Suy sụp, đau đớn trước cái chết thương tâm của chồng và em gái chưa vơi, bà Mạnh phải tiếp tục sống trong mệt mỏi vì những lời đồn đoán “anh rể ngoại tình với em vợ”.
Vậy nên khi nhận được kết luận của cơ quan điều tra về vụ án là “do tự sát, không có người liên quan thứ 3 nên không khởi tố vụ án”, người thân đã có đơn khiếu nại. Họ mong muốn cơ quan chức năng điều tra lại nguyên nhân mất mạng đầy bí ẩn của anh rể, em vợ.
Tròn 1 năm sau cái chết của chồng và em gái, ngôi nhà nhỏ, lụp xụp của bà Trần Thị Mạnh (SN 1957, ngụ thôn 7, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn luôn trong tình trạng khóa cửa.
Bà Mạnh cho hay, một phần bởi ám ảnh về cái chết thương tâm của người thân, phần vì chỉ còn một mình, nên bà quyết định đến sinh sống cùng vợ chồng con trai út tại căn nhà gần đó. Hàng ngày, bà đi bộ sang thắp nén nhang cho người chồng quá cố.
Nghi án bị sát hại, dựng hiện trường giả
Nhắc lại cái chết đầy bí ẩn của chồng và em gái, góa phụ với gương mặt tiều tụy, dáng người nhỏ thó bật khóc. Bà Mạnh cho biết, trước khi xảy ra vụ việc đau lòng đúng 5 ngày, bà vừa rời nhà vào miền Nam chăm cháu cho con trai.
Ngôi nhà nơi xảy ra vụ việc
Biết chồng mình là ông Nguyễn Văn Hoài (SN 1957) già yếu, hay đau ốm, lại bị bệnh run tay run chân nên bà Mạnh nhờ em gái là chị Trần Thị Thọ (SN 1966, ngụ xóm Linh Trung, xã Xuân Liên) để mắt đến anh.
Thu xếp xong công việc ở nhà, bà Mạnh yên tâm đi chăm cháu. Chưa đầy một tuần lễ sau, bà đột ngột nhận được hung tin chồng và em gái mình chết lõa thể trong nhà với nhiều vết chém, bầm trên người. “Tôi nghe tin mà không đứng vững nổi, hai tai ù ù. Cuộc điện thoại đó vẫn còn ám ảnh tôi cho đến hôm nay”, bà Mạnh nói.
Là người chứng kiến cảnh em trai, em dâu tử vong, ông Nguyễn Văn Loan (anh trai ông Hoài) thuật lại, khoảng 18h ngày 28/11/2015, khi đang ngồi xem phim thì bỗng thấy anh Trần Văn Linh (SN 1969, anh trai chị Thọ) chạy vào nhà hỏi thăm tin tức về chị Thọ vì cả ngày không liên lạc được.
Sau một hồi tìm kiếm, hai người đến nhà ông Hoài. “Khi tới nơi chúng tôi thấy cửa hé mở nhưng gọi không ai trả lời. Thấy nhà tối om, tôi mở cửa bước vào bật đèn lên thì giật mình chứng kiến cảnh tượng”, ông Loan thở dài.
Tại hiện trường, chị Thọ chết trong tư thế lõa thể. Thi thể nạn nhân nữ có nhiều vết chém, phần bụng bị dao cứa sâu, phía sau gáy có vết bầm tím, hai tay bị trói chặt ra sau. Cạnh đó, thi thể ông Hoài nằm nghiêng về một bên với nhiều vết bầm trên người.
Cách đó không xa là hai con dao, một to, một nhỏ. Cả hai nạn nhân này nằm ngang trên chiếc giường nhỏ ở góc nhà. Dưới nền nhà cách đó khoảng 2m là vết máu. Theo các nhân chứng, có thể ông Hoài và chị Thọ đã bị chết từ lâu vì khi được phát hiện, hai thi thể đã cứng đờ. Từ những dấu vết tại hiện trường, người thân nghi ngờ hai nạn nhân đã bị kẻ xấu giết, rồi tạo hiện trường giả.
Bà Mạnh: “Mong công an điều tra lại chứ như thế này thì ông ấy chết cũng không nhắm mắt nổi”
Vụ việc sau đó được công an tỉnh Hà Tĩnh điều tra. Hơn 4 tháng sau, gia đình bà Mạnh nhận được kết luận của cơ quan công an. Điều khiến gia đình này băn khoăn là bởi thông báo của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Tĩnh chỉ nêu ngắn gọn: “.. bà Trần Thị Thọ chết do có liên quan đến cái chết của ông Nguyễn Văn Hoài. Còn việc ông Hoài chết là do tự sát”. Kèm theo đó là quyết định không khởi tố vụ án.
Anh Nguyễn Mạnh Cường (SN 1992, con trai út của vợ chồng bà Mạnh) tỏ ý kiến không đồng ý trước kết luận của này. Anh Cường thắc mắc: “Thông báo mà gia đình tôi nhận được không có bất cứ lý giải vì sao, cũng như nguyên nhân dẫn đến cái chết của bố và dì. Nhiều điểm nghi vấn quanh hiện trường cũng chưa được làm rõ.
Hơn nữa, bố tôi là người hiền lành, sống hòa nhã với mọi người. Trước thời điểm xảy ra vụ án mạng không có bất cứ dấu hiệu gì khác lạ nên không thể có chuyện bố tôi tự tử được. Tại sao kết luận của công an lại không nêu rõ vì sao dì Thọ chết và bố tôi lại tự sát mà lại nói chung chung như vậy. Tôi không tin bố mình giết dì, tự sát”.
Sau đó, đại diện gia đình đã viết đơn khiếu nại lên cơ quan công an, mong được làm rõ những điểm nghi vấn trên. Thế nhưng, đến nay, theo lời bà Mạnh, họ chưa nhận được phản hồi nào từ cơ quan chức năng.
Suy sụp vì lời đồn thổi
Không những người thân mà một số bà con lối xóm cũng bất ngờ trước kết luận của cơ quan chức năng về vụ án. Một số người hoàn toàn ủng hộ quyết định làm đơn khiếu nại của gia đình bà Mạnh.
Bà Trần Thị Lan (người hàng xóm) cho rằng, ông Hoài là người hiền lành, đau yếu, nên chủ yếu quanh quẩn trong nhà, ít ra ngoài, không có mâu thuẫn gì với ai. “Chúng tôi không tin chuyện ông ấy có thể giết người rồi tự sát được”, bà Lan nhận định.
Riêng với bà Mạnh, từ sau ngày đại tang của gia đình, góa phụ ấy tâm sự luôn sống trong đau khổ, sầu muộn. Sức khỏe vốn đã yếu nên sau cú sốc, bà Mạnh càng gầy gò, khắc khổ hơn. Bà cho hay:
“Từ khi chồng mất, em gái chết trong đau đớn, tôi chẳng có tâm trí mà làm việc. Công việc buôn bán gà ở chợ cũng bỏ dở. Cứ mỗi lúc nhìn di ảnh ông ấy là tôi như người mất hồn. Tôi không tin ông ấy có đủ gan để giết dì Thọ, sau đó tự tử, bởi ông hiền lắm, một con kiến cũng không nỡ giết”.
Nỗi đau mất chồng, mất em gái cùng một lúc dường như là chưa đủ mà người phụ nữ này. Suốt 1 năm qua, bà Mạnh còn phải mang nhiều tai tiếng xấu, dư luận hoài nghi chồng ngoại tình với em vợ. Vẫn luôn tin tưởng chồng mình sẽ không bao giờ làm chuyện trái với luân thường đạo lý như vậy, nhưng kết luận của công an gửi về như tiếng sét đánh ngang tai với bà Mạnh.
“Dù người ta không nói trước mặt, nhưng tôi có nghe nhiều lời đồn đoán, ông nhà tôi có qua lại với em gái tôi, rồi xảy ra cơ sự trên. Đó là điều mà tôi cần phải thanh minh cho ông ấy. Làm vợ bao nhiêu năm, tôi hiểu tính ông ấy. Tôi hoàn toàn tin tưởng nhân cách của chồng”, bà Mạnh nói.
Quyết định không khởi tố vụ án
Bà Mạnh đưa thêm dẫn chứng: “Năm 1992, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, đói kém, ông ấy quyết định đi thắt ống dẫn tinh vì không muốn có con nữa. Một người như ông ấy thì không còn có ham muốn chuyện vợ chồng hay ngoại tình nữa. Vậy nên, tôi càng tin rằng, ông nhà tôi không thể có quan hệ bất chính với em vợ được”.
Cùng cảnh bà Mạnh, sau cái chết của vợ, anh Nguyễn Văn Bảy (chồng chị Thọ) cũng không đồng tình với kết luận của cơ quan công an. Từ khi vợ mất, người đàn ông ấy càng suy sụp hơn khi nghe dư luận bàn tán. “Tôi không tin vợ mình là người như vậy”, người chồng nói.
Trở lại với bà Mạnh, góa phụ kể, dù hai chị em lấy chồng khác xã, nhưng khoảng cách lại gần nhau. Cuộc sống hai gia đình khó khăn, vất vả như nhau. Cùng cảnh ngộ, lại là chị em ruột rà, nhiều năm nay hai chị em hùn vốn đi buôn gà.
Hàng ngày, chị em bà Mạnh đạp xe đi mua gà của các hộ dân trong làng, sau đó đem ra chợ bán. Mỗi chuyến chợ, cả hai chỉ thu lãi được khoản tiền nhỏ đủ mua thức ăn cho gia đình. Vì không biết làm nghề gì khác, họ động viên nhau chịu khó chạy chợ.
Suốt thời gian dài đi buôn, hai chị em ở ngoài chợ là chính, thi thoảng chị Thọ mới ghé qua nhà để lấy gà. Giữa ông Hoài và chị Thọ không có dấu hiệu gì khác thường. Về ông Hoài, tuy gia đình gặp nhiều khó khăn, bản thân lại đau ốm, sức khỏe yếu nhưng vẫn rất chăm chỉ làm ăn, sống vui vẻ với mọi người.
Hàng ngày, người đàn ông này chủ yếu làm công việc lặt vặt trong gia đình, thi thoảng dắt con trâu ra đồng. “Ông ấy hiền lắm, đến con kiến cũng không nỡ giết, con gà cũng không dám cắt tiết nói chi đến chuyện giết người. Mong công an điều tra lại chứ như thế này thì ông ấy chết cũng không nhắm mắt nổi, tôi cũng chẳng còn mặt mũi nào mà nhìn mọi người nữa”, bà Mạnh nói trong nước mắt.