Bất chấp việc hãng hàng không tăng chuyến, mở thêm chặng bay, do nhu cầu quá lớn, đến nay vé rẻ không còn, nhiều chuyến treo biển "hết vé"...
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 4 ngày (từ ngày 30/4 đến hết ngày 3/5), trong bối cảnh dịch Covid-19 không còn diễn biến phức tạp như năm trước. Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân được dự báo sẽ tăng rất cao, ngành đường sắt tăng hàng chục chuyến trên nhiều tuyến, còn các bến xe khách cũng đã sẵn sàng phương án tăng hàng nghìn lượt xe. Trong khi đó, đối với hàng không, vé máy bay đến các điểm du lịch đang rất “nóng”.
Công tác tổ chức vận tải dịp 30/4 và 1/5 đang được các bến xe khẩn trương thực hiện nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân (Hành khách tại bến xe Mỹ Đình, Hà Nội). Ảnh: Tạ Hải
Tăng hàng nghìn lượt xe khách
Đến thời điểm này, các bến xe lớn ở Hà Nội như Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình, Gia Lâm... đều đã sẵn sàng kế hoạch xe tăng cường nhằm đáp ứng lượng hành khách có thể gấp nhiều lần so với ngày thường trong đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới.
Đặc biệt, tất cả các quy định về phòng chống dịch Covid-19 đều được thực hiện nghiêm ngặt.
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Cty CP Bến xe Hà Nội thông tin, hiện doanh nghiệp đã lên kế hoạch tăng cường 500 lượt xe cho các bến xe thành viên là Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm.
Cụ thể, tại bến xe Giáp Bát, theo dự báo lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm sẽ tăng 200 - 250% so với ngày thường; lượt xe dự kiến là 1.050 lượt xe/ngày, tăng khoảng 130% so với ngày thường. Khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá…
Với bến xe Mỹ Đình, lượng khách trong các ngày cao điểm sẽ tăng lên hơn 200%, lượt xe dự kiến hơn 1.050 lượt xe/ngày tăng khoảng 130%. Tại bến Gia Lâm, lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm sẽ tăng khoảng 200%, lượt xe dự kiến là 700 xe, tăng khoảng 120% so với ngày thường.
Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết, dự báo lượng khách trong đợt nghỉ lễ có thể tăng từ 130 - 150%. Hiện bến xe đã lên kế hoạch tăng cường từ 150 - 200 xe. Bến xe đã huy động các đơn vị khai thác trên các tuyến có khả năng khách đông như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng... cam kết không được nghỉ vào các ngày lễ để giải tỏa khách, không chở quá số ghế quy định, niêm yết đầy đủ giá vé trong và ngoài xe, không thu cao hơn giá vé đăng ký…
Theo ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, đơn vị đã ban hành kế hoạch phục vụ vận tải khách trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương (10 tháng 3 Âm lịch) và dịp lễ 30/4 - 1/5, trong đó nghiêm cấm các doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh bỏ chuyến để vận chuyển khách hợp đồng, tăng giá vé. Doanh nghiệp cố tình bỏ chuyến hoặc tự ý tăng giá cước, cơ quan quản lý tuyến sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đàm Văn, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Văn Minh (nhà xe Văn Minh) chạy tuyến Hà Nội - Nghệ An cho biết, đặc điểm của công ty là không bao giờ tăng giá vé vào dịp lễ, ghế gường nằm dù ngày thường hay dịp lễ đều 250.000 đồng/vé. Năm nay, để hành khách không mất thời gian chờ đợi tại bến xe, hiện công ty đã bán vé online. Nhà xe đã đưa ra các điểm đến lộ trình cụ thể, số ghế còn trống, thời gian cho hành khách lựa chọn.
Tại TP HCM, ông Tạ Chương Chín, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, lượng hành khách đi lại dịp lễ dự kiến tăng 60% so với ngày thường. Bến xe đã tăng cường thêm 500 phù hiệu xe khách dự phòng giải tỏa khi hành khách đông.
Về giá vé, bến xe dự kiến sẽ tăng không quá 40% so với ngày thường đối với các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, các tuyến thuộc khu vực Tây Nguyên và khu vực miền Tây. Riêng các tuyến thuộc khu vực Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước điều chỉnh tăng không quá 20% so với ngày thường.
Theo ông Chín, việc tăng giá vé là để đảm bảo các đơn vị vận tải đủ chi phí khi quay đầu (không có khách chiều về) để giải tỏa hành khách.
Để hành khách không mua phải vé “xe dù” với giá cao, ông Chín khuyến cáo, hành khách nên đến các quầy vé tại bến. Trường hợp mua vé tại các điểm bán vé bên ngoài Bến xe miền Đông thì cần tham khảo giá vé và các thông tin chuyến đi trên website của bến xe.
Còn tại Bến xe miền Tây, các đơn vị vận tải cũng kê khai tăng giá vé không quá 40% so với mức giá vé ngày thường, thời gian tăng giá trong 2 ngày. Theo lãnh đạo Bến xe Miền Tây, dự kiến ngày cao điểm là ngày 29/4, lượng hành khách xuất bến có thể đạt từ 35.000 - 38.000 khách/ngày, tăng gấp 1,5 - 2 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Vé máy bay tăng chóng mặt
Xếp hàng chờ làm thủ tục soi chiếu an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất sáng 16/4
Bất chấp việc hãng hàng không đua tăng chuyến, mở thêm chặng bay, do nhu cầu quá lớn, lượng vé bán ra quá nhanh nên chẳng những vé rẻ không còn mà vé giá cao cũng không có, nhiều chuyến bay đã “treo biển” hết vé.
Lãnh đạo một hãng hàng không cho biết, với việc dịch bệnh đang được kiểm soát rất tốt hiện nay, các hãng hàng không không chỉ hy vọng vào cao điểm kỳ nghỉ lễ 30/4 này và cả mùa hè sắp tới, giúp hãng cải thiện doanh thu trong khi chờ quyết định bay quốc tế trở lại.
Tính đến hết ngày 18/4, hành trình bay từ Hà Nội đi Phú Quốc, khách hàng đã phải trả gần 8 triệu đồng chỉ cho 1 chiều đi Hà Nội - Phú Quốc ngày 29/4 và trở về vào ngày 3/5 nếu bay Vietnam Airlines. Mức giá này đắt hơn 1,5 - 2 triệu đồng so với số tiền mà khách bỏ ra nếu mua từ nửa tháng trước. Nếu bay Bamboo Airways, giá vé khứ hồi chặng “nóng” này cũng lên tới 7,3 triệu đồng, còn Vietjet là 6,9 triệu đồng.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các điểm “nóng” du lịch khu vực miền Trung. Giá vé máy bay khứ hồi từ Hà Nội đi Quy Nhơn, nếu bay Vietnam Airlines dao động từ 4,7 - 5,4 triệu đồng cho hạng phổ thông. Ngay cả khi chọn bay Vietjet và Bamboo Airways, mức giá cũng lên tới 4 triệu đồng cho một vé khứ hồi. Trong khi đó, nếu mua sớm từ 2 tuần trước đó, hành khách có thể tiếp kiệm cả triệu đồng/vé.
Được biết, trong cao điểm 30/4, 1/5, các hãng bay đều tăng chuyến, mở thêm nhiều đường bay với tần suất khai thác tập trung vào các điểm du lịch như Hà Nội, TP HCM đi Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng...
Cụ thể, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) đã công bố tăng gần 500.000 chỗ, tương ứng với xấp xỉ 2.600 chuyến bay nội địa trong 6 ngày cao điểm (từ 28/4 - 3/5). Trong đó, Vietnam Airlines và VASCO cung ứng gần 2.100 chuyến bay với gần 403.000 ghế, còn Pacific Airlines là gần 500 chuyến bay với gần 90.000 ghế.
Phía Bamboo Airways cũng cho hay, ngay từ cuối tháng 3, đầu tháng 4, Bamboo Airways dự kiến tiếp tục tăng bình quân 12 - 15% tải cung ứng trên các đường bay trục, đường bay du lịch trong giai đoạn nghỉ lễ.
Ngay cuối tuần trước, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, hãng khai trương 6 đường bay mới là Đà Nẵng - Vinh; Phú Quốc - Cần Thơ, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Huế, Thanh Hóa và khôi phục 2 đường bay Đà Nẵng - Thanh Hóa, Cần Thơ - Buôn Ma Thuột. Các đường bay mới này sẽ bắt đầu khai thác từ ngày 24/4/2021.
Nhân dịp mở đường bay mới, Vietnam Airlines triển khai mức giá ưu đãi hấp dẫn chỉ từ 99.000 đồng/chiều (tương đương 579.000 đồng/chiều bao gồm thuế, phí). Vé được bán trong giai đoạn từ ngày 16/4 - 8/5/2021, áp dụng với hành trình từ ngày 24/4 - 8/5/2021.
Dịp lễ, Vietjet cũng công bố triển khai chương trình ưu đãi trọn gói chỉ từ 468.000 đồng/vé trên tất cả các đường bay phủ khắp Việt Nam, thời gian mở bán từ 19/4 - 21/4/2021 (thời gian bay từ 20/4 - 31/12/2021, trừ ngày lễ, Tết).
Vé tàu nhiều chặng du lịch “đắt như tôm tươi”
Trong dịp này, ngành Đường sắt tăng hàng chục chuyến tàu trên các tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu. Ở khu vực phía Bắc, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, các tàu tăng cường chủ yếu chạy vào ngày 29/4, ngày 2/5, 3/5 và chủ yếu từ Hà Nội đi Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới và ngược lại.
Cụ thể, ngoài 3 đôi tàu Thống Nhất chạy hàng ngày là SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8, tuyến Hà Nội - Thanh Hóa lập thêm tàu 2 chuyến tàu TH1 và TH2. Tuyến Hà Nội - Vinh, ngoài đôi tàu NA1/NA2 chạy thường xuyên, lập thêm 4 chuyến xuất phát Hà Nội, 4 chuyến xuất phát Vinh. Tuyến Hà Nội - Đồng Hới, chạy thêm 2 chuyến xuất phát Hà Nội, 2 chuyến xuất phát Đồng Hới. Tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, lập thêm 2 chuyến đi - về.
Tuyến Hà Nội - Lào Cai, do nhu cầu khách chủ yếu đi từ Hà Nội lên Lào Cai để đi Sapa, nhưng chiều về lại thường đi ô tô nên công ty chỉ lập 2 chuyến tàu SP3 chiều Hà Nội - Lào Cai vào ngày 29/4, 30/4 và 2 chuyến tàu SP4 chiều ngược lại vào ngày 2/5, 3/5...
Bà Hà cho biết, đến nay các tàu tuyến phía Nam, nhất là Hà Nội - Vinh vé giường nằm khoang 4 gần như kín chỗ, nhưng vé giường nằm khoang 6 và ghế ngồi còn nhiều. Đối với vé ghế ngồi các chặng ngắn các tuyến còn rất nhiều vì đa số khách để sát ngày mới mua vé. Giá vé dịp 30/4 năm nay được điều chỉnh tăng, giảm linh hoạt theo loại chỗ, giờ tàu, ngày đi “hot” và ngược lại nhưng cơ bản tương đương giá vé năm ngoái.
Ở khu vực phía Nam, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn Lê Quốc Trung cho biết, ngoài các mác tàu Thống Nhất, tàu khu đoạn chạy thường xuyên, công ty tăng gần 30 chuyến tàu trên các tuyến giữa TP HCM đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng và ngược lại trong các ngày từ 28/4 - 3/5.
Đến nay, các loại chỗ trên các đoàn tàu này chạy vào các ngày cao điểm như ngày 29/4, trên các cung chặng “hot” như Sài Gòn - Phan Thiết, Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Quy Nhơn… đã hết vé. Tuy nhiên, vé các cung chặng khác vẫn còn.
“Với các cung chặng “hot”, nếu nhu cầu hành khách tăng cao, chúng tôi sẽ tiếp tục lập thêm tàu chạy các ngày sớm hơn như 28/4… Giá vé năm nay có điều chỉnh tăng, giảm tùy theo cung chặng “hot”, giờ đẹp nhưng không nhiều”, ông Trung nói.
Theo giá vé tàu công bố của ngành Đường sắt, giá vé một số mác tàu “hot” xuất phát ngày 29/4 cụ thể như sau: Giá vé giường nằm tầng 1 khoang 4 điều hòa tàu SE3 chặng Hà Nội - Vinh khoảng 591.000 - 621.000 đồng/vé/lượt, giá vé thấp nhất là ghế phụ (ghế nhựa) 229.000 đồng/vé/lượt.
Còn giá vé tàu SNT2 Sài Gòn - Nha Trang, loại chỗ giường nằm tầng 1 khoang 4 điều hòa VIP suốt chặng giá 970.000 - 1.000.000 đồng/vé/lượt, loại chỗ thấp nhất là ngồi mềm 580.000 - 600.000 đồng/vé/lượt.
Khuyến cáo hành khách đến sân bay sớm 2 tiếng Ở sân bay Tân Sơn Nhất, những ngày cuối tuần vừa qua lượng khách đi du lịch bắt đầu tăng. Các khung giờ cao điểm lượng khách tăng cao khoảng 30% so với khung giờ khác trong ngày, đặc biệt là cao điểm sáng (5h - 10h). Khách tăng cao, trong khi phải thực hiện các thủ tục khai báo y tế, vì vậy lượng khách dồn tại khu vực chờ làm thủ tục và soi chiếu hành lý tăng. Trung bình mỗi hành khách phải xếp hàng chờ từ 30 phút trở lên tại khu vực soi chiếu để vào bên trong. CHK quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, đã mở tất cả cửa soi chiếu để phục vụ hành khách. Tuy nhiên do mặt bằng chật hẹp nên trong những giờ cao điểm có xảy ra tình trạng ùn ứ. Để hạn chế ùn tắc, tránh trễ chuyến, đại diện sân bay Tân Sơn Nhất lưu ý hành khách chủ động sắp xếp lịch trình và có mặt tại sân bay ít nhất 2 tiếng trước giờ khởi hành để hoàn tất thủ tục hàng không. Phan Tư Hà Nội công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh Sở GTVT Hà Nội vừa công bố các số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình phục vụ hành khách trong dịp nghỉ lễ gồm: 0932231683 (ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở); 0972188666 (ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải); 0913590633 (ông Trần Nhật Quang, Chánh Thanh tra Sở). Ngoài ra, còn có số điện thoại đường dây nóng cố định của Thanh tra Sở là 0243.8217922 để tiếp nhận phản ánh của nhân dân. Tập trung chống ùn tắc, xử lý vi phạm nồng độ cồn Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, bắt đầu từ ngày 15/4, lực lượng CSGT toàn quốc đã ra quân đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT, trật tự xã hội dịp lễ 30/4 - 1/5, bảo vệ bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đợt cao điểm sẽ diễn ra đến hết ngày 14/6. Ngay trong ngày đầu tiên, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 8.716 trường hợp vi phạm; phạt tiền 9,9 tỷ đồng; tạm giữ 34 xe ô tô, 1.260 xe mô tô; tước 915 GPLX các loại; 626 tài xế vi phạm nồng độ cồn và 5 trường hợp vi phạm quy định về ma túy. Ông Trung cho biết, đợt ra quân lần này nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tình hình trật tự ATGT, ý thức thượng tôn pháp luật của người tham gia giao thông, lan tỏa hình ảnh đẹp, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp của lực lượng CSGT. Cùng với việc tập trung xử lý những hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT, lực lượng CSGT cũng sẽ chủ động các phương án phân luồng, điều tiết để hạn chế ùn tắc tại các thành phố lớn, các tuyến cao tốc, quốc lộ huyết mạch, đảm bảo cho nhân dân đi lại an toàn trong dịp nghỉ lễ năm nay. Lưu Huế |