4 đứa con của bà Mái được sinh non với thai kỳ 7 tháng nên đứa đầu chỉ nặng 1,2 kg; đứa thứ hai nặng 1,6 kg; đứa thứ ba nặng 1,1 kg và cô con gái út nặng 1,5 kg.
Đồng cảm với hoàn cảnh một nách nuôi 4 con, bà Hương - người mẹ sinh 4 con chấn động ngành Y học thời bấy giờ sẵn sàng từ Hà Nội tìm về xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên để thăm nom và chỉ dạy cho sản phụ Mái - người cũng đã sinh 4 con vào năm 1992.
Đồng cảm người cùng hoàn cảnh
Bà Bùi Thị Hương (73 tuổi, trú khu tập thể Yên Ngưu, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) chính là sản phụ cách đây 41 năm gây “chấn động” cho ngành Y khi sinh 4 bé gái cùng lúc mà Báo Giao thông đã có dịp phản ánh. 4 cháu bé sau đó được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận đỡ đầu, đặt tên với ý nghĩa thiêng liêng lần lượt là Bắc - Nam - Thống - Nhất.
Giữa năm 2017, khi PV gặp bà Hương thì cô con gái út trong 4 chị em gái là Nguyễn Thị Như Nhất (hiện làm việc tại Trung tâm Người khiếm thị huyện Thanh Trì) chưa xây dựng gia đình và sống cùng mẹ. Tuy nhiên, mới đây bà Hương cho biết, Nhất đã lấy chồng và sinh được một cháu nhỏ 4 tháng tuổi. “Để tiện sinh hoạt và làm việc tại Trung tâm Người khiếm thị huyện Thanh Trì, Nhất vẫn ở cùng tôi”, bà Hương cho biết.
Nhắc về trường hợp sinh 4 như mình, bà Hương cho biết, năm 1993, khi bà đang ở khu tập thể Trung Tự, một người hàng xóm nói chuyện ở Hưng Yên vừa có một sản phụ tên Nguyễn Thị Mái (SN 1970) sinh 4 cháu gái giống như mình nhưng đang gặp khó khăn về cách nuôi con nên rất cần bà về “truyền bí kíp”. Đồng cảm với hoàn cảnh một nách nuôi 4 con, bà Hương tìm về xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên để thăm nom và chỉ dạy cho sản phụ Mái.
Bà Hương nhớ lại: “Lúc tôi về, nhà chị Mái khá nghèo, có 7 - 8 người sinh sống trong ngôi nhà nhỏ sàn đất, lũ trẻ liên tục khóc gào. Tôi mách chị Mái dùng 4 chiếc võng nối thành hình vuông, cùng cột với nhau để khi ru một đứa thì ba đứa còn lại sẽ được ru đưa cùng. Để có đủ đường sữa cho các cháu, tôi cũng nhờ một số anh chị báo chí về đưa tin rồi cùng đi xin trợ cấp cho gia đình. Sau này, có chương trình Chuyện lạ Việt Nam trên sóng truyền hình, cả hai gia đình chúng tôi may mắn được gặp gỡ nhau và biết các cháu đều sống khỏe mạnh”.
Truyền “bí kíp” nuôi con sinh 4
Từ lời kể của bà Hương, chúng tôi tìm về Hưng Yên gặp bà Mái. Căn nhà nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở thôn Ngọc, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm. Thay cho ngôi nhà “sàn đất” của ngày xưa, giờ ngôi nhà của bà Mái đã khang trang hơn rất nhiều với thiết kế 3 tầng cùng một xưởng gỗ nhỏ.
Bà Mái cho biết, vừa bị bệnh tiền đình, cơn đau đầu hành hạ khiến bà không thể phụ giúp chồng làm gỗ. Các con bà đã lớn, đứa lấy chồng, đứa đi làm ăn nên cũng ít khi về nhà phụ giúp công việc ở xưởng gỗ.
Bốn cháu gái Hòa - Bình - Hạnh - Phúc chụp cùng bà nội - người đã đặt tên cho họ
Nhớ lại thời điểm sinh 4, bà Mái kể: “Buổi sáng, tôi đi khám ở Bệnh viện huyện Văn Lâm thì bác sĩ cho biết thai sinh đôi. Vì nhiều lý do nên gia đình quyết định lên Hà Nội để đẻ. Lúc này, muốn lên Hà Nội chỉ có một phương tiện duy nhất là đi tàu hỏa, 13h chiều mới có tàu, 16h30 ra đến nơi rồi bắt xích lô vào Bệnh viện Phụ sản T.Ư. 18h30 lên phòng mổ, đến 19h10 thì xong xuôi”.
4 đứa con của bà Mái được sinh non với thai kỳ 7 tháng nên đứa đầu chỉ nặng 1,2 kg; đứa thứ hai nặng 1,6 kg; đứa thứ ba nặng 1,1 kg và cô con gái út nặng 1,5 kg. “Không ngờ tôi lại sinh 4 cháu gái, khác với thông tin khám ban đầu của bác sĩ. May mắn, các cháu đều khỏe mạnh. Vừa sinh ra, bà nội của các cháu đã đặt ngay tên Hòa - Bình - Hạnh - Phúc. Nhưng do cháu Hòa và Bình có tên “phạm húy” nên sau này gia đình đã đổi sang tên Thúy và Nga”, bà Mái cho biết.
Bà Mái kể, thời điểm sinh các cháu, kinh tế gia đình khá khó khăn. Việc nuôi một đứa trẻ đã khó huống hồ nuôi 4 cùng lúc. Nhiều khi túng đến nỗi không biết lấy gì để cho mấy đứa ăn, cái gì cũng thiếu. May mắn có sự giúp đỡ của ông bà, hai bên nội ngoại và bà Hương nên 4 cháu đều được chăm sóc tốt và trưởng thành.
“Cả 4 cháu đều học ngành Y dược và đang làm tại các phòng khám tư nhân. Ba cháu Thúy, Nga và Phúc đã có chồng con. Sau ca sinh 4 đó, vợ chồng tôi còn đón 2 thành viên nữa, một gái, một trai vào năm 2000 và 2007. Nhà đông con rất vui nhưng cũng vất vả lắm. Giờ thì vợ chồng chỉ lo tập trung làm ăn kinh tế, chăm cháu”, bà Mái vui vẻ nói.
Gặng hỏi thêm về cuộc sống riêng của 4 người con gái, bà Mái ngập ngừng: “Cuộc sống của các cháu vẫn bình thường thôi, cũng không có gì đáng chú ý lắm”.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, có thể do trước đây một số phóng viên đã tìm về viết về câu chuyện của gia đình bà Mái, song dường như đã thông tin sai về câu chuyện nào đó nên bà ngại chia sẻ chăng?
Được biết, sau bao nhiêu năm, hai gia đình bà Hương, bà Mái vẫn thường xuyên đi lại, thăm hỏi nhau. Những cô gái trong các ca sinh 4 một thời từng được xem là “chuyện lạ Việt Nam” giờ đã là những thiếu nữ, người mẹ và có cuộc sống an bình.