EVN có 'ngụy biện' khi giải thích về cách tính giá điện 'bí hiểm'?

Ngày 28/04/2015 09:19 AM (GMT+7)

“Nguyên tắc của Bộ Công thương là không bao giờ thiên vị hay chỉ đảm bảo lợi ích của EVN…Việc tính toán giá điện đã được xem xét kỹ lưỡng vì đây là vấn đề nhạy cảm liên quan tới đời sống người dân".

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định như vậy trước câu hỏi của PV Infonet liên quan tới việc tính toán hóa đơn tiền điện tháng 4/2015 quá khó hiểu, bí hiểm với người dân.

Tháng đầu tiền điều chỉnh giá bán điện tăng thêm 7,5% bắt đầu từ ngày 16/3. Như Infonet đã phản ánh, nhận hóa đơn điện tháng 4 nhiều hộ gia đình đã hốt hoảng vì tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba so với tháng 3.

Cầm trên tay hóa đơn điện tháng 4 anh Lương (Cầu Giấy – Hà Nội) thoáng giật mình với mức tăng lên tới trên 400.000 đồng. “Tháng 4 hóa đơn điện nhà tôi trên 1,3 triệu đồng, trong khi tháng trước chỉ trên 900.000 đồng, tương ứng mức tăng khoảng 30%”, anh cho biết.

Nhưng điều khiến dân "sốc" không phải là mức chênh lệch quá lớn giữa hóa đơn tiền điện tháng 3 và tháng 4, mà ở chính cách tính giá điện khó hiểu giữa các bậc giá điện theo mức cũ - mới trên hóa đơn điện. Không ít người dân băn khoăn, cho rằng ngành điện đã thiếu minh bạch với cách tính này.

EVN có #039;ngụy biện#039; khi giải thích về cách tính giá điện #039;bí hiểm#039;? - 1

Nhìn vào "ma trận số" người dân không thể hiểu nổi cách tính giá của ngành điện ra sao

“Nhìn vào “ma trận” số trên tờ hóa đơn, thực sự với một người dân bình thường không hiểu cách tính giá như thế nào”- anh Lương than thở. Vị khách hàng này cũng đặt câu hỏi, “phải chăng cách tính giá bí hiểm khiến hóa đơn tiền điện tăng đột biến? Ngành điện lại một lần nữa đẩy khó khăn, phần thiệt để người tiêu dùng phải gánh?”.

Còn ông Đình Thục (Bồ Đề - Long Biên – Hà Nội) thì nói thẳng, “EVN Hà Nội đã rất bất nhất hay tùy tiện tính giá điện cho dân, gian dối miễn sao họ có lợi. Người dân sẵn sàng ủng hộ chủ trương việc tăng giá tiền điện sao cho đủ để bù đắp các chi phí của ngành điện và nhà nước. Nhưng cần phải kinh doanh phục vụ dân sao cho minh bạch…”.

Trước phản ánh của người dân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, nguyên tắc của Bộ Công thương không bao giờ thiên vị hoặc chỉ đảm bảo lợi ích, lợi nhuận của doanh nghiệp (DN), hay EVN. Việc tính toán tăng giá điện 7,5% đã được tính toán kỹ lưỡng, có sự phê duyệt của Chính phủ và sự đồng thuận từ các bộ, ngành, vì đây là vấn đề nhạy cảm có liên quan đến đời sống của người dân.  

Giải thích cụ thể hơn về cách tính giá điện tháng 4/2015, ông Đinh Thế Phúc – Cục phó Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, việc tính toán này được thực hiện theo phương pháp tính nội suy, đã được quy định tại mục 7, Điều 10, Thông tư 16 của Bộ Công thương dựa trên các chỉ số: Lượng điện thực tế khách hàng sử dụng trong kỳ ghi chỉ số; Số ngày sử dụng điện thực tế (số ngày giữa 2 kỳ ghi chỉ số, số ngày áp dụng giá cũ, số ngày áp dụng giá mới); Mức sử dụng điện của từng bậc tính theo số ngày thực tế giữa 2 kỳ ghi chỉ số.

“Do hiện có 18 triệu khách hàng dùng điện sinh hoạt nên ngành điện không đủ nhân lực để có thể đi chốt chỉ số công tơ tại cùng 1 thời điểm điều chỉnh giá bán (ngày 16/3), vì thế buộc phải dùng tới phương pháp tính này. Cục Điều tiết Điện lực đã yêu cầu EVN đăng tải cách tính toán trên trang webite của tập đoàn và các tổng công ty điện lực” – ông Phúc nói.

Để minh họa, vị Cục phó Cục Điều tiết Điện lực đưa ra ví dụ, với sản lượng điện tiêu thụ của 1 hộ gia đình trong tháng 4 là 500 kWh, ngày đầu kỳ ghi chỉ số hóa đơn là 10/3 và ngày cuối kỳ chốt hóa đơn là 10/4. Như vậy, sẽ có 5  ngày tính giá điện cũ (từ ngày 10/3 đến 16/3) và 26 ngày tính giá điện mới (từ ngày 17/3 đến 10/4). Sản lượng điện tính theo giá cũ/mới được tính theo công thức: (tổng sản lượng điện/31 ngày) x ngày dùng theo giá cũ/mới.

Biểu giá điện cũ/mới có 6 bậc thang thì cũng phải chia ra theo 6 bậc với những ngày sử dụng giá điện cũ và mới. Bản thân 50 kWh điện đầu tiên tính giá bậc thang 1 phải chia ra cho 5 ngày giá cũ và 26 ngày giá mới. Lần lượt các bậc thang tiếp theo cũng được tính như vậy. Khi cộng lại hai định mức (cũ và mới) sẽ ra đúng bằng định mức từng bậc lần lượt, bậc 1 là 50kWh, bậc 2 cũng 50kWh, và bậc 3, 4,5 lần lượt 100kWh.

Nghĩa là, giả sử trong 5 ngày sử dụng giá điện cũ sản lượng dùng điện của 1 hộ gia đình là 45 kWh thì sẽ chịu giá của 3 bậc thang, chứ không phải chỉ 1 bậc thang (dưới 50 kWh) như cách hiểu của người dân. “Vì thế, biểu giá hóa đơn điện tháng 4 có cách tính dài gấp đôi so với bình thường và có những con số lặp lại”- ông Phúc nói.

Về phản ánh hóa đơn điện hóa đơn tiền tháng 4 tăng gấp đôi, gấp 3 so với tháng trước, ông Đinh Thế Phúc nói: “Số ngày nắng nóng trong tháng 4 nhiều, do là nhu cầu thiết yếu nên vào những ngày nắng nóng dùng điều hòa, tủ lạnh cũng nhiều hơn. Cộng hưởng với việc điều chỉnh giá điện tăng 7,5% nên hóa đơn điện cũng tăng hơn so với tháng trước”.

Cũng trao đổi với Infonet về cách tính giá điện tháng 4, bà Tô Lan Phương – Phó trưởng phòng kinh doanh Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho rằng, “vấn đề là người dân chưa hiểu phương pháp tính giá nội suy phải tính ra ngày giá cũ và ngày giá mới trên cơ sở 1 định mức bậc thang trong 1 tháng, chứ ngành điện không có gì khuất tất”.

“Ngành điện không sai về mặt pháp lý. Về tính toán thì việc hóa đơn tiền điện tăng đột biến trong tháng 4 vừa rồi thì phải xem khách hàng đó có sử dụng điện năng nhiều hơn không, có tăng thêm thiết bị không... Ở bậc thang cao tỷ lệ tăng giá cao hơn nên người dân sẽ “cảm thấy” mức tăng giá là nhiều hơn” – bà Phương nói.

Tuy nhiên, TS. Ngô Trí Long – chuyên gia về giá cả, lại nhìn nhận, dù với cách giải thích nào thì với một người dân bình thường, rõ ràng cách tính tiền điện tháng 4 của ngành điện là đang “đánh đố người dân”. Vị chuyên gia này cho biết, tháng vừa rồi hóa đơn điện nhà mình cũng bị phụ trội tăng gần 40% so với tháng trước, khi người nhà ông thấy hóa đơn tiền điện tăng cao hỏi nhân viên thu tiền điện họ cũng ú ớ không biết trả lời thế nào cho thỏa đáng.

“Ngay chính nhân viên ngành điện còn không giải thích được thỏa đáng cho dân, thì thử hỏi khi đưa ra công thức tính rối rắm như vậy người dân bình thường có hiểu được không?”- ông đặt vấn đề khi chia sẻ với Infonet.

Việc ngành điện nói không đủ nhân lực để “chốt” chỉ số công tơ vào cùng 1 thời điểm cũng khiến vị chuyên gia này nhắc tới câu chuyện năng suất lao động yếu kém của ngành điện. EVN có hàng chục ngàn lao động chỉ làm công việc “đọc số, thu tiền”, rồi hàng trăm tỷ đồng ngành điện “đổ” vào đầu tư ngoài ngành, dẫn tới thua lỗ, rồi giờ bắt dân phải gánh.

“Mọi cách tính tôi cho rằng đều ngụy biện. Điện là ngành độc quyền, họ nói sao, tính sao dân phải chịu. Lâu nay đây đã là “căn bệnh” của ngành điện rồi” – ông Long thở dài.

Theo Trường Giang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự