Đi xét nghiệm ADN bàng hoàng phát hiện “nuôi nhầm con”

Ngày 08/11/2017 00:56 AM (GMT+7)

Theo bà Nguyễn Thị Nga, trong 10 trường hợp tự nhận là trao nhầm con ở bệnh viện xét nghiệm tại trung tâm của bà mới chỉ có 3 gia đình may mắn tìm lại được con ruột.

Lâu nay, việc nhầm con trong bệnh viện, nhà hộ sinh vốn được xem là câu chuyện hy hữu, hiếm có. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có nhiều gia đình bị trao nhầm con cho nhau. Có người may mắn phát hiện sự việc kịp thời nhưng cũng không ít trường hợp bị thất lạc con mà không thể tìm ra.

Bà Nguyễn Thị Nga – Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội, chia sẻ trung tâm của bà đã từng nhận phân tích ADN cho khoảng 10 trường hợp tự nhận là trao nhầm con trong bệnh viện. Tuy nhiên, chỉ có 3 trong số này may mắn tìm lại được con ruột.

Đi xét nghiệm ADN bàng hoàng phát hiện “nuôi nhầm con” - 1

 Bà Nguyễn Thị Nga – Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội.

Vô tình phát hiện con trai không mang ADN của bố, mẹ

Trường hợp mà bà Nga nhớ nhất là cách đây 5 năm, một người đàn ông tên M. (sống tại Hà Nội) đã mang theo 2 mẫu móng tay tự thu thập, lần lượt ghi là “bố, mẹ, con” nhờ xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, kết quả cho ra “mẫu con” không cùng huyết thống với cả bố lẫn mẹ.

Hiếu kỳ câu chuyện phía sau việc xét nghiệm này nên bà Nga đã chủ động gọi điện cho ông M. Sau khi nghe bà Nga thông báo kết quả xét nghiệm, ông M. tỏ ra vô cùng bất ngờ. Sau đó khoảng 1 tiếng đồng hồ, ông M. cùng một người đàn ông khác và một đứa trẻ gần 1 tuổi đến trung tâm.

Tại đây, ông M. mới giải thích rằng, vì gia đình phản đối ông cưới người phụ nữ đơn thân làm vợ nên ông M. đã nghĩ ra cách nhờ người bạn thân giúp đỡ bằng cách lấy mẫu móng tay của bạn thân và con trai của bạn rồi ghi thông tin gửi đến trung tâm xét nghiệm ADN để chứng minh cho gia đình thấy đứa trẻ - con của người ông muốn lấy làm vợ chính là con ông.

Tuy nhiên, khi biết được kết quả xét nghiệm đứa trẻ không cùng huyết thống với cả bố, lẫn mẹ, gia đình bạn ông M. rất đau khổ. Sau khi bình tâm suy nghĩ lại, bạn của ông M. khẳng định có khả năng đã xảy ra sự nhầm lẫn tại bệnh viện.

“May mắn là vợ người đàn ông này sinh con tại một bệnh viện gần nhà và thời gian cũng không quá lâu nên các dữ liệu lưu trữ vẫn đầy đủ. Sau khi rà soát danh sách, một gia đình có con sinh vào thời điểm đó cũng đã đến trung tâm để thực hiện xét nghiệm ADN chéo. Kết quả đúng như phán đoán, hai đứa trẻ đã bị trao nhầm cho hai gia đình” – bà Nga kể.

Đau khổ khi con gái không có nét nào của bố mẹ

Một trường hợp khác cũng khiến bà Nga không thể nào quên, cách đây vài năm có 1 gia đình sinh sống tại đường Bưởi (Hà Nội) đã tìm đến trung tâm nhờ xét nghiệm ADN với mẫu móng tay tự thu thập lần lượt là “bố - mẹ - con”. Người mẹ trong câu chuyện này tên là An.

Khi nhận được kết quả khẳng định mẫu “con” không hề có quan hệ gì với mẫu của cả bố lẫn mẹ, gia đình hết sức đau khổ. Khi bà Nga gặng hỏi, chị An cho biết, cách đây 16 năm chị sinh con gái tại một nhà hộ sinh ở Hà Nội. Cả hai vợ chồng đều dồn hết tình yêu thương cho con và hết mực nuôi nấng, chăm sóc. Tuy nhiên, càng lớn người con gái này lại không có nét gì giống cả bố lẫn mẹ khiến chị cảm thấy nghi ngờ.

Cho đến ngày sinh nhật lần thứ 16 của con gái, trong bữa tiệc chị bất ngờ gặp một cô bé, là bạn học cùng lớp của con gái có khuôn mặt rất giống chị. Sau lần gặp gỡ định mệnh ấy, chị An quyết định tìm hiểu kỹ hơn về cô bé và chị phát hiện cô bé ấy có cùng ngày sinh và địa điểm sinh với con gái mình.

Sau khi giãi bày nỗi nghi vấn này với chồng, hai vợ chồng chị đã quyết định xét nghiệm ADN với con gái. Nếu kết quả không phải là con, vợ chồng anh chị sẽ đến nhà hộ sinh để tìm hiểu kỹ hơn.

Đi xét nghiệm ADN bàng hoàng phát hiện “nuôi nhầm con” - 2

Trong 10 trường hợp xét nghiệm ADN vì nghi nhầm con tại trung tâm của bà Nga, mới chỉ có 3 gia đình tìm thấy được con ruột.

“Về sau, gia đình này đưa thêm một người phụ nữ nữa đến để làm xét nghiệm ADN tại trung tâm và điều kỳ diệu đã xảy ra. Người con gái mà gia đình chị An hết lòng yêu thương, chăm sóc bao năm qua lại chính là con đẻ của người phụ nữ này và ngược lại, cô bé chị An gặp trong buổi sinh nhật con mình mới chính là giọt máu mà chị đứt ruột đẻ ra”, bà Nga nói.

Vị chuyên gia này xúc động cho biết, cuộc gặp gỡ định mệnh đã làm thay đổi số phận của hai con người. Cho đến bây giờ, bà Nga vẫn không thể quên được giọt nước mắt hạnh phúc của hai người phụ nữ khi nhận được kết quả từ tay bà: “Tôi còn nhớ, người phụ nữ đi cùng gia đình chị An đã nắm tay tôi và khóc rất nhiều. Chị cho biết, bao năm qua chị phải chịu nỗi đau, mặc cảm vì bị chồng nghi ngờ “ngoại tình”.

Chồng chị đã ầm thầm xét nghiệm ADN và quyết định ly hôn khi con gái không có cùng huyết thống với bố. Với kết quả này không những chị đã được giải oan mà còn may mắn tìm lại được người con đẻ của mình”.

Theo bà Nga, thông thường giữa mẹ và con luôn có những sợi dây gắn kết vô hình, vì thế nhiều người trong quá trình nuôi con do linh tính mách bảo mà có thể cảm nhận đứa trẻ mình đang nuôi không có quan hệ ruột thịt.

Cũng có không ít trường hợp tìm lại được người con thất lạc chỉ bởi những cảm nhận nhờ linh tính của người mẹ. Nhưng may mắn là được phát hiện trong thời điểm công nghệ lưu trữ thông tin đã hiện đại hơn.

Các trường hợp còn lại chưa tìm thấy con thất lạc hầu như đều xảy ra vào khoảng thời gian những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Thời điểm đó, điều kiện kinh tế đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu nên việc lưu trữ, tìm kiếm thông tin rất khó khăn, một số gia đình cũng chuyển đi nơi khác hoặc định cư ở nước ngoài.

“Đối với những trường hợp này có lẽ phải nhờ vào sự giúp đỡ của truyền thông, báo chí và các cơ quan chức năng, công bố thông tin rộng rãi về ngày tháng năm sinh và nơi sinh. Nếu ai có thông tin trùng khớp thì có thể đối chiếu, xét nghiệm ADN để tìm lại gia đình”, bà Nga chia sẻ.

Minh Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động