Bạn có thể sẽ rơi vào những chiêu trò của các cửa hàng, siêu thị mà chính bạn cũng không hề hay biết và đây là những lời khuyên hữu ích.
Rõ ràng, mục tiêu của các cửa hàng kinh doanh, các siêu thị hay trung tâm thương mại chính là việc khiến khách hàng bị cuốn vào việc mua sắm và tiêu càng nhiều tiền càng tốt. Để thực hiện mục tiêu này, các nhà tâm lý học kinh doanh, những chuyên gia tiếp thị đã nghiên cứu rất kỹ hành vi, thói quen mua sắm của người dùng để tiến tới việc thiết lập một cửa hàng mà ở đó, ngay từ khi bước chân vào khách hàng đã bị cuốn hút và chi tiêu nhiều hơn dự định ban đầu.
Dưới đây là những “mánh khóe” mà các chủ cửa hàng thường áp dụng, chị em cần tỉnh táo lựa chọn để tránh tiêu tiêu quá tay.
“Ma thuật” hiển thị giá
Có một điều dễ nhận thấy là tại các siêu thị, cửa hàng, con số “0,99”… thường xuyên xuất hiện trên giá các sản phẩm. Nguyên nhân của điều này là bởi nó khiến khách hàng có cảm giác mình chỉ trả một số tiền ít hơn cho sản phẩm.
Đại học New York đã thực hiện một nghiên cứu để xem liệu một mặt hàng có giá 4,99$ có bán chạy hơn sản phẩm đó với giá 5$ hay không. Quả thật, kết quả đúng như thế. Người ta gọi hiện tượng này là hiệu ứng chữ số bên trái, nghĩa là người mua đa phần chỉ nhìn vào chữ số đầu tiên và thấy nó thấp hơn là hào hứng mua.
Giá của sản phẩm trong các siêu thị luôn được để ở dạng khiến khách hàng nghĩ nó thấp hơn giá trị thật (Ảnh minh họa)
Giải pháp:
Để đối phó với điều này, hãy luôn làm tròn số khi đi mua sắm. Tập thói quen rèn luyện trí não của bạn nghĩ theo cách làm tròn tăng lên. Khi đó, bạn sẽ tiết kiệm được khối tiền nhờ đánh giá đúng số tiền thực tế mà bạn phải trả thay vì bỏ qua số thập phân phía sau và chỉ nghĩ rằng mình bỏ ra một khoản tiền ít hơn để mua. Rất nhiều người đã rơi vào cái bẫy này và nhặt vô số những món đồ vào giỏ hàng của mình chỉ vì nhìn con số đầu tiên, cho tới khi ra thanh toán họ mới “hoảng” vì tổng số tiền mình về tổng số tiền phải trả.
Sắp xếp vị trí sản phẩm một cách thông minh
Khi thiết kế cửa hàng, các chuyên gia đã sắp xếp bố cục các gian hàng sao cho hấp dẫn nhất khi nhìn, nắm bắt nhu cầu tâm lý của người mua hàng. Cụ thể như:
Trái cây và rau quả sẽ thường được đặt gần lối vào của cửa hàng tạp hóa để tạo cho mọi người ấn tượng rằng họ đã chọn một nơi cung cấp thực phẩm an toàn, lành mạnh. Nếu cửa hàng hay siêu thị đó có bán bánh mì, họ sẽ bố trí ngay gần cửa ra vào. Mùi của bánh mì thơm lừng trong lò nướng sẽ khiến mọi người vừa đặt chân vào đã thấy đói. Họ sẽ mua để ăn và khi cái bụng đã no, họ thong thả mua sắm nhiều hơn.
Các sản phẩm đắt tiền thường được bố trí ở vị trí ngang tầm mắt, nơi dễ nhìn thấy, dễ lựa chọn (Ảnh minh họa)
Các sản phẩm thiết yếu trong sinh hoạt sẽ được đặt ở phía sau, phía trong của cửa hàng. Điều này bắt buộc các khách hàng phải đi qua rất nhiều những gian hàng khác như sữa, bánh mì, phô mai hay những vật dụng không quá phổ biến khác để tới gian hàng mình cần mua. Khi đi lại và ngắm nhìn như thế, rất có thể khách hàng sẽ “tiện tay” sắm một số thứ mà ban đầu họ hoàn toàn không có dự định sẽ mua.
Những sản phẩm kết hợp với nhau trong nấu nướng sẽ hay được đặt cạnh nhau. Nhưng vấn đề ở chỗ, họ sẽ đặt một mặt hàng thông dụng bên cạnh một sản phẩm dễ kết hợp nhưng lại có giá thành cao.
Ví dụ, bạn muốn làm salad, nước sốt mayonnaise được đặt chai dầu ô liu đắt đỏ… Lẽ ra khách hàng chỉ định lựa chọn loại rẻ tiền hơn nhưng vì vị trí đặt loại đắt tiền kia ngay cạnh những thực phẩm mà bạn đã lựa chọn xong nên sẽ “tặc lưỡi” lấy luôn cho tiện. Khi mà tất cả những thứ phục vụ cho việc nấu bữa tối ở ngay trước mắt, khách hàng sẽ có tâm lý lấy luôn thay vì phải đi lòng vòng để tìm một sản phẩm khác cùng loại. Đó là khi họ buộc phải chi tiêu nhiều hơn cho một loại mặt hàng mà trước đó họ không hề tính sẽ mua.
Không chỉ vậy, ngay cả khi bạn bỏ qua mọi sự cám dỗ từ những gian hàng hấp dẫn, các thương hiệu thu hút khách để đi thẳng tới quầy có đồ mà bạn dự định mua thì chủ các cửa hàng vẫn tiếp tục đưa khách hàng vào một “cái bẫy” khác. Những thực phẩm đắt tiền sẽ luôn đặt ở vị trí dễ nhìn, ngang tầm mắt để khách hàng thấy đầu tiên. Những loại đồ ăn cho trẻ em với hình minh họa nhân vật hoạt hình sẽ được đặt ở vị trí thuận lợi với tầm mắt của trẻ và khiến trẻ cảm thấy thích mê, nằng nặc đòi bố mẹ mua bằng được.
Những món đồ dành cho trẻ em được đặt ở vị trí vừa với chiều cao của trẻ và chúng sẽ hấp dẫn khiến trẻ đòi mua bằng được (Ảnh minh họa)
Giải pháp:
Cách để tránh được những chiêu thức này, khách hàng có thể áp dụng một vài mẹo sau:
- Ăn nhẹ trước khi đi mua sắm để không cảm thấy đói. Điều đó giúp bạn không bị hấp dẫn bởi những mùi hương thức ăn được tỏa ra từ khu nấu nướng của siêu thị hay trung tâm thương mại.
- Lên kế hoạch, danh sách các sản phẩm mua sắm với thương hiệu rõ ràng để chỉ việc đi thẳng tới những quầy đặt bán nó.
- Hãy quan sát hết các vị trí trên quầy hàng. Những thương hiệu rẻ, bình dân thường được đặt ở vị trí gần sàn nhà, hơi khuất tầm nhìn. Đó là chiêu của các nhà bán hàng bởi họ mong muốn khách sẽ lấy luôn những sản phẩm có giá trị cao hơn được đặt ở vị trí thuận lợi, dễ nhìn. Nếu đi mua sắm cùng con nhỏ, bạn có thể không đi vào các khu vực bán nhiều sản phẩm như bánh kẹo, đồ chơi dành cho trẻ em để trẻ không nhìn thấy và đòi hỏi.
“Đánh lừa” cảm giác bằng việc thiết kế chai/lon nhỏ hơn
Có lẽ bạn sẽ nhìn thấy những lon nước ngọt, những chai bia với kích cỡ nhỏ hơn mới được ra đời và bày tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị. Rất nhiều người ý thức được việc uống những loại đồ uống này không có lợi cho sức khỏe nên khi nhìn thấy chúng được đóng với kích cỡ nhỏ với giá thành thấp hơn một chút và ngay lập tức họ mua luôn. Tuy nhiên, chính điều này sẽ khiến khách hàng bị đánh lừa về mặt cảm giác.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khi mua những loại có kích cỡ nhỏ, khách hàng có tâm lý sẽ uống 2 lon thay vì một lon và họ nghĩ rằng nó “nhỏ ấy mà”. Nhưng trên thực tế, bạn đã uống nhiều hơn việc dùng 1 lon to và cũng đã mua hàng nhiều hơn rồi đấy.
Giải pháp
Hãy dành thời gian để đọc thông tin trên bao bì của sản phẩm, chú ý đến số lượng thực được đóng gói bên trong thay vì nhìn kích cỡ. Đôi khi bạn nhìn thấy giá tiền ở một sản phẩm có kích cỡ lớn tưởng như đắt hơn nhưng thực tế nó lại rẻ vì chứa được nhiều hơn so với việc mua 2 loại nhỏ. Rất nhiều khách hàng đã mắc lỗi này chỉ vì họ không dành thời gian để đọc khối lượng sản phẩm và tính toán xem mình mua đắt hay rẻ.
Các chương trình khuyến mại tạo cảm giác “thời cơ ngàn năm có một”
Trước những chương trình khuyến mại, các chủ cửa hàng thường tung chiêu: “Chỉ 1 ngày duy nhất”; “Chỉ 100 sản phẩm đầu tiên”; “Số lượng hạn chế”… Bằng cách này họ làm cho khách hàng có cảm giác rằng nếu không mua bây giờ thì không bao giờ có cơ hội mua sản phẩm tốt với giá hời đó nữa. Và vì thế họ ồ ạt đi mua mà không biết rằng ngay tháng sau, cũng vẫn những mặt hàng đó lại tiếp tục được giảm giá, thậm chí còn giảm giá sâu hơn.
Giải pháp:
Đừng nóng vội! Đó là câu thần chú mà bạn nên áp dụng trước những đợt bán hàng khuyến mại của các siêu thị, cửa hàng. Lý do là bởi hàng năm sẽ luôn có những đợt giảm giá như vậy theo chu kỳ và chắc chắn bạn sẽ có cơ hội để mua nó, không phải dịp này thì dịp khác, không nhất thiết phải đổ xô đi mua ngay cả khi bạn cảm thấy nó chưa thực sự cần thiết với mình.