Trước thông tin cho rằng, công tác dự báo bão số 8 có nhiều sai sót nên nhiều tỉnh miền Trung chống bão “hớ”, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương khẳng định việc dự báo chính xác với thực tế.
Chính xác cả cấp gió và thời gian đổ bộ
Như chúng tôi đã đưa tin về việc “Liệu có sai sót trong dự báo bão số 8?” trong bài “Siêu bão Usagi giật cấp 17 tiến vào biển Đông” khi có nhiều luồng ý kiến cho rằng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương đã dự báo sai cả về thời gian và cường độ bão đổ bộ dẫn đến việc chống bão của các tỉnh miền Trung đã bị “lố”. Thời gian bão đổ bộ có thể đã sớm hơn thực tế từ 4h – 24h (sai số cho phép là 5h – 6h). Cường độ bão khi đổ bộ vào đất liền thực tế cũng được nhận định yếu hơn so với dự báo. Trong khi đó, nhiều tỉnh miền Trung đã tập trung dồn mọi lực lượng chống bão, Uỷ ban nhân một số tỉnh dừng, hoãn tất cả các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, cho học sinh nghỉ học, dừng các hoạt động đánh bắt và du lịch, đời sống của người dân bị đảo lộn vì chống bão...
Trong cuộc họp báo vào chiều 20/9, lãnh đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương khẳng định việc dự báo cơn bão số 8 là hoàn toàn chính xác cả về thời gian, cường độ bão độ bộ. Thời điểm phát tin áp thấp nhiệt đới, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 8 và thời điểm suy yếu của cơn bão này trước khi cập bờ các tỉnh miền Trung cũng hoàn toàn chính xác, không có chuyện sai sót làm cho nhiều tỉnh miền Trung tốn công, tốn sức chống bão “hớ”.
Cụ thể, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn trung ương khẳng định: Ngày 17/9, lúc 13h, trung tâm phát tin dự báo bão só 8 là hoàn toàn chính xác. Với nhận định về cường độ tăng lên, mưa rất lớn cho miền Trung và Tây Nguyên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương đã phát thành bão.
Thực tế ghi nhận gió tại 4 trạm đảo Bạch Long Vĩ, Hòn Ngư (Nghệ An), Cổn Cỏ (Quảng Trị) Lý Sơn (Quảng Ngãi) đều có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9 mặc dù các đảo này đều cách ít nhất 150km. Khi bão gần bờ, cách 150km thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nên toàn bộ từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió cấp 5, giật cấp 6, 7.
“Do vậy, tôi khẳng định thực tế, ở ngoài khơi là bão số 8, vào bờ bão mới suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đúng như các bản tin dự báo chúng tôi đã đưa trước đó”, ông Tăng nói.
“Khi bão số 8 cách bờ 70km – 100km, có cơ sở để khẳng định bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nên chúng tôi đã phát tin suy yếu thành áp thấp nhiệt đới lúc 10h ngày 18/9. Do đó, thời điểm khẳng định áp thấp nhiệt đới chính xác, thời điểm khẳng định áp thấp mạnh lên thành bão sát thực tế. Thời gian vào đêm 18/9, rạng sáng 19/9 bão đổ bộ. Tôi đã khẳng định, mọi công tác chuẩn bị trên bờ hoàn thành trước 18h 18/9. Thực tế cơn bão gây gió mạnh nhất từ 22h đến 1h đêm ngày 19/9. Tâm áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào 12h đêm 18/9, 1h ngày 19/9. Như vậy là chính xác. Các số liệu quan trắc trên đảo đều cho thấy gió mạnh cấp 6 -7, giật 8 -9. Trên bờ tương đương cấp 8”, ông Tăng dẫn các số liệu quan trắc ghi nhận được để chứng minh.
Cụ thể, các trạm quan trắc đã ghi nhận được, gió ở Đà Nẵng mạnh nhất vào lúc 23h24 phút ngày 18/9, cấp 5. Gió mạnh trên bờ bắt đầu từ 5h - 6 h chiều ngày 18/9 và kết thúc vào 5h – 6 h chiều ngày 19/9. Ở Huế, gió mạnh nhất lúc 23h ngày 18/9, Cồn Cỏ lúc 0h44 phút ngày 19/9 (cấp 7).
Về câu hỏi, liệu bản tin dự báo bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đưa ra lúc 22h ngày 18/9 có muộn khi khẳng định mọi công tác chuẩn bị phòng chống bão phải hoàn thành trước đó là lúc 6h ngày 18/9, ông Tăng khẳng định: “Gần bờ đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nên chúng tôi phải phát bản tin. Họp Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương và các địa phương chúng tôi đã khẳng định khi vào bờ bão giảm đi 1 cấp và chỉ có cấp 6, cấp 7. Nếu cấp 7, cấp 8, nếu người dân ở trong nhà thì sẽ không nguy hiểm, trừ trường hợp ra đường, cây cối đổ hay ở trên lồng bè, thuyền trên biển…”
Ông Bùi Minh Tăng phản đối thông tin cho rằng cơ quan dự báo đã sai
Người nông ngâm mình cứu lúa trước khi bão đổ bộ (Ảnh: Dân Việt)
"Chính xác hơn cả dự báo của quốc tế"
Thực tế, bão số 8 mạnh lên từ một áp thấp nhiệt đới, (trước đó áp thấp nhiệt đới mạnh lên từ một vùng áp thấp xuất hiện trên biển Đông), do đó, lần này các bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương khá chủ động và có thời gian dự báo sớm hơn, khoảng dài hơn so với một số trung tâm dự báo hiện đại của quốc tế.
Do đó, trong cơn bão này cái khó của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương là không có thông tin tham khảo, phải tự đưa ra kết luận. Tuy nhiên, các tại liệu lưu trữ về dự báo và số liệu quan trắc thực tế ghi nhận được đều chứng tỏ các bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương lần này khá chính xác. “Không phải khi nào quốc tế phát cũng chính xác cả, nhiều trường hợp bản tin của chúng ta phát tốt hơn họ vì chúng ta ở gần cơn bão, thu được nhiều thông tin hơn”, ông Tăng nói.
Theo ông Tăng, lần dự báo bão số 8 lần này, các bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương thậm chí còn chính xác hơn cả những bản tin dự báo của một số trung tâm dự báo quốc tế.
Chẳng hạn, cơ quan dự báo của Bắc Kinh cảnh báo từ đêm ngày 16/9, sáng ngày 17/9 là áp thấp nhiệt đới và 24h sau sẽ thành bão. Ngày hôm sau, các trung tâm quốc tế tiếp tục cảnh báo áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão. Riêng đối với Hoa Kỳ, bản tin dự báo đầu tiên phát toàn bộ là vùng áp thấp, đến ngày 18/9, khi bão sát bờ, trung tâm của Hoa Kỳ mới phát thành bão. Cơ quan dự báo của Hồng Kong phát tin từ sáng sớm 19/9 nhưng chỉ là áp thấp nhiệt đới và đổ bộ vào Trung Trung bộ nước ta.
Không thể khẳng định được chính xác mấy giờ bão đổ bộ Sau nhiều lần bị “kết tội đúng” và cũng nhiều lần bị “kết tội sai” (nhiều hơn) về việc để xảy ra sai sót trong công tác dự báo, người đứng đầu Trung tâm Dự báo, ông Bùi Minh Tăng chia sẻ: “Chúng tôi là người làm dự báo, đưa thông tin ra phải độc lập với cách nhận thức và hiểu biết, số liệu của mình. Cơn bão số 8 này, thực sự là một cơn bão chứ không phải là dự báo sai theo hướng mạnh lên. Thiệt hại tương đối nhiều về người và tài sản (16 người chết và mất tích). Tất cả tin chúng tôi đưa đều có hai phần, hình và bản đồ. Hình để minh họa chứ không phải đường đi thật của bão nhưng các cấp chỉ đạo phòng chống thiên tai hoặc người đi biển rất cần. Còn người trên đất liền cần chính là lúc trên bờ có gió mạnh ở đâu, từ mấy giờ để tránh. Chúng tôi không bao giờ nói bão vào bờ chính xác lúc mấy giờ, chỉ có thể nói trong khoảng thời gian nào đó, sớm nhất là khi nào, muộn nhất là khi nào, ví dụ sớm nhất 7h tối, muộn nhất 12h đêm. Chúng tôi không thể khẳng định đúng giờ này nó đến chỗ này như lịch trình một đoàn tàu. Thực tế bão đi như giun bò, lúc tiến lúc lui, hình ảnh đường đi của bão chúng tôi đưa ra chỉ là minh họa”. Thực tế, khi theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, đặc biệt là dự báo một hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão, người dân nên xem thông tin cập nhật rất thường xuyên, liên tục. Trong cuộc họp ban chỉ đạo trưa ngày 17/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo không chỉ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương mà các cơ quan chống bão cấp trung ương, cấp tỉnh và người dân cần liên tục phải cập nhật thông tin. Không thể khẳng định bản tin đầu tiên có thể sử dụng để phòng chống trong suốt quá trình xảy ra cơn bão. Khoảng thời gian xác suất chính xác nhất dành cho dự báo bão được xác định trong vòng 24h, sau 24h thì các khoảng thời gian 48h và 72h quyền được sai số dao động lớn hơn. |