Cường độ của bão số 8 sẽ thay đổi liên tục khi trên biển và khi vào gần đất liền các tỉnh miền Trung. Khả năng gây mưa của bão số 8 cũng khác thường so với các cơn bão khác.
Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 8 – Saudel. (Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG).
Bão số 8 diễn biến khó lường
Sáng nay (21/10), Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã họp ứng phó với bão số 8 và mưa lũ ở miền Trung. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hồi 10 giờ sáng nay, bão số 8 đang cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm.
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.
Về cường độ, ông Khiêm cho hay, theo các dự báo của các đài quốc tế, bão số 8 sẽ đạt cường độ mạnh nhất khi đến khu vực quần đảo Hoàng Sa, mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14. Còn khi vào đất liền nước ta, bão số 8 chỉ mạnh cấp 8-9, một số đài dự báo bão chỉ mạnh cấp 7.
Lý giải về việc bão số 8 suy yếu nhanh khi vào gần bờ, ông Khiêm nói: “Hiện khu vực phía Đông đảo Hoàng Sa nhiệt độ mặt nước biển khá cao, đây là yếu tố giúp bão tăng cấp trong 24-48 giờ tới.
Còn từ Hoàng Sa về phía Tây, nhiệt độ nước biệt thấp. Cùng đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh ở phía Bắc thường khô và lạnh, nên khả năng bão sẽ không mạnh khi vào gần bờ”.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, khoảng 3-4 ngày nữa, bão số 8 sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khiến hướng di chuyển, khu vực ảnh hưởng của cơn bão khó lường.
Theo nhận định của các đài dự báo quốc tế, bão số 8 được dự báo phạm vi ảnh hưởng rất rộng và cường độ mạnh. Đài của Nhật Bản cảnh báo phạm vi ảnh hưởng của bão số 8 từ kéo dài từ vùng Đông Bắc kéo dài đến đến Nam Trung Bộ. Các đài của Hồng Kông và của Mỹ cũng nhận định bão ảnh hưởng từ rộng đến rất rộng.
Còn cơ quan dự báo Việt Nam nhận định, từ Hoàng Sa vào đến bờ, trọng tâm hướng vào là Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ từ đêm 24 đến sáng 25/10. Tuy nhiên, để dự báo được chính xác hơn, ông Khiêm cho rằng, khi cơn bão cách bờ khoảng 250km, radar khí tượng sẽ quan sát được tốt hơn và từ đó, cơ quan khí tượng sẽ có nhận định sát hơn về cơn bão.
Một điểm khác về cơn bão số 8 mà ông Khiêm lưu ý, đó là các cơn bão thường sẽ gây mưa trước, trong và sau bão, nhưng cơn số 8 sẽ chỉ gây mưa trong thời gian bão vào, với lượng mưa 200-300 mm. Lượng mưa sẽ không nhiều và tập trung như đợt vừa rồi ở miền Trung.
Liên quan đến mưa lũ ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, ông Khiêm cho biết, đến ngày 21/10, mưa ở các tỉnh Bắc Trung bộ đã giảm rõ rệt. Lũ trên các sông đang xuống dân, chỉ còn lũ trên sông Kiến Giang ở Lệ Thuỷ (Quảng Bình) vẫn trên báo động 3.
Mưa hiện tại chỉ còn mưa rào cục bộ, chứ không còn mưa lớn tập trung như vừa rồi, và thường mưa vào đêm và sáng. Dẫu vậy, người dân vẫn cần lưu ý vấn đề sạt lở.
Tập trung ứng phó bão và khắc phục hậu quả mưa lũ
Trước khả năng bão số 8 gây mưa lớn tại các tỉnh miền Trung, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó mưa lũ theo 3 hướng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 8 và mưa lũ ở miền Trung.
Đối với khu vực ven biển, mặc dù bão còn cách khá xa, nhưng gió mạnh đã tác động đến khu vực trên biển. Do đó, các đơn vị có liên quan cần tập trung phối hợp kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú để bảo đảm an toàn. Các hoạt động kinh tế biển cũng phải bảo đảm, hạn chế thấp nhất những thiệt hại.
Đối với khu vực vùng núi, cần đặc biệt chú ý đến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Sườn Tây của khu vực miền Trung đã bão hòa nước. Do đó, toàn bộ các hoạt động kinh tế, phục hồi sau mưa lũ cần hết sức chú ý; chỉ cần một tác động nhỏ thì rất nguy hiểm.
Đối với vùng trũng, hiện nay tại các lưu vực sông tại miền Trung nước đang rút, hầu hết đã xuống báo động 2. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý khu vực huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình) và Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Đây là những khu vực mực nước còn cao và rút chậm.
Chính quyền các cấp và các ngành chức năng tập trung tổ chức cứu trợ người dân (lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết, chất đốt…), đặc biệt là tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Hàng cứu trợ phải được tập trung và do chính quyền phân bổ để đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.
Trước khả năng mưa lớn tiếp diễn tại các tỉnh miền Trung từ ngày 25 – 26/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phương tập trung rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho hồ đập. Sẵn sàng phương án di dân vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất…