, trường chỉ lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 để xét tuyển vào đại học chính quy. Cùng với hình thức xét tuyển trên, trường sẽ xét tuyển thẳng thí sinh có IELTS 5.5 trở lên.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
Điều chỉnh phương án tuyển sinh với 3 phương thức xét tuyển bao gồm tuyển thẳng, xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 30% tổng chỉ tiêu, dựa vào điểm 3 môn thi đạt từ 20 trở lên.
Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM
Lãnh đạo nhà trường cho biết sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Bên cạnh đó, trường này cũng sẽ không tổ chức kỳ thi riêng vì sẽ gây tốn kém nhiều cho xã hội cũng như các thí sinh. Thay vào đó, trường mở rộng chỉ tiêu với phương thức xét tuyển bằng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Ngoài ra, một số trường đại học trên cả nước sẽ tuyển sinh theo 3 phương thức: xét tuyển thẳng kết hợp, xét tuyển theo kết quả học tập THPT và xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể: Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải; Học viện Tài Chính, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Đại học Tài Nguyên - Môi trườngtrường; Đại học Thương mại; Đại học Tài chính Kế toántoán; Đại học Giao thông Vận tải; Đại học Công nghiệp Hà Nội...