“Trong lúc chúng tôi ai cũng phải gồng mình lên gấp 2 gấp 3 lần bình thường để chống dịch thì lại xuất hiện những thành phần phá hoại khiến chúng tôi quá mệt mỏi, quá kiệt sức”, BS Nguyễn Trung Cấp nói.
Việt Nam chính thức công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên là hai bố con người Trung Quốc được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM vào ngày 23/1 (29 Tết).
“Chúng tôi ai cũng phải gồng mình lên gấp 2 gấp 3 lần”
Ngay lập tức, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới Trung ương hiểu rằng mình và các đồng nghiệp phải đứng đầu chiến tuyến để chống lại “giặc” Covid -19. Ông đã xách va li và ở lại bệnh viện từ 29 Tết cho đến nay. Tất cả cùng chiến đấu vì sức khỏe người bệnh.
BS Cấp cho biết, nhân viên y tế Khoa Cấp cứu ai cũng phải gồng mình gấp 2 gấp 3 lần
Chia sẻ với PV sau 30 ngày chống “giặc” Covid-19, BS Cấp nói: “Thời gian qua có quá nhiều công việc khiến chúng tôi phải xử lý”.
Trong khi loại bệnh truyền nhiễm này vẫn còn lạ lẫm với cả thế giới thì toàn bệnh viện đã chuẩn bị về hạ tầng, cơ sở vật chất, con người, thực hành đào tạo, hỗ trợ tuyến dưới, chuẩn bị cho các kịch bản quá tải bệnh nhân, chuẩn bị sẵn chỗ ăn ở cho người cách ly, cho nhân viên y tế.
Thậm chí, trước Tết khoảng 2 tuần, khi Trung Quốc thông báo về một căn nguyên viêm phổi mới ở Vũ Hán, BS Cấp đã theo dõi sát các thông tin về diễn biến dịch bệnh và báo cáo tại các cuộc họp giao ban hàng ngày và tập trung tìm hiểu các nghiên cứu về dịch bệnh mới này để tìm cách ứng phó bởi dịch bệnh có thể bùng phát bất kỳ lúc nào.
Ông kể: “Trong những lúc hối hả như vậy, nhưng tôi và các đồng nghiệp vẫn liên tục bị làm phiền. Mấy ngày đầu tôi quá tải vì một số người gọi lên đường dây nóng để trêu chọc. Chỉ từng ấy thời gian nhưng quá đủ thời gian để các bác sĩ của chúng tôi kiệt sức”.
Không những thế, dịch đến vào đúng thời điểm Tết Nguyên đán, hầu như các nơi đều nghỉ Tết nên những ngày đầu cơ sở vật chất của bệnh viện không đủ.
“Chúng tôi phải xoay xở, vay mượn khắp nơi. Tối ngày mùng 3 Tết, cả khoa chỉ còn 20 cái khẩu trang N95, chỉ còn đủ dùng cho một ngày. Các công ty nghỉ, kho không có người mở. Lúc ấy, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hỗ trợ 30 cái, đủ để trang bị cho cán bộ y tế trong hai ngày. Rất may sau đó người giữ kho đến. Tối mùng 4 Tết, chúng tôi mới nhận được vài trăm cái khẩu trang cho nhân viên y tế đeo để dự phòng”, người bác sĩ nơi “đầu chiến tuyến” chia sẻ.
Chưa hết, có một số đối tượng còn có hành vi phá hoại, vào bệnh viện quấy rối, trêu chọc, hạch sách các bác sĩ đang làm nhiệm vụ chống dịch.
“Trong lúc chúng tôi ai cũng phải gồng mình lên gấp 2 gấp 3 lần bình thường để chống dịch thì lại xuất hiện những thành phần phá hoại. Không những thế, chúng tôi còn phải đi xử lý quá nhiều fake news (tin giả). Lúc đó, chúng tôi quá mệt mỏi, chúng tôi quá kiệt sức”, bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân mắc Covid -19 nói.
Khi được hỏi “ông có ngại bị lây nhiễm không?”, BS Cấp bộc bạch: Bác sĩ là đối tượng dễ bị lây nhiễm. Chẳng có thầy thuốc nào không lo ngại điều đó. Dù về mặt biện pháp bảo vệ ai cũng biết, nhưng nếu ở cường độ vừa phải, mọi người sẽ có thể tuân thủ việc tự bảo vệ bản thân. Tuy vậy, tại Vũ Hán, khi bị quá tải, các bác sĩ kiệt sức vì mệt mỏi sẽ không thể tuân thủ hết các bước an toàn. Chẳng hạn: Chi tiết nhỏ nhất là cởi bỏ cái găng tay cũng phải tuân thủ quy trình của Tổ chức Y tế thế giới ban hành nếu không nhân viên y tế cũng rất dễ lây bệnh.
“Thầy thuốc mà không an toàn thì cả thầy thuốc và bệnh nhân đều chết. Vì thế, các kỹ năng để đảm bảo an toàn cho thầy thuốc cũng như tránh lây truyền chéo giữa bệnh nhân sang nhân viên y tế hay giữa bệnh nhân với nhau là điều cực kỳ quan trọng”, BS Cấp chia sẻ.
Quan trọng nhất của chống dịch là đừng để dịch vào Việt Nam
Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới Trung ương khẳng định, hệ thống y tế dự phòng và hệ thống điều trị là hai hệ thống đã phối hợp với nhau rất tốt.
Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nói: “Trong cuộc chống dịch Covid-19, điều trị chỉ là một việc rất nhỏ. Quan trọng nhất của chống dịch là đừng để dịch vào Việt Nam. Nếu vào thì đừng để lan quá rộng. Chúng tôi chỉ gánh vác việc thứ 3 là chẳng may có ai mắc thì cố gắng giúp họ hồi phục”.
Bệnh viện bố trí ba vòng chăm sóc người bệnh. Vòng trong cùng là người trực tiếp tiếp xúc với người bệnh tại buồng cách ly; một vòng đưa đồ dùng, phục vụ các bữa ăn cho người bệnh và vòng ngoài làm hậu cần. Các điều dưỡng chia bốn tua trực, mỗi tua có ba người và có một người được phân công chăm sóc ở vòng trong cùng cho người bệnh.
Thật may mắn bệnh nhân rất tuân thủ điều trị và phối hợp tốt với các y, bác sĩ. Hằng ngày, các bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc vòng trong cùng sẽ gặp gỡ bệnh nhân, trao đổi về tình trạng bệnh, giúp họ hiểu hơn về sự tiến triển trong sức khỏe cũng như động viên tinh thần người bệnh.
Đến nay, 15 bệnh nhân mắc Covid-19 đã ra viện. BS Cấp cho rằng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt nhất và đáp ứng nhanh chóng nhất với dịch Covid-19, nhờ đó Việt Nam đã có được những tín hiệu vui trong việc phòng chống dịch.
“Hiện nay, công tác dự phòng đang làm rất tốt, số ca mắc Covid-19 ít, nên bảo đảm điều trị tối đa. Nếu để lây lan, dịch bùng phát, bệnh nhân lên con số hàng nghìn, chắc chắn chúng tôi sẽ kiệt sức, chắc không thể tốt được”, BS Cấp chia sẻ.
Sau những tín hiệu vui từ dịch Covid-19 tại Việt Nam, BS Cấp khẳng định, hệ thống y tế dự phòng và hệ thống điều trị là hai hệ thống đã phối hợp với nhau rất tốt.
“Hệ thống dự phòng đã cùng chúng tôi vận hành quy trình đón bệnh nhân trơn tru và an toàn. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy các bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã làm rất tốt công việc phân loại, cách ly và điều trị các ca nghi nhiễm“, BS Cấp khẳng định.