Người dân trong làng có nguyện vọng đề nghị hoàn trả lại mặt bằng và giao lại khu Âm linh cùng 1000 ngôi mộ tại khu vực để nhân dân tôn tạo.
Như chúng tôi đã đưa tin người dân làng Nghi An (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) tố cáo đơn vị thi công cải tạo mặt bằng khu vực kho CK55 do Quân khu V quản lý đã “xúc” khoảng 400 ngôi mộ đi đâu không ai rõ.
Cơ quan có thẩm quyền đã xác định, các đơn vị thi công có sai phạm. Tuy nhiên, số lượng mộ đã bị “xúc” đi là bao nhiêu thì phải có thời gian kiểm tra, xác định lại. Ngoài ra, tại hiện trường, người dân đã phát hiện 10 bộ hài cốt không còn nguyên vẹn hiện được cải táng và chôn cất lại.
Người dân tìm thấy 10 bộ hài cốt và đã mai táng, xây mộ cẩn thận
Trong vụ việc này, ông Nguyễn Tiến Ca (tổ trưởng tổ dân phố 16C, phường Hòa Phát) là một trong những người góp phần đi tìm sự thật.
Khi người dân phát hiện số lượng lớn ngôi mộ tại nghĩa trủng Nghi An đã bị xúc đi đâu không rõ, ông chính là người đã điện thoại, gọi điện kêu cứu Bí thư thành ủy Đà Nẵng. Ông cho biết, việc khai thác đất tại khu vực này đã diễn ra từ nhiều năm. Lúc đầu là công ty Nhật Nga, sau đó chuyển giao cho hai công ty Tiến Thanh và công ty Phước Nghĩa khai thác.
Khi được hỏi, tại sao việc khai thác khu nghĩa trủng diễn ra từ lâu mà đến nay mới phát hiện sư việc? Ông Ca chia sẻ, nghĩa trủng Nghi An thuộc kho đạn CK55 của quân khu V tiếp quản nên người dân ít khi được vào. Vả lại, xe múc và xe tải chủ yếu hoạt động vào ban đêm, bí mật nên người dân cũng không hay biết.
Liên quan đến vụ việc, bà Nguyễn Thị Trinh (SN 1972, giám đốc công ty Tiến Thanh) cho biết trong khoảng thời gian qua có ký hợp đồng với Cục hậu cần quân khu V để thi công hạng mục công trình trong phạm vi quản lý của Bộ tư lệnh quân khu V. Công trình san ủi, cải tạo mặt bằng thao trường Kho kỹ thuật K55. Đây là công trình kỹ thuật thuộc lĩnh vực quốc phòng, theo hợp đồng đã kỹ kết ngày 5/5/2014, giữa Doanh nghiệp tư nhân Tiến Thanh và Cục hậu cần quân khu V bàn giao. Khu đất do quân khu V quản lý.
Trong quá trình thi công, phía công ty không hề biết và cũng không thấy dấu tích mồ mả. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tại công trình, gần đây, một số anh em công nhân của đơn vị phát hiện có một đền thờ nhưng đã đổ nát, hoang phế, cây cối, cỏ dại mọc phủ kín lên. Nền gạch cũng cũ nát, từ lâu không ai dọn dẹp.
Bà khẳng định, theo tâm nguyện của anh em công nhân cũng như tôi nghĩ đến chuyện tâm linh nên Doanh nghiệp đã thuê người phát quang dọn dẹp để thắp nén hương mong mọi sự tốt đẹp, an lành sẽ đến với toàn thể enh em công nhân trong doanh nghiệp, tuyệt nhiên không thấy mồ mã mà thấy có vài vết cát trắng xuất hiện nên chúng tôi đã dừng thi công và báo cho cơ quan Quân khu V tạm dừng thi công công trình tại nơi phát hiện thấy đền thờ trên.
Mặc dù vậy, phía công ty lại có tâm nguyện, nếu được sự đồng ý của quân khu V và Ủy ban nhân dân quận Cẩm Lệ thì doanh nghiệp xin phát nguyện hỗ trợ cùng thôn Nghi An tu sửa ngôi đền trên cũng như việc di dời nếu có mồ mã.
Ông Ca đang trao đổi với phóng viên
Trong khi đó, ông Ngô Đằng (83 tuổi, Chủ tịch hội đồng chư phái làng Nghi An) chia sẻ, khu nghĩa trủng dù có cả nghìn ngôi mộ. Mặc dù các ngôi mộ này có nấm nhỏ, nhưng bằng mắt thường vẫn có thể phát hiện được. Ông cho rằng, phía đơn vị thi công bảo không biết khu đất có mộ là hơi vô lý.
Trong khi đó, việc người dân làng Nghi An phát hiện việc mất khoảng 400 ngôi mộ là do nghe thông tin một tài xế xe múc đang làm ở khu đất kể, họ có phát hiện một bộ hài cốt có tóc dài. Sau đó, họ đã chôn cất, xây lăng mộ cho bộ hài cốt này.
Ông cũng cho biết thêm, người dân trong làng có nguyện vọng đề nghị hoàn trả lại mặt bằng và giao lại khu Âm linh cùng 1000 ngôi mộ tại khu vực để nhân dân tôn tạo. Cơ quan chức năng, đơn vị liên quan có biện pháp tìm kiếm lại các các mộ đã bị đào xới để giao lại cho người dân. Nếu không tìm thấy các hài cốt này, thì người dân trong làng sẽ xây dựng lại mộ gió để thờ cúng. Ngoài ra, vào ngày rằm tháng bảy, người dân sẽ làm lễ, cúng bái.
Lịch sử Đảng bộ của Phường Hòa Phát ghi rõ, khu vực nghĩa trủng Nghi An có hơn 2.000 ngôi mộ. Tại làng còn có một tấm bia chiến tích ghi: “Nơi đây, trên dải phòng ngự Nghi An - Phước Tường, từ ngày 25/12/1946 đến ngày 6/1/1947, bộ đội ta thuộc Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 17, Trung đoàn 96 phối hợp với dân quân địa phương và hai đại đội tăng cường của Tiểu đoàn 100 (Trung đoàn 93) đã ngoan cường chiến đấu giữ vững phòng tuyến, trong đó quyết liệt nhất là trận tại cầu Nghi An… Trên các trận đánh này ta có 18 chiến sĩ anh dũng hy sinh”. Mặc dù vậy, người dân trong làng cho biết, số mộ thực là khoảng 1.000 chứ không phải 2.000. |