Hai nghiên cứu mới công bố đã chứng minh hiệu quả của vòng tránh thai được tráng thuốc trong việc chống HIV trên phụ nữ.
Vòng âm đạo là một vòng linh hoạt, được đặt bên trong âm đạo khoảng 04 tuần để tránh thai. Nếu sử dụng đúng cách, vòng âm đạo có hiệu quả đến 99,7% trong việc ngăn ngừa mang thai.
Tuy nhiên, vòng âm đạo trong hai nghiên cứu được công bố tại Hội nghị thường niên Conference on Retroviruses and Opportunistic Infections tại Boston, Massachusetts (Mỹ) còn có tác dụng khác.
Chúng được tráng một chất gọi là dapivirine - có tác dụng ngăn cản HIV sao chép. Vòng này hoạt động bằng cách phóng thích dần dapivirine trong khoảng thời gian như sử dụng vòng tránh thai bình thường.
Hai nghiên cứu cho thấy phụ nữ đặt vòng âm đạo tráng thuốc có tỉ lệ nhiễm HIV thấp hơn 27% hoặc 31% so với những người không đặt vòng tráng thuốc - Ảnh: AFP
Nghiên cứu đầu tiên công bố trực tuyến trên tạp chí Y học New England ngày 22/2 cho biết, phụ nữ trên 21 tuổi được đặt vòng dapivirine có tỉ lệ nhiễm HIV thấp hơn 27% so với người khác. Nghiên cứu thứ hai cũng hé lộ kết quả tương tự. Theo đó, phụ nữ trên 21 tuổi được đặt vòng này có tỉ lệ nhiễm HIV thấp hơn 31% so với người khác.
Vòng âm đạo dapivirine được hi vọng là cách mới giúp phụ nữ tự bảo vệ mình khỏi nhiễm bệnh một cách kín đáo và lâu dài - Ảnh: Andrew Loxley
Trong số 35 triệu người nhiễm HIV, có đến một nửa là phụ nữ với số đông sống tại vùng Sahara ở châu Phi. Nhưng từng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng biện pháp phòng ngừa HIV khác, chẳng hạn như thuốc và gel âm đạo, đã không thành công trong việc giảm tỉ lệ nhiễm HIV ở một số nước tiểu vùng Sahara bao gồm Nam Phi, Uganda và Tanzania.
Các nhà khoa học nghĩ vấn đề lớn đối với cả 2 phương pháp nói trên là do việc tuân thủ hay phải gắn bó với thói quen dùng thuốc thường xuyên. Việc đảm bảo thời gian đặc biệt quan trọng với các phương pháp điều trị phòng ngừa như thuốc tránh thai, vốn cần phải uống mỗi 24 giờ để có hiệu quả.
Do vậy, nhóm quyết định tiến hành dự án tại Malawi, Nam Phi, Uganda và Zimbabwe. Nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Y tế quốc gia Mỹ đã thực hiện trên 2.629 phụ nữ. Trong đó, một nửa được đặt vòng âm đạo tráng dapivirine và nửa còn lại được đặt vòng tráng giả dược. Suốt thời gian từ tháng 8.2012 đến tháng 6.2015, người tham gia được kiểm tra và thay vòng mới đều đặn hàng tháng.
Đến giai đoạn cuối của nghiên cứu, 168 người tham gia đã bị nhiễm HIV. Trong đó, 97 người thuộc nhóm được đặt vòng âm đạo giả dược, 71 người ở nhóm vòng âm đạo dapivirine. Điều này có nghĩa là những người đặt vòng dapivirine có tỉ lệ lây nhiễm HIV thấp hơn đến 27% so với những người khác. Mặc dù 27% chưa phải là tỉ lệ thành công lý tưởng nhưng nó là dấu hiệu tuyệt vời cho thấy đặt vòng là sự lựa chọn tốt cho những người phụ nữ hay quên uống thuốc hàng ngày.
Nghiên cứu thứ hai thực hiện trên 1.959 phụ nữ tại Nam Phi và Uganda. Kết quả cho thấy nó giúp giảm khoảng 31% nguy cơ lây nhiễm HIV tổng thể, đặc biệt rất tốt cho phụ nữ 25 tuổi trở lên.
Vòng âm đạo dapivirine chưa có mặt trên thị trường bởi trước khi được đưa ra nó còn phải được kiểm tra và xem xét thêm. Nhưng các quan chức y tế cộng đồng hi vọng rằng đặt vòng dạng này sẽ là cách kín đáo và lâu dài để phụ nữ tự bảo vệ mình khỏi nhiễm bệnh dù đối tác có dùng hay không dùng bao cao su.