Chứng kiến sự ra đi của những bệnh nhân ngay tại bệnh viện, nhiều bác sĩ đã không thể cầm lòng khi nhìn chiếc xe tang một mình lẻ bóng đưa chiếc áo quan về nghĩa trang Văn Điển.
Nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, chúng tôi trân trọng giới thiệu tới bạn đọc loạt bài viết về những “chiến sĩ áo trắng” trên mặt trận cứu người. Họ là những con người thầm lặng nhất, thậm chí còn bị kỳ thị bởi chính định kiến xã hội, chính đồng nghiệp và cả những người thân trong gia đình. Hay những bác sĩ đang ngày đêm tận tụy tìm ra những bài thuốc đông y “cứu cánh” cho những cặp vợ chồng hiếm muộn… Tất cả họ đều rất đáng tôn vinh. |
Tại Bệnh viện 09 Hà Nội, gặp bất kể bác sĩ nào khi hỏi về những khó khăn, những số phận, những cuộc đời của những bệnh nhân đang điều trị tại đây họ đều nói “vanh vách”, bởi với họ bệnh nhân ở đây rất đặc biệt, ngay chính bản thân các bác sĩ cũng vậy, nhiệm vụ của họ không chỉ là chữa bệnh cứu người mà còn là những nhà tâm lý tài ba.
Một trong số những câu chuyện khiếnngười nghephải lặng người, đó chính là những cái chết thương tâm sau cánh cổng bệnh viện. Bởi lẽ, những bệnh nhân ở đây “ra đi” theo cách hoàn toàn khác so với những bệnh nhân ở các bệnh viện khác.
Bác sĩ Hưng đang chủ trì một cuộc họp giao ban tại Khoa Nội - Bệnh viện 09.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng (Trưởng khoa Nội – Bệnh viện 09 Hà Nội) là người đã gắn bó với nơi đây từ khi bệnh viện vẫn còn là một trung tâm cai nghiện. BS Hưng tâm sự: “Có lẽ, để hiểu hết được cái khó, cái khổ của các bác sĩ ở đây, cũng như để hiểu được những hoạt động tại bệnh viện này, mọi người nên đến đây hoạt động cùng chúng tôi 1 đến 2 tháng, chứ còn có nói, có kể cũng không thể thấu hết được”.
Theo đó, bản thân bác sĩ Hưng đã từng chứng kiến những cái chết mà chắc hẳn bất kỳ ai, dù có sắt đá đến đâu cũng phải động lòng. Đó là sự việc xảy ra cách đây vài năm, khi bệnh nhân nghiện (nhiễm HIV) phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, phải khó khăn lắm bác sĩ mới hồi sức và cứu bệnh nhân thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.
Tưởng chừng, những nỗ lực của các bác sĩ sẽ được “đền đáp” một các xứng đáng, nhưng một sự thật bất ngờ lại xảy ra. “Ngay sau khi các bác sĩ và điều dưỡng đi ra ngoài, người nhà bệnh nhân rút luôn ống thở của người bệnh. Hóa ra, chính những người thân thích nhất của bệnh nhân cũng muốn bệnh nhân chết, nhưng với chúng tôi thì không thể làm thế được, vì như vậy là trái với lương tâm con người, đạo đức nghề nghiệp”, bác sĩ Hưng nói.
Tại Bệnh viện 09, mỗi bác sĩ là một câu chuyện "cổ tích" giữa đời thường.
Hay như trường hợp một bệnh nhân nam tử vong tại bệnh viện vào dịp giáp Tết, hôm đó cũng đúng vào ngày thời tiết u ám, khi bệnh nhân qua đời, người nhà không có một ai ở gần. Bệnh viện đành làm theo quy định của thành phố, đó là chuẩn bị cho bệnh nhân một áo quan, một bát cơm, một quả trứng và bát hương, đồng thời điều xe chở bệnh nhân xuống Nhà tang lễ Văn Điển để hỏa táng.
“Lúc chiếc xe lăn bánh, chúng tôi, những người bác sĩ đứng từ bệnh viện nhìn ra trong một tiết trời u ám, mà lòng ai cũng buồn, cũng thắt lại nhưng không biết phải làm sao”, bác sĩ Hưng tâm sự.
Theo bác sĩ Hưng, tại Bệnh viện 09 Hà Nội, đã có rất nhiều trường hợp ra đi như vậy, họ ra đi chỉ có những bác sĩ áo trắng là người thân nhất, họ không gia đình, không họ hàng ở bên. Ngay hiện tại bây giờ, tại nghĩa trang Văn Điển vẫn còn những cốt tro hỏa táng vô thừa nhận và trong số đó có những bệnh nhân từ Bệnh viện 09 chuyển xuống, nhưng đã bị gia đình bỏ rơi ngay cả khi đã chết.
“Đó chỉ là những câu chuyện điển hình trong 1.001 câu chuyện đang diễn ra hàng ngày tại Bệnh viện 09, nơi chỉ cần nhắc đến tên bệnh viện đã bị mọi người kỳ thị, tránh xa, và tôi vẫn nhắc lại rằng, nếu ai muốn viết về chúng tôi, muốn hiểu chúng tôi hãy đến với chúng tôi chỉ cần 1 tháng tại bệnh viện là sẽ đồng cảm được với công việc mà chúng tôi đang làm”, bác sĩ Hưng chia sẻ.