Vụ án chai nước có ruồi với bản án sơ thẩm 7 năm tù cho anh Võ Văn Minh (Cái Bè, Tiền Giang) khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Vấn đề đặt ra là khách hàng khi gặp trường hợp sản phẩm lỗi của nhà sản xuất cần phải ứng xử thế nào để đúng pháp luật?
Mới đây, chiều 18.12 - sau hai ngày xét xử, TAND tỉnh Tiền Giang đã tuyên phạt bị cáo Võ Văn Minh 7 năm tù về hành vi "cưỡng đoạt tài sản".
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 15h30 ngày 27.1, tại một quán cà phê thuộc huyện Cái Bè (Tiền Giang), các trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an tỉnh Tiền Giang đã bắt quả tang Võ Văn Minh (bán quán cơm tại huyện Cái Bè, Tiền Giang) đang nhận 500 triệu đồng của Công ty Tân Hiệp Phát.
Trước đó, phát hiện chai nước Number One của Công ty Tân Hiệp Phát có ruồi bên trong, Minh đã nhiều lần thương lượng với đại diện của Tân Hiệp Phát để đổi chai nước lấy 500 triệu đồng. Công ty này đồng ý với đề nghị của Minh, nhưng lại ngầm báo công an bắt ông này khi giao tiền.
Nói về vụ án này, luật sư (LS) Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, trong vụ án chai nước có ruồi của anh Võ Văn Minh, sẽ không có yếu tố hình sự nếu thỏa thuận của hai bên (anh Minh và Công ty Tân Hiệp Phát) là sự tự nguyện, không có sự ép buộc, đe dọa nào. "Không phải là 500 triệu đồng hay bao nhiêu tiền để nhà sản xuất lấy lại sản phẩm bị lỗi từ phía khách hàng. Vấn đề là trong giao dịch giữa hai bên có được trên cơ sở tự nguyện, không bị ép buộc, không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Giao dịch dân sự như vậy mới có hiệu lực" - LS Dũng cho biết.
Cũng theo LS Dũng, trong vụ án chai nước có ruồi, các cơ quan tố tụng xử lý hình sự với anh Võ Văn Minh theo như thông tin báo chí tường thuật phiên tòa la do anh này đã có hành vi đe dọa để dẫn tới việc nhà sản xuất phải bỏ 500 triệu đồng đổi chai nước có ruồi.
Bị cáo Nguyễn Văn Minh tại tòa
Theo LS Trịnh Anh Dũng, trường hợp khách hàng gặp sản phẩm bị lỗi của nhà sản xuất cần có cách ứng xử đúng pháp luật, chứ không nên lợi dụng việc đó để trục lợi đòi hỏi nhà sản xuất thế này, thế kia, như vậy sẽ vi phạm pháp luật dẫn đến hậu quả pháp lý khó lường cho bản thân.
Theo LS Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), khi khách hàng mua phải sản phẩm bị lỗi của nhà sản xuất, khách hàng có quyền thông tin cho báo chí, cho Hội bảo vệ người tiêu dùng và các cơ quan chức năng để giải quyết, làm cho nhà sản xuất có trách nhiệm hơn hơn là một cách giải quyết. Cách nữa, khách hàng có quyền báo cho nhà sản xuất và yêu cầu bồi thường thiệt hại do lỗi của sản phẩm. Tuy nhiên việc yêu cầu bồi thường phải chứng minh được thiệt hại, nếu nhà sản xuất không giải quyết có thể kiện ra tòa.
"Trường hợp khách hàng báo cho nhà sản xuất một sản phẩm bị lỗi, phía nhà sản xuất chủ động đưa ra giá đền bù, khách hàng nhận khoản đền bù đó không có gì vi phạm. Trường hợp khách hàng đòi bằng này tiền, bằng kia tiền nhà sản xuất không chịu, sau đó khách hàng đe dọa nhà sản xuất để họ phải thực hiện một giao dịch không đúng mong muốn, như thế là khách hàng đã vi phạm pháp luật, dấu hiệu của hành vi cưỡng ép" - LS Thanh nêu quan điểm.
Trước khi vụ chai nước có ruồi xảy ra, cũng từng có một trường hợp sản phẩm của Công ty Tân Hiệp Phát lỗi và khách hàng đòi công ty này phải bồi thường thiệt hại. Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Thu Hà (ở Biên Hòa, Đồng Nai).
Vào tháng 3.2009, quán Thác Vàng của bà Hà đang kinh doanh ăn uống bình thường thì khách phát hiện chai nước tăng lực Number One còn đậy nắp có ống hút bên trong. Tiếp đó bà Hà còn chứng kiến tại quán mình có bốn chai sữa đậu nành Soya hiệu Number One còn thời hạn sử dụng, còn đậy nắp nhưng dưới đáy có cặn. Sau khi báo cho đại diện Công ty Tân Hiệp Phát nhưng không được giải quyết thỏa đáng, bà Hà đã tố cáo vụ việc.
Sau đó, hai bên đã thỏa thuận với nhau, đại diện phía Công ty Tân Hiện Phát đã đồng ý hỗ trợ bà Hà 49 triệu đồng. Vào cuối năm 2011, khi bà Hà đang nhận tiền từ phía đại diện Công ty thì bị lực lượng công an bắt giữ, cùng 49 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó, căn cứ trên những giấy tờ, tài liệu thể hiện, việc thỏa thuận giữa hai bên chỉ là giao dịch dân sự nên cơ quan công an đã trả tự do cho bà Hà và không khởi tố vụ án.
Ngày 18.12, TAND tỉnh Tiền Giang đã xét xử tuyên Võ Văn Minh (ở xã An Cư, huyện Cái Bè) 7 năm tù vì tội Cưỡng đoạt tài sản. Theo cáo trạng ngày 3.12.2014, Võ Văn Minh phát hiện một con ruồi bên trong chai nước ngọt nhãn hiệu Number 1 (một sản phẩm của công ty Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát). Sau đó bị cáo Minh đã dùng chai nước để đe dọa, yêu cầu Tân Hiệp Phát giao cho một tỷ đồng, sau hai bên thương lượng hạ xuống 500 triệu. Đến ngày 27.1.2015, khi Tân Hiệp Phát đang giao tiền cho Võ Văn Minh thì công an Tiền Giang ập đến bắt quả tang. |