Dạy bơi cho trẻ: Yêu cầu của Bộ bị 'chìm nghỉm'?

Ngày 01/07/2014 00:00 AM (GMT+7)

Trước tình trạng trẻ tử vong đuối nước có xu hướng ngày một tăng cả về số người lẫn số vụ, cách đây mấy năm, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các trường tiểu học trên cả nước phổ cập dạy bơi cho học sinh. Nhưng đến nay, đề xuất này vẫn trên giấy.

Dạy trẻ kỹ năng học bơi là cần thiết. Tuy nhiên, xung quanh việc dạy học bơi cho trẻ hiện nay cũng đang nổi lên nhiều vấn đề bất cập. Độc giả có thể theo dõi loạt bài viết trên Eva.vn về vấn đề này.

Đề xuất bị lãng quên

Có một nghịch lý đã tồn tại nhiều chục năm nay: bơi lội chưa bao giờ được đưa vào nhà trường để dạy học sinh như một môn học chính thức, dù Việt Nam là một nước có tới 3.260km bờ biển, mật độ sông ngòi dày đặc (2.360 con sông lớn nhỏ, mật độ 0,6km/km2) và thường xuyên chịu thiên tai, mưa lũ. Bơi lội chỉ được xem là các môn năng khiếu và cũng chỉ được dạy cho trẻ khi học các lớp năng khiếu về thể dục thể thao.

Đó là câu chuyện ở nhà trường. Ở gia đình, có một thực tế là nhiều bậc cha mẹ cũng không mấy chú trọng đến việc cho con cái học bơi lội, mà chú trọng nhiều vào việc ép buộc con học các môn văn hóa. Đó là lý do giải thích vì sao nhiều học sinh của ta không hề biết bơi lội, dù đây là một kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Dạy bơi cho trẻ: Yêu cầu của Bộ bị #039;chìm nghỉm#039;? - 1

Trong một thời gian dài, vấn đề dạy bơi cho trẻ ở ta đã không được chú ý đúng mức.

Ít ai biết rằng, tại một số nước, dạy học bơi cho trẻ được các bậc phụ huynh rất chú trọng. Với họ, dạy học bơi cho trẻ là điều bắt buộc, cũng như rèn luyện cho trẻ những kỹ năng khác như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống tự lập,…

Tại Mỹ, dịch vụ dạy trẻ sơ sinh bơi lội rất phát triển. Ở các lớp học bơi đặc biệt này, trẻ được học rất nhiều kỹ năng như có thể bơi chìm đầu trong nước, lúc mệt lật mình nằm thở trên lưng, rồi lại úp mình bơi tiếp cho tới khi tới bờ... Những kỹ năng bơi lội căn bản này đã giúp cho trẻ hội nhập rất nhanh với môn bơi lội được dạy trong các nhà trường khi trẻ đi học sau này. Bởi vậy, rất khó để có thể thấy một học sinh hay một thanh niên Mỹ đến tuổi trưởng thành mà không hề biết bơi lội.

Trở lại với vấn đề dạy học bơi ở nước ta, trước tình trạng trẻ tử vong đuối nước có xu hướng ngày một tăng cả về số người lẫn số vụ, cách đây mấy năm, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các trường tiểu học trên cả nước phổ cập dạy bơi cho học sinh. Nhưng đến nay, đề xuất này vẫn nằm trên giấy.

Dạy bơi cho trẻ: Yêu cầu của Bộ bị #039;chìm nghỉm#039;? - 2

Ở nhiều nước, dạy kỹ năng bơi lội cho trẻ đã được các bậc cha mẹ chú ý từ giai đoạn trẻ sơ sinh. Ảnh minh họa.

Sau công văn trên của Bộ GD-ĐT, lác đác có vài trường tiểu học ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng triển khai (chủ yếu là các trường quốc tế và hệ dân lập) nhưng rồi cũng chỉ hoạt động cầm chừng rồi đóng cửa. Lý do mà các trường đưa ra gần như giống nhau: thiếu giáo viên, thiếu kinh phí duy trì, không có không gian và diện tích để mở bể bơi…

Không hẹn mà đến, cứ mỗi mùa hè, tin về những vụ trẻ tử vong do tai nạn đuối nước (trong đó có không ít những vụ thương tâm) lại được báo chí loan tải. Cũng vào mỗi mùa hè, người ta lại mới chợt nhớ đã từng có một ý tưởng, một đề xuất (có lúc tưởng chừng đã sắp được triển khai thành đề án) của Bộ GD-ĐT về việc phổ cập dạy học môn bơi lội cho trẻ ở nhà trường tiểu học và coi đây là môn học bắt buộc, nhưng điều đáng tiếc là đề xuất này, sau gần chục năm, đến nay vẫn nằm nguyên trên giấy.

Dạy bơi trong nhà trường: Nói dễ, làm khó

Hiện nay, khó khăn lớn nhất mà các trường tiểu học gặp phải khi triển khai công văn của Bộ GD-ĐT về việc dạy học bơi cho học sinh chính là vấn đề kinh phí và không gian cũng như diện tích để xây dựng bể bơi là không có.

Bà Vũ Thu Thảo – Hiệu trưởng trường Tiểu học Đại Yên (Ba Đình) cho biết: “Công văn chỉ đọ của Bộ và của Sở GD-ĐT Hà Nội chúng tôi cũng đã nhận được nhưng khi triển khai thì rất khó. Cách đây hơn chục năm trước, phía Sở GD-ĐT Hà Nội cũng từng có công văn chỉ đạo, hướng dẫn về việc này. Theo tôi được biết thì hiện nay việc dạy học bơi trong nhà trường có trường thực hiện có trường không, nhìn chung là tùy theo điều kiện của từng trường”.

“Như trường chúng tôi thì việc đưa môn bơi lội vào dạy cho học sinh là rất khó. Thứ nhất là không có giáo viên phụ trách chuyên về dạy bơi, thứ hai là kinh phí đều do trường phải tự bỏ ra, bởi phía Bộ và Sở hiện tại chưa có bởi chưa lập đề án. Khó khăn lớn nhất vẫn là trường hiện nay thiếu diện tích lẫn không gian để xây dựng bể bơi đủ điều kiện tiêu chuẩn để có thể phục vụ nhu cầu dạy học”, bà Thảo nói.

Dạy bơi cho trẻ: Yêu cầu của Bộ bị #039;chìm nghỉm#039;? - 3

Khó khăn lớn nhất mà các trường tiểu học gặp phải hiện nay trong việc triển khai dạy học bơi cho học sinh là trường không có bể bơi và giáo viên. Để xây dựng một bể bơi đạt chuẩn như thế này để phục vụ công việc dạy học đòi hỏi rất tốn kém, trong khi đó kinh phí và quỹ đất của nhiều trường lại rất hạn chế.

Cùng chung lo lắng trên, bà Nguyễn Thị Huyền – Hiệu trưởng trường Tiểu học Cổ Nhuế A (Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho rằng: “Quy định dạy học môn bơi lội cho học sinh ở trường tiểu học là cần thiết. Tôi đọc báo thấy số vụ tai nạn đuối nước ở trẻ cao quá, nhiều vụ rất thương tâm. Học bơi là để các em tự bảo vệ mình. Nhưng để thực hiện được điều này thì rất khó”

“Hiện nay hầu hết các trường tiểu học đều không có bể bơi, quỹ đất thì hạn chế, trong khi một bể bơi đạt chuẩn cần phải có diện tích và đầu tư kinh phí cũng khá lớn. Điều này vượt quá khả năng của nhiều trường”, bà Huyền bày tỏ.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Thắm – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết:  “Đưa bơi lội trở thành một môn học bắt buộc cho học sinh cấp tiểu học là cần thiết, đây được xem là biện pháp thiết thực để ngăn chặn và làm giảm tỉ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em. Ở nhiều nước trên thế giới họ cũng đã thực hiện điều này từ rất lâu rồi”.

Bà Thắm cũng cho rằng, hiện nay việc triển khai dạy học bơi trong nhà trường đang gặp phải khó khăn. “Theo phản ánh của đại diện các trường thì khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề kinh phí, để xây dựng một bể bơi đạt chuẩn phải tốn kém rất nhiều mà trường phải tự bỏ ra. Thêm vào đó, quỹ đất của nhiều trường hiện nay là rất hạn chế, không có diện tích để xây bể bơi. Rồi vấn đề giáo viên dạy bơi bị thiếu cũng là khó khăn lớn…”.

Về giải pháp tháo gỡ những khó khăn trên, bà Thắm cho biết: “Theo tôi, việc dạy học bơi cho học sinh trong nhà trường tiểu học không nên ‘cào bằng’ mà sẽ tiến hành theo từng bước và có chọn lọc vùng miền. Những vùng có nguy cơ cao về đuối nước đối với trẻ em như vùng ven biển, vùng nhiều ao hồ, sông suối… sẽ triển khai trước. Những vùng không có nguy cơ cao sẽ thực hiện sau”.

“Còn những khó khăn về kinh phí, có thể kinh phí xây dựng bể bơi sẽ một phần do nhà trường bỏ ra, một phần nên vận động từ quỹ xã hội hóa, sẽ đỡ được gánh nặng cho trường”, bà Thắm nói.

H.Sơn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy bé tập bơi