Đây là cách hai cô gái thông minh thoát khỏi căn nhà cháy ở TP.HCM

Ngày 12/01/2017 19:00 PM (GMT+7)

Vụ cháy xảy ra lúc rạng sáng, la phông trần nhà bốc cháy ngùn ngụt, khói lửa vây bít lối thoát. Hai cô gái chân yếu tay mềm đã làm thế nào để thoát khỏi đám cháy an toàn?

“Em đang ngủ thì nghe: cháy cháy!”

Khoảng 1 giờ 40 ngày 11-1, đang ngủ trên lầu một của salon tóc Hoàng Lan (quận Thủ Đức), hai nữ nhân viên của salon là Nông Thị Lương (26 tuổi, quê Lâm Đồng) và Nguyễn Thị Kim Loan (17 tuổi, quê Đồng Nai) giật mình tỉnh giấc khi nghe tiếng tri hô cháy của đồng nghiệp từ dưới tầng trệt.

Hai cô gái tá hỏa mở cửa phòng để chạy xuống tầng trệt nhưng đã thấy khói lửa vây bít lối thoát.

Đây là cách hai cô gái thông minh thoát khỏi căn nhà cháy ở TP.HCM - 1

Vụ cháy xảy ra vào lúc rạng sáng. Ảnh: LÊ QUÂN

“Em hoảng lắm nhưng bảo bạn phải nhanh đóng cửa phòng cho khói không vào rồi mở cửa hông thoát ra. Sau đó, hai đứa hỗ trợ nhau trèo qua ô gió xuống mái nhà bên cạnh thoát nạn an toàn. Mấy phút sau thì các anh cảnh sát PCCC tới, dập tắt đám cháy” - một nữ nhân viên nhớ lại.

Thiệt hại do vụ cháy không lớn (một người bị bỏng nhẹ, diện tích cháy khoảng 10 m2 với một số nguyên liệu và dụng cụ ngành tóc). Nguyên nhân cháy nhiều khả năng do sự cố điện. Song tín hiệu vui ở đây là kỹ năng xử lý tình huống tỉnh táo của hai nữ nhân viên làm tóc chân yếu tay mềm. Trước tình cảnh hỏa hoạn trên, nếu hai người hoảng loạn cố thoát theo đường cầu thang có lẽ sẽ bị bỏng nặng, còn sợ hãi “cố thủ” trong phòng rất dễ ngạt khói.

“Đó là hai cô gái rất thông minh!”

Đây là cách hai cô gái thông minh thoát khỏi căn nhà cháy ở TP.HCM - 2

May mắn không thiệt hại về người. Ảnh: LÊ QUÂN

Nói về cách ứng phó của hai nữ nhân viên tại tiệm salon tóc Hoàng Lan, Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Pháp chế điều tra, xử lý về cháy nổ (Cảnh sát PCCC TP.HCM), khẳng định: “Đó là hai cô gái thông minh và bản lĩnh”.

“Khi thấy cháy, hai cô gái không vì sợ bỏ chạy luôn mà kịp thời đóng cửa, hướng gần nguồn cháy xảy ra. Việc này không chỉ giúp kéo dài thời gian, ngăn cháy lan mà còn giúp giảm khói độc tràn vào phòng, kéo dài được thời gian để nạn nhân tìm hướng thoát nạn khác".

Ông Hà nhấn mạnh trong các vụ cháy hầu hết nạn nhân tử vong do ngạt khói. Nhiều người trong số đó đã cố gắng tìm nơi “ẩn núp” là phòng ngủ xa khu vực cháy, phòng tắm, phòng vệ sinh,… với suy nghĩ “bà hỏa” sẽ không với tới hoặc không dám đụng tới, hoặc ít ra sẽ được cứu thoát trước khi “bà hỏa hỏi thăm”. Nhưng thực tế là khói độc có thể luồn lách khắp ngóc ngách, nhất là những khu vực bị che chắn, bao kín.

Các chất có trong đám khói đó như CO2, CO, H2S, muội than… chính là thuốc độc mà con người hít vào sẽ rất nhanh chóng suy hô hấp, suy tim, tổn thương thần kinh. Đặc biệt chỉ khoảng 0,1% nồng độ CO2 trong không khí cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

 “Trong những hoàn cảnh như vụ cháy trên, hãy học hai nhân viên làm tóc là đóng các cửa hướng về phía đám cháy để ngăn khói tạm thời (không thể ngăn trong thời gian lâu) rồi tìm cách leo cửa sổ, ô thông gió hoặc tìm vật dụng đập kính, phá song cửa...

Nếu lửa đã vây lối thoát, không có lối nào khác, nên ngăn khói tạm thời rồi lấy chăn màn, quần áo buộc làm dây hoặc lấy dây buộc vào vị trí chắc chắn và từ từ đu xuống…”.

Không nên “cố thủ” trong phòng tắm, phòng vệ sinh hay các lầu phía trên (trừ khi nhà cao tầng có lầu cách xa nơi bị cháy) vì đặc điểm của khói là bốc lên phía trên và tích tụ trong khu vực kín. Cũng không nên liều lĩnh nhảy khi ở quá cao mà tình thế chưa đến mức nguy cấp vì không thương vong do cháy thì cũng tử thương vì chấn động…

Nói về những yếu tố giúp hai cô gái thoát chết trong gang tấc, Trung tá Lê Mạnh Hà cho biết bên cạnh yếu tố thông minh, bản lĩnh của hai cô gái, ông nhấn mạnh đến vai trò của kết cấu ngôi nhà.

“Ngôi nhà không chỉ có hai lối thoát nạn mà kết cấu tòa nhà có sự ngăn cháy, độc lập giữa các phòng, giúp hạn chế việc cháy lan. Khi xây tòa nhà, như cầu thang, giữa các phòng, bức tường ngôi nhà này được xây kịch lên tận mái luôn, ngăn giữa các phòng với nhau. Chứ như nhiều nhà chỉ xây lưng lửng đến la phông, rồi đóng la phông bằng. Mà la phông bằng sử dụng chất liệu nhựa thì rất nguy hiểm: khi cháy sẽ cháy từ trên cháy xuống dưới, dẫn tới cháy cả tòa nhà”.

Theo LÊ QUÂN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức TP.HCM