Đại diện EVN Hà Nội khẳng định, toàn bộ hộ gia đình khiếu nại về hóa đơn tiền điện đều có mức tiêu thụ điện cao. Người dân nên cùng nhân viên điện lực kiểm tra công tơ điện hằng tháng.
"Không có sai sót trong cách tính giá điện"
Buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 7/7 trở nên “nóng” với hàng loạt chất vấn về giá điện trong tháng qua. Câu hỏi đặt ra là tại sao trong tháng 6, 200 trong số 300 công tơ ở Sóc Sơn, Hà Nội bị ghi thiếu tiền điện, trong khi đó trong nội thành, nhiều hộ gia đình phải trả tới gấp đôi, thậm chí gấp ba so với tháng trước.
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), cho biết, sự việc ở Sóc Sơn là do hai công nhân ghi sai số lượng điện tiêu thụ của người dân. Công ty đã hủy hóa đơn, làm việc lại với người dân. Hai công nhân này đã bị kiểm điểm và cho thôi việc.
Về việc hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình trong nội thành tăng gấp 2, 3 lần so với tháng trước, ông Trung khẳng định toàn bộ hộ gia đình khiếu nại đều có mức tiêu thụ cao. EVN Hà Nội đã cử người xuống kiểm tra và kết luận không có sai sót về chỉ số công tơ hay cách tính giá điện.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì cuộc họp báo chiều nay 7/7
Theo lý giải của Bộ Công Thương, thời gian qua, Hà Nội có nhiều đợt nắng nóng kéo dài, có lúc nhiệt độ tăng trên 43 độ C. Tỷ lệ bê tông hóa cao dẫn đến độ hấp thụ nhiệt độ cao, làm không khí nóng đến tận đêm vẫn duy trì ở mức 30 độ C. Khi nhiệt độ chênh lệch giữa trong nhà và ngoài trời cao, các thiết bị luôn hoạt động với công suất tối đa, ít ngắt điện hơn trong thời gian sử dụng. Vì thế lượng điện năng tiêu thụ cao hơn dù thời gian sử dụng không thay đổi.
32,5 triệu kWh là sản lượng điện tiêu thụ trung bình mỗi ngày trong 6 tháng đầu năm 2014, theo số liệu của Bộ Công Thương. Sản lượng này tăng 8,13% so với năm ngoái. Trong đó, riêng tháng 6/2014, sản lượng trung bình là 42,7 triệu kWh. Đặc biệt, tại Hà Nội ngày 23/5, sản lượng điện tiêu thụ lên tới 52,2 triệu kWh, tăng 64,7% so với sản lượng điện tiêu thụ trung bình ngày của tháng 4.
Trong cuộc họp, nhiều ý kiến đề xuất có một cơ quan độc lập ghi hóa đơn tiền điện. Hiện người dân khó có thể trực tiếp kiểm tra công tơ điện vì công tơ được treo trên cao trong khi không rõ thời điểm nhân viên điện lực ghi hóa đơn.
Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Đinh Thế Phúc cho biết, các công ty điện lực công khai thông báo ngày ghi chỉ số điện hằng tháng để người dân có thể cùng xem. Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng đề nghị khách hàng truy cập trang evnhanoi.com.vn để kiểm tra thông tin giá điện, lượng điện tiêu thụ trong gia đình tại chuyên mục EVNHANOI & khách hàng.
Đồng ý tăng thuế thuốc lá
Nạn buôn lậu thuốc lá tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2014. Đặc biệt, nạn buôn lậu từ khu vực Tây Nam đã chuyển sang tăng mạnh ở miền Bắc. Lượng thuốc lá sản xuất trong nước giảm 12,8% và thuốc lá lậu tăng với tỷ lệ tương ứng để đáp ứng nhu cầu người tiêu thụ. Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, Chủ tịch Công ty Thuốc lá Việt Nam, khẳng định thông tin trên.
Theo ông Cường, từ khi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá bắt đầu có hiệu lực đầu năm 2014, các bao thuốc phải in hình cảnh báo. Người tiêu dùng có tâm lý thích hút thuốc không có hình cảnh báo. Hai bao thuốc chất lượng như nhau nhưng họ vẫn chấp nhận giá gấp đôi, thậm chí gấp ba để mua bao không in hình cảnh báo. Và lượng tiêu thụ thuốc lá nhập lậu tăng khi không có hình cảnh báo trong khi thuốc lá sản xuất trong nước phải in hình. Trước đây, lượng buôn lậu chủ yếu ở biên giới Tây Nam, giờ đã tràn ra Bắc.
Ông Cường đồng tình với Bộ Tài chính và Bộ Y tế đề xuất tăng thuế đặc biệt đối với thuốc lá từ 65% tới 75% và tăng tới 80% trong năm 2018 vì nếu thuốc lá đắt lên, người tiêu dùng sẽ giảm đi và cũng tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
“Tuy nhiên, lộ trình tăng cần cân nhắc, cần tính toán. Khi chưa kiểm soát được buôn lậu thuốc lá mà tiếp tục tăng thuế thì buôn lậu sẽ đạt siêu lợi nhuận. Nếu tiếp tục tăng, lợi nhuận buôn lậu tăng nữa, càng kích thích buôn lậu thuốc lá”, ông Cường nói.
EVN Hà Nội đề nghị khách hàng: - Rút phích cắm điện ra khỏi ổ điện khi không sử dụng thiết bị. - Hạn chế sử dụng các thiết bị cùng lúc vào giờ cao điểm (sang từ 9h30- 11h30; chiều từ 17h – 20h). - Điều hòa là thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng nhất. Cứ giảm 1 độ C của điều hòa thì sản lượng điện tiêu thụ sẽ tăng 3%. Vì vậy, ban ngày nên chỉnh điều hòa từ 25 độ C trở lên, ban đêm từ 27 – 28 độ C. Cần vệ sinh tấm lọc bụi của điều hòa 3 tháng 1 lần, bảo dưỡng định kỳ 1 năm 1 lần. |