Sau hơn 1 tháng tích cực điều trị và theo dõi sát, sản phụ nhiễm cúm A/H1N1 tại TP. HCM nguy kịch tưởng chừng như không thể cứu đã khỏe trở lại.
Như đã đưa tin, sản phụ nhiễm cúm A/H1N1 tên N.Đ.T, 28 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP. HCM đang mang thai tuần thứ 34 thì có triệu chứng cảm, ho, sốt, chảy nước mũi nên gia đình đưa vào bệnh viện Phụ sản Mê Kông khám. Chị T sau đó được lấy mẫu máu để làm xét nghiệm.
Ngày 9/7, chị T sinh đôi hai bé gái thì bắt đầu sốt cao hơn rồi suy hô hấp nên được chuyển sang bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu. Kết quả xét nghiệm từ Viện Pastuer xác định, chị T bị nhiễm cúm A/H1N1.
Chị T sau đó đã được các bác sĩ bệnh viện Nhân dân Gia Định phối hợp với bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP. HCM tích cực điều trị.
Triệu chứng của người mắc bệnh cúm A/H1N1 diễn biến cấp tính từ nhẹ đến nặng: từ sốt, ho, đau họng, chảy nước mắt, nước mũi, đau người
Theo bác sĩ Hồ Văn Hân, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, bệnh viện Nhân dân Gia định thì lúc nhập viện chị T. liên tục sốt cao hơn 40 độ, cho thở máy, có lúc sức khỏe tốt lên tưởng chừng như khỏe lại thì đột ngột rơi vào hôn mê nhiều lần, không cai được máy thở.
Tuy nhiên nhờ sự tích cực điều trị, theo dõi sát nên chị T. đã hoàn toàn khỏe trở lại, hết bệnh nên được cho xuất viện mới đây.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM, triệu chứng của người mắc bệnh cúm A/H1N1 giống với hội chứng cúm mùa, bệnh diễn biến cấp tính từ nhẹ đến nặng: từ sốt, ho, đau họng, chảy nước mắt, nước mũi, đau người, đau đầu, rét run, mệt mỏi. Một số trường hợp có tiêu chảy, nôn, đến viêm phổi nặng và tử vong. Thời kỳ ủ bệnh từ 1 đến 7 ngày. Thời kỳ lây truyền của bệnh từ 1 ngày trước cho tới 7 ngày sau khi khởi phát.
Bệnh cúm A/H1N1 là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh. Bệnh lây truyền từ người sang người, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng qua ho, hắt hơi của người bệnh. Ngoài ra bệnh có thể lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút và từ đó qua tay đưa lên mắt, mũi, miệng.
Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và gần, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh. Nếu được điều trị sớm thì có thể giảm biến chứng và tử vong.
Người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai phòng nhiễm cúm A/H1N1 bằng cách giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.
Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh thì cần giảm tối đa thời gian tiếp xúc; giữ khoảng cách ít nhất 1 m; đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc gần.
Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao. Thường xuyên súc miệng bằng nước sát khuẩn miệng. Tăng cường thông khí trong cơ sở y tế hoặc nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa;
Nếu thấy có biểu hiện của hội chứng cúm, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.