Đi ăn lẩu ở nhà hàng, hầu hết mọi người đều từng được nghe câu hỏi "bạn có muốn dùng thêm nước lẩu không?" từ những người phục vụ, nhưng ít ai biết được mục đích đằng sau.
Những ngày gió mùa về, thời tiết chuyển dần sang đông, lẩu là món rất phù hợp để ăn khi tụ tập bạn bè và gia đình. Lẩu làm ấm cơ thể, có thể kết hợp nhiều món ăn kèm, chưa kể có nhiều nơi còn bán dạng buffet kèm nướng nên càng được khách ưa thích. Tại các nhà hàng lẩu hiện nay, đội ngũ nhân viên luôn túc trực và phục vụ các yêu cầu của khách. Họ dọn bàn, đưa đồ ăn, chỉnh nhiệt độ bếp và cả cho thêm nước lẩu.
Nước lẩu trong nồi ban đầu rất nhiều, nhưng trong quá trình ăn, nước sẽ cạn dần. Nếu như không xin thêm nước lẩu thì nước sẽ mặn, khó nhúng thêm rau, thịt và các đồ ăn kèm. Ngoài việc khách chủ động xin thêm nước lẩu, cũng có trường hợp nhân viên tự quan sát bàn của khách và hỏi "anh/chị có cần thêm nước lẩu không?". Hoặc khi khách đang vui vẻ trò chuyện, vừa ăn vừa cười đùa thì nhân viên lại đến hỏi câu tương tự như vậy.
Nghe qua câu hỏi ai cũng nghĩ là nhân viên đang hỏi khách có muốn thêm nước lẩu hay không nhưng đằng sau đó là để gửi gắm những thông điệp mà khách ít ngờ đến.
Thêm nước lẩu cho khách
Khi ăn lẩu, do nhiệt độ quá cao, nước lẩu sôi, bốc hơi nhanh dẫn đến nước nhanh bị cạn. Chắc chắn lúc đó hành hàng sẽ có nhu cầu thêm nước lẩu vào. Nhà hàng có rất nhiều nhân viên, họ hoạt động luôn tay luôn chân để phục vụ khách. Họ không chỉ lấy đồ theo yêu cầu mà còn phải nhanh mắt quan sát được bàn nào đã ăn xong để dọn, bàn nào cần dọn bớt bát đĩa, bàn nào cần thêm đồ ăn và cả bàn nào sắp hết nước lẩu.
Nếu như nhân viên chăm sóc chu đáo, họ sẽ nhận thấy nước lẩu có nguy cơ cạn và hỏi khách, song cũng có trường hợp nhân viên không để ý đến khi cạn trơ đáy mới cho thêm.
Khi khách hàng ngày càng đòi hỏi chất lượng phục vụ cao hơn, nhân viên cũng phải cố gắng làm hài lòng. Nếu như cho thêm nước lẩu kịp thời, thực khách không có phàn nàn gì. Nhưng với những khách khó tính, săm soi thì họ có thể báo với chủ quán là nhân viên thiếu quan tâm, rất có thể sẽ bị trừ lương ngay sau đó.
Nhắc khéo rằng có nhiều người đang chờ
Ở nhà hàng có chất lượng tốt, chu đáo, đồ ăn ngon, chuyện hết bàn là không tránh khỏi, nhất là vào dịp cuối tuần hay các ngày lễ. Đặc biệt, tại những quán có thương hiệu, một số khách sẵn sàng ngồi chờ đợi đến lượt để vào ăn. Cho nên những khách nào đã gần ăn xong mà ngồi nói chuyện phiếm, cười đùa quá lâu thì nhân viên cũng sẽ có cách nhắc khéo.
Nếu như nhân viên nói thẳng là không nên ngồi lâu vì có người chờ hay thời gian ăn đã hết có thể làm mất lòng khách hàng. Vì vậy, nhân viên sẽ dùng câu hỏi "anh/chị có cần thêm nước lẩu không?" như cách hỏi khéo là khách đã ăn xong chưa. Nếu như không cần thêm nước lẩu có nghĩa là ăn đã gần xong và bên ngoài còn nhiều người chờ đợi.
Nhắc khéo sắp đến giờ đóng cửa
Sau giờ tan tầm, nhiều người sẽ chọn ăn lẩu để lai rai với bạn bè, đồng nghiệp. Vì thời gian làm việc của mỗi người khác nhau nên có những thực khách vào quán lúc muộn. Nên nếu khách ngồi 1-2 tiếng cũng đến sát giờ đóng cửa. Sau khi tranh thủ dọn dẹp, lau chùi mà khách vẫn chưa về, nhân viên sẽ dùng câu hỏi "anh/chị có cần thêm nước lẩu không?" như một cách ẩn ý quán đã sắp đến giờ đóng cửa.
Câu hỏi này giúp ngắt bớt câu chuyện lai rai và khách sẽ nhớ trời đã về khuya, cần ăn nhanh để chủ quán còn đóng cửa.
Muốn cho khách thấy sự hài lòng trong cách phục vụ
Đối với những người làm kinh doanh, đặc biệt lĩnh vực ăn uống, làm hài lòng khách bằng đồ ăn ngon là chưa đủ. Khách còn quan tâm đến thái độ, cách thức phục vụ. Do đó, các chủ nhà hàng sẽ tìm mọi cách để làm hài lòng "thượng đế" từ điều đơn giản nhất.
Một trong những cách đó là chú ý đến quá trình ăn của khách để kịp thời lấy thêm đồ hay cho thêm nước lẩu. Trong một số trường hợp, nước lẩu vừa vơi, nhân viên đã đon đả hỏi ngay "anh/chị có cần thêm nước lẩu không?". Mặc dù, họ cũng biết khách chưa cần nhưng chỉ một câu nói cũng đủ khiến cho khách cảm thấy được quan tâm.
Xem thêm clip cảnh tượng ăn lẩu có 1 không 2 giữa công ty