Đa số những người làm nghề chăm sóc bệnh nhân đều là phụ nữ. Nhưng theo tìm hiểu, vẫn có một số người đàn ông làm nghề này.
Trước kia, cánh đàn ông làm “osin bệnh viện” khá đông đảo nhưng càng về sau, vì nhiều lý do khác nhau, họ đã bỏ nghề...
Muốn làm “osin bệnh viện” phải... dũng cảm
Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi ít khi gặp nam “osin bệnh viện”. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết vẫn có một số nam giới chấp nhận làm nghề này. Phải vất vả lắm chúng tôi mới liên hệ được với anh Nguyễn Văn T. (xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ, Hưng Yên), một trong những nam “osin bệnh viện” hiếm hoi. Hiện anh T. đang trông nom một cụ ông ở bệnh viện Xanh Pôn. Vì bệnh nhân này sắp ra viện nên anh T. mới đồng ý gặp chúng tôi (anh T. nghĩ rằng chúng tôi là khách hàng tiếp theo-PV).
Số nam giới làm nghề này ngày càng ít.
Qua trò chuyện, anh T. cho biết: “Trước đây, tôi làm ruộng ở quê nhưng công việc vất vả quá mà hiệu quả kinh tế lại không cao. Thấy nhiều người lên Hà Nội kiếm sống, vợ chồng tôi cũng khăn gói lên trên này kiếm ăn. Ban đầu, tôi làm phu khuân vác ở chợ Long Biên, vợ tôi cũng bán hoa quả ở đó. Sau đó, vì ít việc, thấy bạn bè rủ đi làm “osin bệnh viện” nên tôi cũng thử đi theo. Giờ tôi làm nghề này cũng được ba năm rồi”.
Theo tiết lộ của anh T. thì hiện nay đàn ông làm nghề khá ít và không được phân nhóm như cánh nữ giới. Phần lớn họ chỉ làm việc qua sự quen biết nên công việc cũng phập phù. “Cũng có người làm việc theo nhóm nhưng chủ yếu là nhập hội với mấy chị phụ nữ. Thông thường thì một nhóm cố gắng tập hợp hai, ba người đàn ông để khi khách có nhu cầu, họ có thể điều động cho tiện. Riêng bản thân tôi thì “độc lập tác chiến”, ai nhờ thì làm. Khi nào hết việc, tôi lại về chợ Long Biên làm cửu vạn”, anh T. kể.
Nói về nguyên nhân khiến số lượng nam “osin bệnh viện” ngày càng giảm, anh T. cho hay: “Trước đây cánh đàn ông làm nghề này khá nhiều. Phần vì công việc lương khá cao lại mưa không đến mặt, nắng không đến đầu. Mới nghe, ai cũng tưởng dễ nên lao vào.
Tuy nhiên, rất ít người trụ lại được với nghề vì đàn ông thường có tính sĩ diện, thà chấp nhận làm công việc chân tay nặng nề còn hơn làm “osin” như đàn bà. Làm nghề này vừa mang tiếng làm osin mà trong quá trình làm việc, lại dễ va chạm với người nhà bệnh nhân. Nhiều anh nóng tính, còn để xảy ra xô xát với người nhà bệnh nhân”.
Theo tìm hiểu của PV, với nhiều bệnh nhân nam thì chỉ có nam “osin” mới chăm sóc được. Tuy nhiên, tiền công làm việc của nam và nữ không có sự chênh lệch lớn.
Anh T. còn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của bạn anh cách đây vài năm khi người này chăm sóc cho một bệnh nhân ở bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Anh cho biết: “Bạn tôi tên Th. “thó” (vì người nhỏ thó nhưng rất khỏe, lại nóng tính) nhận chăm sóc một cụ ông. Vì cụ này bị bệnh suyễn khá nặng nên người chăm sóc cũng rất vất vả, phải có người túc trực 24/24h.
Hôm đó đến phiên Th. trực nhưng vì có tí việc nên Th. chạy ra ngoài. Ai ngờ đúng lúc đó, bệnh nhân bị lên cơn khó thở. Những người xung quanh hô toáng lên, may có y tá trực chạy vào nên ông cụ mới may mắn thoát chết. Người nhà biết chuyện chửi Th. thậm tệ. Vốn nóng tính, Th. vặc lại. Đôi bên lời qua tiếng lại và cuối cùng nói chuyện với nhau bằng nắm đấm. Hậu quả là tiền công không được nhận mà Th. còn bị mất việc, phải về quê”.
Những tai nạn nghề nghiệp
Theo chia sẻ của người trong nghề “osin bệnh viện”, ai cũng có những “nỗi khổ” riêng. Anh Trần Văn Q. (43 tuổi, quê Thanh Sơn – Phú Thọ) hiện đang chăm sóc cho một cụ ông bị bệnh thần kinh (chứng hay quên) tại viện Lão khoa chia sẻ: “Nghề của chúng tôi có những chuyện dở khóc dở cười không phải ai cũng biết. Vì bệnh nhân của tôi mắc chứng hay quên nên suốt ngày cụ đòi ăn và chửi tôi là bỏ đói cụ. Khổ lắm.
Đến khi con gái vào thăm hỏi chuyện, ông cụ bảo vẫn chưa được cho ăn thì cô ta mặt nặng mày nhẹ, nói tôi không ra gì. May là có nhiều người ở trong phòng bệnh làm chứng chứ không thì tôi không biết giải thích như thế nào. Đàn ông chúng tôi vốn sĩ diện, mặc dù quen nghề rồi nhưng gặp chuyện cũng bực mình lắm. Đôi khi, chúng tôi nghĩ cha mẹ già yếu ở quê mình còn chưa hầu hạ được ngày nào mà khi đi làm, phải cơm bưng nước rót cho người ta mà vẫn bị nói không ra sao. Đúng là kiếm miếng cơm khó khăn quá”.
Bản thân anh Q. còn “dính” một vụ nữa mà khi nhớ lại, anh vẫn chưa hết khó chịu. Anh kể: “Ba năm trước, tôi có chăm sóc một bệnh nhân. Bệnh nhân này giàu có và quan hệ rộng nên có nhiều người tới thăm nom, biếu phong bì. Vấn đề là không biết gia đình để thất lạc mất mấy chiếc phong bì khách đến thăm nên cứ bóng gió đổ cho tôi lấy trộm. Bực mình, tôi nói thẳng là tôi không biết chuyện này. Sau vì tự ái, tôi xin nghỉ luôn. Khi tôi xin nghỉ việc, họ còn kì kèo này nọ để trừ tiền công. Từ đó, tôi tự nhủ sẽ không bao giờ chăm sóc cho những người giàu có nữa. Thu nhập chẳng cao hơn là bao lại còn dễ mang tiếng”.
Trong khi đó anh T. (nhân vật ở đầu bài viết) thì chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ khác. Anh kể: “Có lần tôi chăm sóc một cụ bị mắc bệnh tiêu hóa. Bệnh nhân này đã ba ngày không đi vệ sinh được nên tôi phải xông, thụt rồi dùng tay giúp bệnh nhân... Phải mất 2 tiếng đồng hồ cụ mới “đi” xong. Hôm đó, người nhà cũng đến thăm nhưng thấy thế, họ bỏ hết ra ngoài. Làm nghề này đôi khi người ngoài cứ tưởng là dễ. Chúng tôi tự an ủi nhau, chỉ cần làm một thời gian là chúng tôi có thể có bằng y tá được rồi. Vì làm lâu nên chúng tôi cũng thuần thục như một y tá thực thụ. Tất nhiên, làm nghề gì thì cũng có tai nạn và mình phải chấp nhận”.
Nhưng “ám ảnh” lớn nhất với nam “osin bệnh viện” lại là chăm sóc bệnh nhân nữ. Anh T. cho biết: “Thường thì chúng tôi chỉ chăm sóc những bệnh nhân nam thôi. Tuy nhiên nếu gặp phải trường hợp bệnh nhân là người to béo thì chị em chăm sóc hơi khó. Những trường hợp như vậy, họ phải cầu cứu chúng tôi.
Mặc dù chỉ là trợ giúp nhưng bản thân chúng tôi rất ngại làm vì nữ có thể chăm sóc cho nam nhưng việc nam chăm sóc cho nữ thì hơi hiếm. Vì thế phải dũng cảm lắm mới dám nhận chăm sóc nữ bệnh nhân. Đã thế, nếu gặp bệnh nhân nào bị bệnh về thần kinh thì đúng là “thảm họa”. Họ vùng vẫy, phá phách, nhiều khi hai người làm mà vẫn còn cảm thấy mệt phờ. Vì thế tôi mới nói, để gắn bó và tồn tại được với nghề này, chúng tôi phải vượt qua được sự tai tiếng, áp lực từ người nhà bệnh nhân và thậm chí là cả từ những hộ lý nữa”.
Giấu nghề với cả người thân Đây là tâm sự rất thật của anh Trần Văn Q. khi nói về nghề nghiệp của mình: “Người dưới quê chỉ biết tôi làm trên Hà Nội chứ không ai biết tôi làm nghề gì cả. Lúc thì tôi nói buôn hoa quả, lúc thì nói làm xây dựng công trình. Bản thân tôi không chỉ làm mỗi nghề này để kiếm sống mà nhiều khi không có việc, tôi cũng chạy nhiều nơi. Ngay cả các con của tôi cũng không biết bố chúng làm nghề gì!”. |