Chỉ vì không giống bố, đứa trẻ phải sống trong “địa ngục trần gian” gần 20 năm

Ngày 04/09/2018 00:08 AM (GMT+7)

Từ lúc Hùng sinh ra, cuộc sống của gia đình luôn trong trạng thái căng thẳng chỉ vì bề ngoài anh không có nét nào của bố, còn người anh trai lại giống bố như đúc.

Trong những ca từng đến xét nghiệm ADN tại Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền, bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc trung tâm nhớ như in về trường hợp của 2 anh em Minh và Hùng (Đống Đa, Hà Nội). Chỉ vì bề ngoài Hùng khác biệt so với bố và anh trai, nên từ lúc Hùng sinh ra bố mẹ anh luôn căng thẳng, không khí gia đình chẳng khác nào “địa ngục trần gian”.

Chỉ vì không giống bố, đứa trẻ phải sống trong “địa ngục trần gian” gần 20 năm - 1

Con không giống bố khiến gia đình trở nên mâu thuẫn. Ảnh minh họa

Bà Nga kể, cách đây khoảng 3 năm, có hai người con trai đưa nhau đến trung tâm của bà và yêu cầu xét nghiệm ADN để xác định có phải là anh em ruột cuả nhau. Nhìn bề ngoài, bà để ý thấy hai người có vẻ khác biệt: Minh thì da ngăm, dáng người cao to, còn Hùng lại da trắng, dáng người vừa phải nên bà tò mò về câu chuyện phía sau.

Bà chủ động hỏi chuyện, chần chừ một lúc hai anh em đồng ý kể rõ sự tình. Hùng nói rằng, đã gần 20 năm, gia đình anh không có lấy một ngày yên bình đúng nghĩa. Nguyên nhân là do từ lúc sinh ra, Hùng đã không giống bố, trong khi Minh (anh trai Hùng) lại giống bố như đúc.

Thêm vào đó, thời điểm trước khi Hùng ra đời, mẹ anh từng bị mọi người đồn đoán cho rằng có quan hệ bất chính với người đàn ông khác, vì lẽ đó, bố Hùng luôn không công nhận anh là con đẻ của ông.

Chỉ vì không giống bố, đứa trẻ phải sống trong “địa ngục trần gian” gần 20 năm - 2

Gần 20 năm chứng kiến những trận tranh cãi nảy lửa của bố mẹ, anh em Hùng quyết định đi tìm câu trả lời. Ảnh minh họa

Ông luôn nghĩ rằng mẹ anh đã phản bội ông, bức xúc nên ông không tiếc thốt ra những lời mỉa mai cay độc, xúc phạm nhân cách của vợ. Còn mẹ anh thì la lối om xòm, kêu oan… Bà chì chiết ông, cho ông là nhỏ nhen, hẹp hòi và cố chấp rồi lại đến những khoảng im lặng đáng sợ. Sự im lặng đó là để chuẩn bị cho những trận khẩu chiến nảy lửa tiếp theo chứ không phải làm hòa.

Quá mệt mỏi khi ngần ấy năm phải chứng kiến cảnh tượng trên, anh em Hùng luôn thầm nghĩ: “Sao hai người không bỏ quách nhau đi. Sống với nhau mà suốt ngày hành hạ nhau như thế sao gọi là sống được”.

Hùng nói rằng đã không biết bao nhiêu lần anh về trước cổng nhà nghe ngóng rồi lại quay xe phóng đi mà không biết đi đâu, thậm chí nhiều lúc anh còn muốn bỏ nhà đi. Nhưng vì mẹ yêu thương anh và dành sự kỳ vọng về anh quá nhiều. Còn bố anh, tuy không coi anh là con ruột nhưng không hề ghét bỏ, vẫn bố, vẫn con, vẫn tỉ tê tâm sự nên anh lại không nỡ.

Hùng thương bố mẹ, bố mẹ cũng thương anh nhưng vì họ chẳng thương nhau nên làm khổ tất cả. Nhiều người trong họ hàng khuyên bố đưa Hùng đi xét nghiệm ADN nhưng bố anh không chịu đi, mẹ anh cũng không muốn làm chuyện đó.

Chỉ vì không giống bố, đứa trẻ phải sống trong “địa ngục trần gian” gần 20 năm - 3

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc trung tâm xét nghiệm ADN kể lại sự việc

Cho tới một ngày, mẹ Hùng đến cơ quan của bố anh làm tanh bành lên ở đó, về nhà bà lại ngồi trong bếp khóc. Thương mẹ, thương bố nên anh em Hùng bàn bạc với nhau nghĩ cách để giúp bố mẹ.

Vì Minh giống bố như đúc, bố cũng công nhận anh nên Minh đề xuất 2 anh em đi xét nghiệm ADN. Trước khi đi, Minh và Hùng cũng đã suy nghĩ đưa ra phương án 2 trường hợp có thể xảy ra, nếu cả hai là anh em thì sẽ đưa kết quả xét nghiệm ADN cho bố để minh oan cho mẹ, sau đó nói chuyện để bố chủ động hòa giải. Ngược lại, nếu không phải là anh em thì sẽ đưa kết quả riêng cho mẹ, để bà thôi la lối om sòm nhưng những năm qua.

Ngày nhận kết quả xét nghiệm từ tay bà Nga, hai anh em Minh và Hùng mừng đến rơi nước mắt – hai người là anh em ruột. “Vậy là từ nay, gia đình họ sẽ trở nên êm thấm. Minh và Hùng sẽ không còn là nạn nhân trong những cuộc khẩu chiến của bố và mẹ nữa. Hùng cũng không phải lo lắng về gốc gác của mình, anh có thể tập trung ôn thi lại đại học và thực hiện ước mơ của bản thân”, bà Nga nói.

Con không giống bố, mẹ là chuyện bình thường

Bà Nga cho biết trường hợp Hùng chỉ là một trong những ca xét nghiệm của những người có vẻ ngoài không giống bố, mẹ. Bà giải thích, nếu mang gen lặn con sẽ không giống bố, mẹ là điều bình thường. Nhưng nếu không xét nghiệm ADN thì rất dễ xảy ra đổ vỡ gia đình khi mà chồng nghi ngờ vợ ngoại tình, hoặc bố mẹ nghĩ rằng đã bị nhầm con.

Các nhà khoa học đã chứng minh, mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều bằng sự kết hợp “công bằng” một nửa gen từ bố và một nửa từ mẹ, nên đều mang trong mình những nét của cả bố và mẹ, xét cả về ngoại hình lẫn tính cách. Tuy nhiên, do sự sắp xếp ngẫu nhiên của các gen di truyền mà những nét này ít hay nhiều, giống hoàn toàn hay giống một phần.

Vì thế nên có những đứa trẻ là kết tinh của những nét đẹp nhất của bố mẹ, có những đứa trẻ lại mang những nét không đẹp nhất của bố mẹ, có đứa lại chỉ giống bố, có đứa lại là “khuôn đúc lại” của mẹ.

Và cũng không ít đứa trẻ lại giống với người cách nó một thế hệ như ông, bà... hoặc giống cô, dì, chú, bác, cậu ruột. Bên cạnh đó, có những đứa trẻ lại mang gen “lặn” về hình thức với bố mẹ, không giống bất kỳ ai, kể cả là ông bà, cô, dì, chú, bác, cậu ruột.

Trao nhầm con: Tờ giấy ADN lạnh lùng và những cuộc hội ngộ tréo ngoe
Có người mẹ, mất đến 42 năm mới tìm được con đẻ. Nhưng đó vẫn còn là hạnh phúc khi so với người đến giờ vẫn không biết con mình đang ở đâu…
Minh Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h