Trường không thể tuyển sinh ngành Y đa khoa, dược trong năm nay, vì đã hết hạn tuyển sinh theo lịch chung của cả nước. Việc cho phép mở ngành ở thời điểm này trước hết là do trường đã đảm bảo đủ điều kiện theo qui định.
Mới đây, Thứ trưởng – Bộ Giáo dục và Đào Tạo Bùi Văn Ga - ký chuyển Quyết định số 5758/QĐ-BGDĐT có ghi rõ: “Cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo trình độ đại học, hệ chính quy ngành Y đa khoa, mã số: 52720101; Dược học, mã số: 52720401 Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các ngành trên nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của Trường. Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành”.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng trả lời PV
Trong Quyết định do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký chuyển cũng nêu rõ: “Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay từ ngày ký – ngày 19/11/2015".
Sau khi có thông tin về quyết định này, nhiều người đã tỏ ra bất ngờ khi một trường đại học ngoài công lập, lại có tên gọi dường như không liên quan tới ngành học y dược, lại được đồng ý cho đào tạo các ngành học này. PV Infonet có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Quyền Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Cơ sở nào để Bộ GD&ĐT cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ đào tạo ngành y dược, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Cơ sở là quy định về điều kiện mở ngành tại Thông tư 08/2011/TT-BGDĐT và tham khảo ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế; kết quả thẩm định của đoàn thẩm định liên ngành giữa hai bộ.
Theo qui định đối với các ngành khác thì việc kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo khi xin mở ngành là do Sở Giáo dục và đào tạo tại địa phương thực hiện. Đối với các ngành đặc thù y, dược thì Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với Bộ Y tế thực hiện.
Khi cho trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đào tạo ngành y, Bộ có kiểm tra cơ sở vật chất của họ không? Cơ sở vật chất của trường này như thế nào, có đảm bảo như các trường đào tạo y dược có uy tín như hiện nay, cụ thể là như ĐH Y Nội, không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Bộ GD&ĐT đã thành lập đoàn kiểm tra liên bộ với Bộ Y tế để kiểm tra cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Khi muốn mở ngành thì cơ sở vật chất của trường phải cơ bản đảm bảo chất lượng đào tạo lý thuyết lẫn thực hành. Trong quá trình phát triển chuyên ngành, nhà trường sẽ đầu tư dần các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu. Do đó, trang thiết bị phục vụ đào tạo của trường đang làm thủ tục mở ngành không thể so sánh được với trường đã có bề dày cả trăm năm đào tạo!
Theo bà, đến lúc này, 2 ngành của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ mới (ngành y) bắt đầu tiến hành tuyển sinh, liệu có hợp lý không?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Trường không thể tuyển sinh ngành này trong năm nay, vì đã hết hạn tuyển sinh theo lịch chung của cả nước. Việc cho phép mở ngành ở thời điểm này trước hết là do trường đã đảm bảo đủ điều kiện theo qui định.
Thứ hai là để cho trường có kế hoạch thu hút thêm được giảng viên giỏi về tham gia giảng dạy, các giảng viên đã được tuyển dụng cũng yên tâm làm việc; trường cũng có thể tập trung chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để triển khai công tác đào tạo.
Nhiều người lo lắng khi đánh giá chất lượng đầu vào cũng như khả năng đào tạo của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ không ở top cao, liệu có đủ tiêu chuẩn để đào tạo y dược?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Sự lo lắng của dư luận là chính đáng. Tuy nhiên, điều kiện để mở ngành đã được quy định chung trong Thông tư 08/2011 nêu trên, trong đó không có quy định trường phải ở top cao mới được mở ngành y dược. Hai bộ đã kiểm tra và thấy trường đã đủ điều kiện cơ bản để mở ngành.
Điều kiện này đã được hai bộ yêu cầu ở mức cao hơn so với mức được quy định để nâng cao chất lượng đào tạo các ngành thuộc khoa học sức khoẻ trong thời gian tới. Chất lượng đầu vào của thí sinh phụ thuộc vào ngành chứ không phải là chất lượng đầu vào chung của toàn trường. Các trường sẽ qui định ngưỡng điểm xét tuyển vào từng ngành của trường cho phù hợp với yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo.
Sau trường hợp này, các trường đa ngành, kể cả công lập và ngoài công lập có thể mở các ngành nào mà trường thấy có nhu cầu, thì Bộ xử lý thế nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Qui trình mở ngành được thực hiện theo Thông tư 08, trong đó qui định các ngành định mở phải phù hợp yêu yêu cầu nhân lực của địa phương, vùng miền. Đối với các trường ĐH công lập thì khi nhà nước thành lập đã xác định chức năng, nhiệm vụ của trường cụ thể. Các trường chiếu theo chức năng nhiệm vụ được giao để định hướng việc phát triển ngành nghề phù hợp.
Đối với các trường ngoài công lập thì chức năng, nhiệm vụ, định hướng ngành nghề đào tạo do các nhà đầu tư xác định khi xây dựng đề án thành lập trường và những nội dung này có thể được điều chỉnh trong quá trình phát triển. Pháp luật không có phân biệt đối xử với các trường ngoài công lập.
Theo nguyên tắc, việc cấp phép cho những ngành đặc biệt, có phạm vi, tiêu chuẩn, điều kiện riêng thì phạm vi, tiêu chuẩn, điều kiện đó phải được quy định minh bạch: trong chức năng nhiệm vụ của trường, trong quy định về mở ngành hoặc trong các quy định liên quan, trong các biện pháp quản lý hành chính của cơ quan có thẩm quyền... Nếu không có quy định riêng đặc biệt nào thì phải theo quy định chung. Khi trường đã chuẩn bị đủ điều kiện theo quy định thì nghĩa vụ của cơ quan cấp phép là phải cấp phép.
Trường hợp cho phép mở ngành y dược trong trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ không phải tạo ra một ngoại lệ đặc biệt để lo lắng rằng sau trường hợp này thì những điều gì sẽ xảy ra. Ở VN hiện nay có 21 trường đang đào tạo y đa khoa thì trong đó có 9 trường đa ngành và 5 trường tư thục. Trong 26 trường đang đào tạo ngành dược hiện nay thì có 16 trường đa ngành và 14 trường tư thục. Trên thế giới cũng không nhiều trường Y đơn ngành mà đa số là ngành y được đào tạo trong trường đa ngành.
Hiện nay các Đại học Quốc gia và các trường Đại học, học việc thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ đã được nhà nước cho tự chủ mở ngành đào tạo. Các trường này tùy theo định hướng chiến lược phát triển của mình, chủ động trong việc mở ngành, phát triển chương trình đào tạo.
Tôi hiểu dư luận băn khoăn do tên trường từ trước được gọi là ĐH Kinh doanh và Công nghệ, không liên quan đến y dược và điểm đầu vào thấp nên khó chấp nhận trong đào tạo ngành y dược. Thực tế thì tên gọi không nói lên chất lượng, còn điểm đầu vào thì trường chưa tuyển sinh và không có cơ hội để tuyển sinh năm nay. Chắc chắn đến khi tuyển sinh, trường không thể lấy điểm thấp mà phải quy định ngưỡng chất lượng đầu vào theo ngành, đáp ứng yêu cầu của từng ngành.
Trong quá trình đào tạo, Bộ GD&ĐT luôn rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng, như trong thời gian qua, Bộ đã cho dừng nhiều ngành không đảm bảo chất lượng. Việc minh bạch thông tin chất lượng để xã hội giám sát, người học tham khảo… cũng là yêu cầu trong công tác kiểm định chất lượng và xếp hạng trường đại học đang và sẽ được thực hiện trong thời gian tới để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Xin cảm ơn bà!