Lúc đứng trước vành móng ngựa và đối diện với nguy cơ tù tội, nhiều bị cáo mới “thấm” được nỗi đau mà người thân phải gánh chịu vì sự dễ dãi, cẩu thả của mình để cho các đại gia dởm lừa đảo chiếm đoạt số tiền khổng lồ.
“Đại án” lừa đảo chiếm đoạt gần 1.600 tỉ đồng từ 8 ngân hàng (NH) do cha con “đại gia” Lâm Ngọc Khuân (SN 1953, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) và Lâm Ngọc Hân (SN 1975, nguyên giám đốc công ty) cầm đầu đang dần đi đến hồi kết khi đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa vẫn giữ nguyên quan điểm buộc tội đối với 27 bị cáo là người tiếp tay cho cha con ông Khuân.
Bị mờ mắt trước cái mác “đại gia”
Theo dõi diễn biến của phiên tòa xét xử “đại án” này trong 10 ngày qua tại TAND tỉnh Sóc Trăng, nhiều người đã hiểu phần nào lý do khiến 25 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của các NH đã bị “sập bẫy” trong thời gian chóng vánh trước “đại gia” thủy sản Lâm Ngọc Khuân.
Trước tòa, nhiều bị cáo thừa nhận rằng trong quá trình thẩm định tài sản và ký duyệt hồ sơ thế chấp vay vốn của Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam, họ không hề nhận ra bất kỳ dấu hiệu bất thường nào từ cha con ông Khuân. Bởi lẽ, trước tòa lâu đài hoành tráng bậc nhất miền Tây được ông Khuân dùng để đặt văn phòng và dàn siêu xe đắt tiền mà ông Khuân và con gái thay đổi như cơm bữa đã làm cho các cán bộ NH cứ nghĩ rằng công ty này đang ăn nên làm ra. Đến nỗi, hàng chục bản báo cáo tài chính khống từ lỗ chuyển sang lời trên 40 tỉ đồng và kho hàng tồn bị “đẩy” giá trị thực từ 123 tỉ đồng lên gần 750 tỉ đồng cũng qua mặt được nhiều người.
Tòa lâu đài hoành tráng của đại gia Lâm Ngọc Khuân được xây dựng từ số tiền lừa đảo đã làm mờ mắt các cán bộ ngân hàng
"Đại gia" Lâm Ngọc Khuân
Đến tham dự phiên tòa, một số nhân viên cấp dưới của “đại gia” Khuân tỏ ra không bất ngờ khi hàng loạt NH bị ông này lừa đảo. Theo họ, lúc còn ở Việt Nam, ông Khuân luôn tỏ ra là người vui tính, cởi mở và phóng khoáng mỗi khi tiếp đãi khách lẫn các cán bộ NH đến viếng tòa lâu đài của mình. Để chứng tỏ mình là giới thượng lưu, ông Khuân thường khoác lên mình những bộ vét- tông đắt tiền và chi tiêu tiền như… nước. Không kém cạnh, con gái Lâm Ngọc Hân của ông cũng luôn ăn vận sang trọng, hiện đại như một tiểu thư đích thực.
Cha con Lâm Ngọc Khuân lúc nào cũng xuất hiện trước đám đông với diện mạo sang trọng
Đối với người ngoài là thế, nhưng đối với cấp dưới của mình trong công ty thì ông Khuân tỏ ra là người quyền uy, nghiêm khắc. Chỉ cần nhân viên nào không làm hoặc làm trái chỉ đạo thì bị ông đuổi việc ngay. Vì thế, trong quá trình điều tra lẫn đứng trước tòa, bị cáo Trịnh Thị Hồng Phượng (nguyên phó giám đốc phụ trách kinh doanh) và bị cáo Lâm Minh Mẫn (nguyên kế toán trưởng) đều khóc vì cho rằng mình chỉ làm theo chỉ đạo của ông Khuân chứ không hề có ý tư lợi. Bị cáo Mẫn còn đưa ra lý do nếu không làm theo thì bị ông Khuân cho nghỉ việc, dù đồng lương của bị cáo này được ông Khuân trả không quá 10 triệu đồng/tháng. “Trước bị cáo, nhiều kế toán đã từng bị ông Khuân đuổi việc vì không làm theo chỉ đạo”- bị cáo Mẫn khai nhận.
Chính từ cái "mác" của cha con ông Khuân đã kéo 27 bị cáo ra tòa
Cũng bằng cái mác “đại gia” như cha con ông Khuân, bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương (SN 1975, nguyên giám đốc Công ty TNHH An Khang, có trụ sở đặt tại TP Cần Thơ) đã chiếm đoạt trên 100 tỉ đồng và gần 4,4 triệu USD của các NH để trả nợ và chi tiêu cá nhân như một bà hoàng. Khi phi vụ lừa đảo chưa bại lộ, hằng ngày, Thu Sương luôn xuất hiện trước mặt mọi người với hình ảnh một quý bà thành đạt, năng động và đi đâu cũng có nhân viên theo hộ tống khiến không ít công ty thủy sản ở miền Tây phải trầm trồ khen ngợi tài nghệ kinh doanh của quý bà này. Đến lúc bị tuyên 20 năm tù về tộilừa đảo chiếm đoạt tài sản, người ta mới ngỡ ngàng về “tài nghệ” của bà.
Siêu lừa Thu Sương (trái) lúc làm thủ tục vào trại giam với mức án 20 năm tù
Trái ngược với hình ảnh mạnh mẽ của Thu Sương, Trần Thị Bạch Huệ được phong tặng là “nữ đại gia” trong lĩnh vực kinh doanh vận tải ở miền Tây nhờ vào tài nghệ ăn nói nhẹ nhàng, làn da trắng ngần, mái tóc dài đen mượt của cô gái xuất thân từ miệt vườn cây trái Phong Điền (TP Cần Thơ). Chính từ hình ảnh “đẹp” này, khi vừa đứng ra thành lập hãng xe taxi Green vào năm 2007 tại TP Cần Thơ, Bạch Huệ được không ít người có “máu mặt” tại Tây Đô nhiệt tình ủng hộ, giúp đỡ. Đến lúc món nợ NH trên 64 tỉ đồng và 600 chỉ vàng bị “xì” ra, nhiều người mới chợt nhận ra rằng việc kinh doanh vận tải đối với Bạch Huệ chỉ là cái bình phong để nữ bị cáo này lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản và vung tiền chi tiêu một cách không thương tiếc.
Đóng sầm cánh cửa tương lai
Khi bị đưa ra xét xử, bị cáo Bạch Huệ nhận mức án chung thân cho 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Mức án này được xem là nghiêm khắc và thích đáng đối vớihành vi phạm tội của Bạch Huệ. Tuy nhiên, người ta cảm thấy thương hại cho cô em gái của Huệ và 4 bị cáo nguyên là cán bộ một NH cũng bị vướng vào vòng lao lý do tiếp tay cho Huệ.
Trong khi đó, bị cáo Thu Sương cũng kéo chồng, cha, anh và 8 bị cáo nguyên là cán bộ của 5 NH cùng vào tù. Trong đó, nhờ có nhiều đóng góp cho xã hội trước đó nên cha của bị cáo Thu Sương chỉ bị tuyên 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Nhận mức án 10 năm tù cho hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Trần Thị Phương (nguyên giám đốc VietinBank chi nhánh Trà Nóc, TP Cần Thơ) đã òa khóc trước tòa vì cho rằng khi mình đi tù thì không biết ở nhà ai sẽ chăm sóc mẹ già đang ở tuổi gần đất xa trời.
Bị cáo Trần Thị Phương òa khóc khi nhận mức án 10 năm tù
Đối với “đại án” lừa đảo xảy ra tại Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam, khi được nói lời sau cùng trước khi HĐXX sẽ tuyên án vào đầu tuần tới, hầu hết các bị cáo đều tỏ ra ăn năn, hối cải vì đã để cái mác “đại gia” của ông Khuân làm mờ mắt, khiến con đường tương lai rộng mở của họ bị tắt lụi trong đau đớn. Đứng trước vành móng ngựa, không ít bị cáo ôm mặt khóc vì nhớ đến vợ, con và những người thân.
Điển hình là trường hợp của bị cáo Nguyễn Thanh Long (nguyên giám đốc Sacombank Sóc Trăng). Bị cáo này cho rằng ước gì được làm lại từ đầu thì mình sẽ kiểm tra, đối chiếu sổ sách một cách chi tiết, cẩn thận đối với Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam chứ không phải dễ dãi như trước. Bị cáo Long cũng gửi lời xin lỗi tập thể NH Sacombank, bạn bè và người thân vì đã để họ phải lo lắng, đau buồn suốt thời gian qua. Bản thân bị cáo 39 tuổi này cũng cảm thấy hối tiếc cho cánh cửa tương lai rộng mở của mình đã bị đóng sầm lại chỉ vì cái “bẫy” của cha con ông Khuân.
Bị cáo Mẫn đối diện với mức án đề nghị từ 15- 17 năm tù và cánh cửa tương lai đã đóng sầm lại đối với thanh niên trẻ tuổi này
Lo xa hơn, có bị cáo còn tỏ ra ân hận vì mai đây trong lý lịch của con mình sẽ bị ghi dòng chữ “cha có tiền án”.