Sau hơn 1 tháng nỗ lực điều trị, nam bệnh nhân mắc căn bệnh whitmore (mất dần nội tạng) hiếm gặp đã được chuyển về tuyến dưới với những biến chuyển rất tốt.
Cuối tháng 8, đầu tháng 9/2016, dư luận hết sức bàng hoàng khi báo chí thông tin về một căn bệnh khiến thanh niên lực lưỡng mất dần nội tạng. Các bác sĩ cũng cho rằng đây là căn bệnh khó phát hiện và dễ bị nhầm lẫn. Nguy hiểm hơn, căn bệnh này còn có thể gây tử vong sau 48 giờ.
Đó là bệnh nhân Cao Văn Thêm (25 tuổi, ở Thanh Hóa). Ngày 11/8/2016, Thêm được chuyển đến Phòng Hồi sức tích cực của Khoa Truyền nhiễm trong tình trạng hết sức nguy kịch với biểu hiện nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng.
Trước đó, Thêm có tiền sử viêm cầu thận, nhập viện đa khoa Thanh Hóa trong tình trạng sốt và đầu gối bên phải sưng to. Sau 11 ngày điều trị không cắt sốt, ngày 8/8, bệnh nhân được chueyenr đến khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao liên tục 39-40oC, sưng đau khớp gối phải, tổn thương gan, thận, nhiều ổ áp xe trong phổi,... Tuy nhiên, phải đến lần thứ 3 cấy máu mới cho kết quả dương tính với vi khuẩn gây bệnh whitmore.
GS. Ngô Qúy Châu (Bên trái) và TS. Đỗ Duy Cường (bên phải) thăm hỏi và chúc mừng bệnh nhân. Ảnh: BV Bạch Mai.
Sau hơn 1 tháng tích cực điều trị với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các bác sĩ, ngày 15/9, bệnh nhân Thêm đã được chuyển về tuyến dưới tiếp tục theo dõi và điều trị.
Chia sẻ về ca bệnh này, TS.BS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, từ đầu năm 2016 tới nay, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hơn chục ca whitmore được chuyển đến chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.
Bệnh cảnh lâm sàng đa dạng phức tạp nên bệnh nhân được nhập viện ở nhiều chuyên khoa khác nhau như hô hấp, cơ-xương-khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa, truyền nhiễm,...
Do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng nên bác sĩ thường chẩn đoán nhầm whitmore với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…
“Ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán, việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa.
Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần. Việc điều trị kéo dài, tốn kém nên không ít bệnh nhân không kiên trì để theo điều trị đến cùng. Đây là những nguyên nhân gây thất bại trong điều trị và khiến tỷ lệ tử vong cao khoảng 40-60%”, TS Cường cho biết.
Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.
Gần đây các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa tập trung từ tháng 9-11. Người bệnh có cơ địa tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính dễ mắc bệnh với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi... Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.