Trong quá trình thâm nhập, điều tra, phóng viên đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Để có được máu cho người bệnh đang chờ mổ, không ít người nhà bệnh nhân phải “trả” số máu nếu có “vay” tại bệnh viện Việt Đức.
Khốn khổ tìm người nhà đến hiến máu
Câu chuyện người nhà hiến máu cho bệnh nhân đang chờ mổ vẫn thường xuyên được kể tại các quán nước, vỉa hè, cổng bệnh viện Việt Đức. Để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng này, PV đã có những ghi nhận tại khu vực hiến máu của bệnh viện Việt Đức (gần khoa Cấp Cứu), trung bình một ngày có rất đông người nhà bệnh nhân, sinh viên, người có tấm lòng hảo tâm đến hiến máu.
Trong những tốp người đến hiến đó, PV báo Người Đưa Tin trò chuyện với anh L. (Bắc Giang). Anh L. đang viết đơn tình nguyện hiến máu. Thấy chúng tôi hỏi han, thắc mắc về việc làm của mình, anh L. bảo: “Người nhà tôi bị tai nạn giao thông đang nằm điều trị tại đây. Sau thời gian cấp cứu thì nay bác sĩ chỉ định mổ, nhưng trước khi phẫu thuật thì gia đình cần phải có người xuống khu vực hiến máu.
Trong phiếu lĩnh máu cần bao nhiêu đơn vị máu, người nhà bệnh nhân cần phải cung cấp đủ máu thì bệnh nhân mới được mổ. Bác sĩ bảo không cần đúng nhóm máu mà bệnh nhân cần, chỉ cần người nhà cho đủ máu, có giấy xác nhận dưới khu vực hiến máu, bệnh nhân sẽ được truyền máu. Máu mà người nhà bệnh nhân hiến vào sẽ được lưu trong kho trữ máu”.
Cũng theo lời anh L., người nhà anh cần 3 đơn vị máu (1 đơn vị tương đương 250ml) chính vì thế, nhà anh đã huy động 3 người thân lên để xét nghiệm và hiến máu.
“Tôi cũng phải mất thời gian khoảng vài ngày để huy động 3 người trong nhà lên Hà Nội để hiến máu. Việc này khiến tôi và gia đình vô cùng vất vả và căng thẳng, chỉ sợ 3 người lên nhưng có người không đủ điều kiện hiến máu. Thậm chí vì ở xa nên nhiều người đã ngại, từ chối đi hiến máu ngay khi có được yêu cầu. Phải khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được thêm 2 người nữa trong gia đình xuống đây cùng mình. Trước hết phải làm các xét nghiệm đầy đủ, nếu đủ tiêu chuẩn thì sẽ được “trả” máu cho bệnh viện”, anh L. cho biết thêm.
Nơi đăng ký hiến máu tại bệnh viện Việt Đức.
Chia sẻ với PV anh M., người nhà bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Việt Đức tỏ rõ sự mệt mỏi trên gương mặt: “Người nhà tôi bị tai nạn, nằm viện điều trị đã lâu. Nay được bác sĩ chỉ định mổ nhưng cần 2 đơn vị máu, tôi ở quê ra nên phải chờ người ở nhà sắp xếp xem có ai ra được để hiến cùng tôi. Thật ra, hiến máu thủ tục rất nhanh thôi, nhưng cái quan trọng là người nhà tôi không ở đây nên khó”.
PV thắc mắc nếu người nhà không đủ điều kiện hiến, cũng không có người thân trên Hà Nội thì phải làm thế nào? Anh M. tiếp lời: “Không đủ điều kiện hiến chắc phải mất tiền mua máu, nhưng mua ở đâu và như thế nào, tôi cũng chưa rõ”.
Tương tự, chị K.H (Nam Định) cũng đang chờ để làm thủ tục hiến máu cho hay: “Nhà tôi không đủ người ở đây để hiến máu. Mình phải hiến máu thì người nhà mình mới có máu để truyền. Bây giờ có giấy yêu cầu lĩnh máu, nhà tôi phải hiến đủ 3 đơn vị máu, tôi hiến một đơn vị, hai người thân của tôi hiến thêm 2 đơn vị nữa. Nói chung, nhóm máu nào cũng hiến được nhưng quan trọng là phải nộp đủ 3 đơn vị”.
Trong cuộc trò chuyện với chị K.H, PV đặt câu hỏi, nếu không có người hiến phải làm thế nào?
Chị K.H đáp: Nếu không đủ máu, người nhà và bệnh nhân chờ lâu lắm, còn hiến sẽ có máu ngay.
Vậy có mua được không?
Chị K.H trả lời: Mua thì phải chờ lâu, từ sáng đến tối mới có máu. Thấy bác sĩ bảo phải mua nhiều tiền.
Quy trình hiến máu như thế nào?
Chị K.H: Khi có giấy này (tức phiếu lĩnh máu) mang xuống khu vực hiến máu, bác sĩ sẽ hướng dẫn để làm thủ tục hiến máu.
Chị có biết mua máu của “cò” giá bao nhiêu không?
Chị K.H: Tôi nghe nói nếu mua một bịch (250ml) là mất 1 triệu đồng. Có một người đàn ông đứng làm dịch vụ ở ngoài cổng, người nhà nào mà cần ông ta sẽ gọi sinh viên vào hiến và trả tiền cho sinh viên. Nhà tôi cần 3 đơn vị cũng đủ người đến hiến rồi nên không có nhu cầu mua. Nhưng, nói thật là việc tìm người thân đến hiến đủ cũng là cả một quá trình vất vả, vì không phải ai cũng nhiệt tình, không phải ai cũng đủ tiêu chuẩn để hiến máu.
Không chỉ có anh L., anh M. mà nhiều người nhà bệnh nhân khác cũng bày tỏ sự mệt mỏi, bởi không phải ai cũng có người thân ở Hà Nội để hiến máu khi ca mổ đã được bác sĩ chỉ định.
Chi tiền, lập tức có “người thân” hiến máu…
Trong vai người nhà có bệnh nhân bị tai nạn đang điều trị tại bệnh viện Việt Đức, PV báo Người Đưa Tin vào phòng khám trước hiến máu và bày tỏ lo lắng với một y tá đang hướng dẫn người nhà bệnh nhân làm thủ tục lấy máu xét nghiệm, không có người nhà tại đây, đang cần máu gấp...để được trực tiếp thu thập thông tin.
Người hướng dẫn này nói: “Bác sĩ chỉ định cần bao nhiêu đơn vị?”
“Cần 3 đơn vị ạ”- PV đáp
“Vậy em hiến đi, hiến 2 đơn vị cũng được hoặc gọi thêm người nhà xuống hiến, nay hoặc mai cũng được”, người này chỉ dẫn.
“Nhưng em ở xa, không có người nhà thì có cách nào không, có mua được không?”
Người hướng dẫn: “…Em cứ hiến rồi còn thiếu bao nhiêu gọi người nhà xuống hiến bổ sung sau”.
Người nhà xếp hàng để được "trả" máu cho bệnh viện.
Trước câu trả lời của vị này, PV tiếp tục được chị K.H, người nhà đang chờ hiến máu kéo đến ngồi gần và rỉ tai: “Ở đây không mua được đâu, nếu muốn mua thì phải liên lạc với “cò” máu. Họ đứng ngay ngoài cổng bệnh viện ấy. Hôm trước thấy tôi chạy đi tìm người nhà thì có một người đàn ông trung tuổi dúi vào tay tôi chiếc tờ giấy viết số điện thoại, người đàn ông này nói cần bao nhiêu máu cứ gọi điện. Nếu người nhà không có ở đây anh ta sẽ đưa “người nhà” đến ngay lập tức”.
Không những thế, chị K.H còn dặn dò chúng tôi: “Khi gọi điện cho “cò” máu phải nói rõ là đang cần bao nhiêu đơn vị máu, ngày nào cần. Phải thương lượng giá cả trước không sẽ bị chặt chém tới bến đấy. Như gia đình tôi, cần 2 đơn vị máu ghi trong giấy dự trù, “cò” máu nói phải hơn 2 triệu mới đủ chi phí. Tôi cứ lưỡng lự mãi vì sợ tốn tiền. May sao người nhà tôi đến kịp”.
Nói xong, chị K.H đưa cho chúng tôi tờ giấy nhỏ ghi số điện thoại của “cò” máu. Chỉ cần chúng tôi nhấc máy thì ngay lập tức “người nhà” sẽ xuất hiện để “trả” máu khi gia đình đã “vay” máu của bệnh viện.
Xem lại kỳ 1: Điều tra độc quyền: Tiết lộ sốc việc người nhà bệnh nhân bỏ tiền mua "người nhà" để hiến máu |