"Dở khóc dở cười" chuyện đi đẻ thời xưa: Đẻ rớt con ngay tại nhà, chậm làm giấy khai sinh phải ra hầu toà

THÀNH GIANG - Ngày 29/10/2022 06:35 AM (GMT+7)

Chuyện sinh nở của thời xưa đa phần thuận theo tự nhiên, việc làm giấy tờ khai sinh cho con cũng không được sát sao như hiện tại.

amp;#34;Dở khóc dở cườiamp;#34; chuyện đi đẻ thời xưa: Đẻ rớt con ngay tại nhà, chậm làm giấy khai sinh phải ra hầu toà - 1

Thời bao cấp, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, chuyện sinh nở đầy nhọc nhằn, vất vả vì không có nhiều sự hỗ trợ. Các mẹ bầu và gia đình thường theo phương châm "xưa bày nay làm". 

Đẻ rơi con, đẻ thuận tự nhiên

Trong những ký ức câu chuyện được ông bà kể lại về một thời bao cấp, chuyện đi đẻ không quá cầu kỳ hay được chăm sóc như hiện tại. Các cụ tự tính tháng, tính ngày để biết khi nào con chào đời, sau đó khi có dấu hiệu chuyển dạ thì nhờ bà đỡ đến đỡ đẻ giúp hoặc đưa đến trạm xá. Thậm chí có những người chưa kịp gặp bà đỡ thì con đã chui ra ngoài.

Thời đó làm gì có que thử thai, khám thai kỳ, chỉ qua những kinh nghiệm dân gian nhất để phát hiện mang thai là mất kinh nguyệt, nghén, nôn ói, sợ đồ ăn…Sau khi biết có thai, cứ thế chờ đợi chiếc bụng lớn dần, đến ngày “lâm bồn” rồi sinh con.

Sau sinh, các bà các mẹ thời xưa cũng không kiêng khem nhiều nhưng vẫn phải làm theo những quy định đối với phụ nữ mới sinh theo phong tục ngày xưa như: nằm than, không tắm rửa, không ra gió, bịt kín tai, đắp lá trầu…Một số những điều này vẫn còn áp dụng đến hiện tại. Lúc bấy giờ, bệnh xá và các phương tiện đi lại không thuận tiện, mỗi lần có phụ nữ đến kỳ chuyển dạ, đi sinh rất vất vả, huy động người dân trong làng, trong xóm đến hỗ trợ.

Chuyện sinh nở thời xưa gặp nhiều khó khăn, vất vả

Chuyện sinh nở thời xưa gặp nhiều khó khăn, vất vả

Câu chuyện sinh nở của cô Nguyễn Thuỷ (62 tuổi, Quảng Trị) gắn liền với những mưa bão ở miền Trung. Trong lần sinh con trai đầu vào năm 1983, mưa lớn gây ngập lụt, nước tràn vào nhà đúng lúc có dấu hiệu chuyển dạ. Vì lo ngại nguy hiểm nếu đưa mẹ và con đi sinh, gia đình đã quyết định kê 2 cái giường chồng lên nhau để cô Thuỷ sinh con tại nhà. May mắn quá trình sinh nở thuận lợi, cả mẹ và con đều khỏe. Cũng vì sinh con giữa mùa lũ, vợ chồng cô Thuỷ quyết định đặt tên thân mật cho con trai là Lũ.

Bây giờ nghĩ lại, cô Thuỷ vẫn còn thắc mắc sao luôn sinh con đúng mùa bão lũ khi cậu con trai thứ 2 cũng chào đời giữa thiên tai thời tiết khắc nghiệt. Nếu như con trai đầu cất tiếng khóc giữa nước lũ thì con trai thứ hai đến với thế giới trong cơn cuồng phong của bão tố. Đó là một ngày vào tháng 10/1985, khi cơn bão số 8 có tên quốc tế là Cecil đổ bộ vào khu vực Trung Trung Bộ cũng là lúc cô Thuỷ sinh con trai thứ 2, nhà cửa bị tốc mái, cây cối xung quanh đổ rạp nhưng một sinh mệnh chào đời trở thành niềm vui của cả gia đình. Và cũng do sinh con giữa mùa bão, nên cái tên Bão gắn liền với chàng trai này. Cô Thuỷ chia sẻ, thời đó khó khăn, làm gì có sữa để uống như hiện tại, chỉ uống nước gạo nấu nhưng những đứa trẻ cứ thể lớn lên, phát triển bình thường.

Với cô Phạm Lanh (59 tuổi, Thái Bình), những ký ức đi sinh con thời bao cấp là vô cùng khó khăn. Đó là vào năm 1982, hầu như mọi phương tiện, cơ sở vật chất…đều không được đảm bảo, thiếu thốn bộn bề, thứ duy nhất có nhiều là ý chí và sức mạnh của người mẹ để con chào đời khỏe mạnh.

Cô Lanh cho biết thời đó điện không có, nước sạch không có chủ yếu là nước giếng nhưng không đảm bảo cho trẻ sơ sinh phải đi xin những nhà có nguồn nước sạch để dùng. Thậm chí khi lên bàn sinh còn phải soi đèn dầu để đỡ đẻ, gần như cả trạm xá chỉ có một nữ hộ sinh. Thời cô Lành sinh con không còn bà đỡ đẻ nhiều mà đa phần sẽ đến trạm xá để nhờ y tá, hộ sinh.

Thời bao cấp cách đây vài chục năm, không có nhiều phương tiện nhanh chóng hiện đại để đưa phụ nữ đi sinh, chủ yếu là xe đạp, xích lô hoặc khiêng võng

Thời bao cấp cách đây vài chục năm, không có nhiều phương tiện nhanh chóng hiện đại để đưa phụ nữ đi sinh, chủ yếu là xe đạp, xích lô hoặc khiêng võng

Trong khi đó, với cô Thu Phương (50 tuổi, Quảng Trị) là kỉ niệm về việc đi sinh con đầu lòng tại bệnh viện bằng xích lô và khoảnh khắc khó quên khi "đẻ rớt" em bé ngay tại hiên nhà. Thời đó chưa có xe máy hay taxi, phương tiện đi sinh chính là chiếc xích lô cũ, nhiều người cùng phụ giúp đẩy mẹ bầu đến bệnh viện.

Sau khi sinh xong về nhà, cô Phương vẫn nhớ trên chiếc xích lô đưa 2 mẹ con, đi hai bên là mẹ ruột và mẹ chồng vừa đẩy vừa giữ xe để không bị gió cuốn xuống con đê ngập nước bên cạnh. Còn chồng đi phía sau đẩy phụ người lái xích lô. Ấy thế mà cũng an toàn về đến nhà, “mẹ tròn con vuông” vượt qua khoảng thời gian sinh nở khó khăn. Nếu như lần sinh con đầu lòng phải trải qua gian nan trong lần “vượt cạn” thứ 3 sinh con trai, cô Phương thậm chí còn đẻ luôn em bé tại nhà khi chưa kịp di chuyển đến bệnh viện. Kỉ niệm về lần “đẻ rớt” này vẫn khiến vợ chồng cô chú kể lại nhiều lần mỗi khi nói với các con về những khó khăn kỉ niệm ngày xưa.

Làm chậm giấy khai sinh cho con phải ra hầu toà

Câu chuyện tưởng chừng như không thể xảy ra này lại từng xuất hiện trong thời bao cấp khi việc khai sinh chậm cho con cũng là điều vi phạm những quy định.

Theo câu chuyện được chú Nguyễn Văn Ất (Hà Nội) chia sẻ lại về chuyện gia đình mình khi làm giấy khai sinh. Vào thời Pháp thuộc, có nhiều khác biệt trong thủ tục hành chính lẫn cách sử dụng sử dụng từ ngữ trong giấy tờ. Đặc biệt trong giấy khai sinh có những mục rất nghiêm khắc như: phải có 3 người làm chứng, nếu là con hoang thì chỉ cần khai tên mẹ. Nguyên nhân là thời đó có sự phân biệt đối xử rõ ràng giữa những đứa trẻ là con ruột có đầy đủ bố mẹ, con nuôi và những đứa trẻ sinh ra không có bố.

Sau ngày hòa bình lập lại vào năm 1954, việc làm giấy khai sinh cho trẻ hết sức nghiêm túc, nếu không đúng hạn phải ra toà. Theo câu chuyện được kể lại trong gia đình sinh con gái vào tháng 3/1955, nhưng 3 tháng sau mới đi làm giấy khai sinh nên đã phải ra tòa làm việc.

Khi đó, tòa xử công khai chứ không phải là thủ tục lấy lệ, có đủ văn bản ghi lại quá trình sự việc. Tòa xử gia đình phải làm lại giấy khai sinh theo đúng ngày giờ chào đời của con. Thậm chí có cả hạn 15 ngày để kháng cáo lại án đã tuyên.

Giấy toà xử phạt làm giấy khai sinh chậm vào năm 1955  (Ảnh: Nguyễn Văn Ất)

Giấy toà xử phạt làm giấy khai sinh chậm vào năm 1955  (Ảnh: Nguyễn Văn Ất)

Giấy khai sinh vào năm 1947 (Ảnh: Nguyễn Văn Ất)

Giấy khai sinh vào năm 1947 (Ảnh: Nguyễn Văn Ất)

Ngày nay, pháp luật có những quy định rõ ràng về việc khai sinh cho trẻ sơ sinh. Theo Điều 37, Nghị định 82/2020/NĐ-CP, khi thực hiện đăng ký khai sinh quá hạn thì người đăng ký không bị xử phạt bởi hình thức nào, kể cả hình thức phạt tiền. Tuy nhiên, nếu có vi phạm trong việc làm giấy tờ khai sinh, cung cấp sai thông tin… sẽ bị xử phạt theo quy định hiện hành.

Dân gian có câu "Gái chửa cửa mả", dù ở thời đại nào việc mang thai và sinh con luôn khiến chị em phụ nữ hao tổn nhiều sức khoẻ và đối mặt với nguy hiểm. Nhưng bù đắp lại những vất vả đó chính là niềm hạnh phúc với thiên chức làm mẹ, được chứng kiến con chào đời và lớn lên khoẻ mạnh.

THÀNH GIANG
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Vang bóng một thời