Một nghi thức độc đáo để cầu may mắn, bình an trong lễ hội xuân Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn đó là màn rước sinh thực khí nam (hay còn gọi là tàng thinh).
Lễ hội là nghi thức, nghi lễ thờ cúng Thành Hoàng gắn liền với sự tích đánh giặc giữ làng và các hoạt động văn hóa, các trò chơi, trò diễn của người Tày xã Trấn Yên huyện Bắc Sơn.
Trong lễ hội các thành viên bôi nhọ lên mặt thể hiện khuôn mặt giặc “Sấc Tài Ngàn” khi còn sống. Đó cũng là quan niệm của đồng bào về linh hồn, thế giới tâm linh.
Người tham dự lễ hội phải bôi nhọ mặt bởi họ tin rằng làm như thế sẽ đánh lạc hướng những linh hồn ma giặc, qua lễ hội sẽ không còn ma nào biết ai đã diễn lại hình dạng và sự thất bại của chúng trước dân làng mà bắt về gây tai họa, dịch bệnh cho họ cùng gia đình, người thân của họ.
Lễ hội Ná Nhèm diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng (âm lịch) nhưng các công việc chuẩn bị đã được tiến hành triển khai thực hiện từ trước đó khoảng 2 tuần. Từ mùng 1 Tết ở Đình diễn ra lễ cúng Thành Hoàng. Các cụ già tổ chức họp và bàn giao khóa lềnh, khóa mo, khóa hội giữa năm cũ và năm mới. Sau đó bàn và chuẩn bị các công việc liên quan đến lễ hội như: thành lập Ban tổ chức, chuẩn bị kinh phí, nguồn nhân lực; phân công người đóng và luyện tập các vai diễn, chuẩn bị trang phục, đạo cụ, chuẩn bị lễ vật…và các điều kiện khác để phục vụ cho lễ hội. Tất cả mọi công việc phải chuẩn bị xong trước ngày rằm, trong đó mỗi một nhóm người tham gia đều quy định rõ số lượng và nội dung công việc khác nhau.
Cùng với các hoạt động nghi lễ trong Lễ hội Ná Nhèm còn có rất nhiều trò chơi trò diễn đặc sắc như: Trò đánh trận tập và tiến cống lễ vật, Sau trò này trong lễ hội Ná Nhèm còn tổ chức them trò Trò Sỹ - Nông - Công Thương; Ngư – Tiều – Canh – Mục ( kén dâu, kén rể); đánh đu, đánh cờ… nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, giao lưu văn hóa của cộng đồng.
Lễ hội Ná Nhèm là lễ hội với hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa cộng đồng nên thấm đượm tinh thần dân chủ và nhân văn sâu sắc. Đồng thời thể hiện một quá trình giao lưu văn hóa lâu dài giữa người Tày và người Việt, văn hóa Tày và văn hóa Trung Hoa. Hiện nay sau hơn 50 năm gián đoạn Lễ hội Ná Nhèm đã được khôi phục và tổ chức lại hàng năm để đáp ứng nhu cầu giao lưu, hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Một du khách chụp ảnh check in cùng "Tàng thinh" tại đình làng Trấn Yên trước khi lễ rước diễn ra.
Lễ hội Ná Nhèm cũng có nhiều truyền tích, truyện kể liên quan tới lịch sử hình thành và phát triển lễ hội, điển hình là tục “Bôi nhọ mặt” tục phù phép người thành quỉ dữ (tục hóa trang của người Tày) để nhớ về những tích chuyện mà 12 tên cướp đã đến thôn Làng Mỏ cướp phá, đã bị đánh đuổi và chết tại mảnh đất này, chúng đã biến thành hồn ma, quỉ dữ dọa người
Lễ tế được tổ chức tại đình làng Mỏ(Trấn Yên, Bắc Sơn). Truyện truyền miệng trong dân gian làng xã,.. thì ngày xưa ở khu vực cửa đình Làng Mỏ có ít nhất 03 địa điểm thờ tự của cộng đồng (điểm thờ các vị Thần linh) là thờ thần Nước (Long Vương) và đức vua Miêu Tĩnh tại mỏ nước Bó Vằn. Thờ giặc Tài Ngàn (Quỷ thần) tại miếu Xa Vùn và thờ Đức thánh Cao Sơn - Quý Minh(Thần núi Tản Viên) tại đình làng Mỏ.
Mặc dù trời mưa rất to nhưng người dân và du khách thập phương vẫn có mặt ở đình làng Mỏ đợi đến giờ rước.
Lễ hội Ná Nhèm được phục dựng lại năm 2012 nhằm bảo lưu, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và của dân tộc. Ngày 8/6/2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 1877/QĐ-BVHTT&DL công nhận lễ hội Ná Nhèm là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Tàng thinh được làm bằng gỗ nặng khoảng 1 tạ, sau lễ sẽ được hoá. Ná Nhèm (theo tiếng Tày nghĩa là mặt nhọ) là lễ hội đặc biệt của hai dòng họ Hoàng và Bế vốn gốc họ Mạc nhưng phải thay tên đổi họ để tránh họa tru di, truy sát của vua Lê chúa Trịnh. Về bản chất đây chỉ là việc con cháu gốc họ Mạc mượn tín ngưỡng phồn thực để biểu đạt mong ước đức Vua phù trợ cho dòng họ tái sinh lớn mạnh.