Là người phụ nữ duy nhất trong số 12 người “mắc kẹt” trong hầm Thủy điện Đạ Dâng năm 2014...
Là người phụ nữ duy nhất trong số 12 người “mắc kẹt” trong hầm Thủy điện Đạ Dâng năm 2014, chị Đặng Thị Hồng Ngọc (SN1988, trú xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An) vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc sinh tử bị mắc kẹt 82 giờ trong hầm thủy điện.
Sau hai năm trở về với gia đình, hiện chị Ngọc làm việc tại Công ty CP Venture Nghệ An
82 giờ giành giật sự sống
Sau gần hai năm xảy ra vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo, thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi có dịp gặp lại chị Ngọc, người phụ nữ duy nhất trong số 12 người bị mắc kẹt trong hầm thủy điện.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Ngọc vẫn nhớ như in ngày định mệnh 16/12/2014, sau khi chuẩn bị sẵn mọi thứ để làm cơm trưa cho anh em công nhân. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, chị vào thăm người anh chồng và đứa cháu đang làm công nhân thi công hầm.
Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra lúc 7h sáng 16/12/2014 khi các công nhân đang thi công trong đường hầm thì bất ngờ hầm bị sập, 12 người không thoát ra kịp. Theo đơn vị thi công (Công ty Cổ phần Sông Đà 505), công trình thủy điện này được khởi công cách đây 11 năm và qua nhiều lần thay đổi chủ. Đây là hệ thống thủy điện liên hoàn, trong đó Thủy điện Đạ Dâng công suất 14MW và Đạ Chomo công suất 19MW. Theo thiết kế, đường hầm dẫn nước (tuyến năng lượng) này có chiều cao và rộng 4,7m, dài gần 712m, khi thi công đến 600m thì xảy ra sự cố sập hầm. |
Chị Ngọc kể, ngày đó chị chỉ là công nhân thời vụ của Công ty Sông Đà 505 với nhiệm vụ là lo cơm nước cho anh em công nhân làm hầm. “Hôm đó, em vào trong hầm để thăm người nhà. Dù đã nhiều lần vào trong hầm, nhưng hôm ấy đi vào em có dự cảm lạ. Trên quãng đường vào hầm dài 600m, em thấy thóc rơi vãi nhiều, như có người rải xuống nền. Trên nóc hầm, nước, bùn rỏ tong tong. Thấy em lo lắng, một anh đi cùng trấn an đó là thóc người ta rải lúa để bẫy chim rừng”, chị Ngọc nhớ lại.
Nhưng càng vào sâu trong hầm, chị Ngọc càng thấy hầm ẩm ướt hơn. Tường hầm có nước chảy mạnh thành rãnh. Sau khoảng 30 phút, bỗng chị Ngọc nghe một tiếng “ầm” như nổ bom, đèn tắt ngúm, mọi người hô to “sập hầm rồi”. Lúc này, ai nấy đều rất hoảng loạn. “Em sợ quá, đứng chôn chân tại chỗ. Ban đầu, mọi người nghĩ chỉ sạt lở nhỏ nên vui vẻ bảo nhau tìm cuốc thuổng, đưa máy cẩu nhỏ đào tìm lối ra. Thế nhưng, những nỗ lực sau đó đều thất bại”, chị Ngọc kể.
Lúc bấy giờ, một giọng nam nói to “mọi người bình tĩnh, đi tìm xem có ai bị thương không”. Đi khắp đoạn hầm, thấy tất cả có 12 người, trong đó có anh Phạm Viết Nam (SN 1976, là anh chồng chị Ngọc) và cháu Phạm Việt Lành (SN 1994, cháu chồng chị Ngọc) đang thi công nơi hầm sập. May mắn không ai bị thương. “Lúc đó, em rất hoang mang và lo sợ, mình còn trẻ, lẽ nào lại chết vùi nơi đây”, chị Ngọc hồi tưởng.
Sau nhiều giờ bị mắc kẹt, mọi người bắt đầu thấm mệt. Không khí ẩm ướt càng làm mọi người thấy lạnh và bất lực. Mọi người tụ lại với nhau để bớt lạnh, dùng điện thoại làm đèn rồi đi gần về phía hầm sập với hy vọng những người bên ngoài sẽ tới cứu. Nhiều giờ trôi qua nhưng không thấy động tĩnh gì. Những suy nghĩ về một kết cục chẳng lành bắt đầu ùa về làm mọi người càng thêm lo sợ. Sau đó, một đường ống nhỏ được khoan thủng đưa xuống dưới hầm. Bên ngoài vọng lên tiếng hỏi, tiếng nói của lực lượng cứu hộ thì tia hy vọng sẽ được “giải cứu” mới lóe lên.
Sang đến ngày thứ ba, hầm đã được đóng điện trở lại nhưng không lâu sau đó nước trong hầm bắt đầu dâng cao do nước từ trên mái hầm cộng với nước từ mạch ngầm chảy ra. Lúc này, mọi tia hy vọng dần vụt tắt. Trong cơn hoảng loạn, mọi người an ủi, sưởi ấm, dựa vào nhau để sinh tồn. Hàng ngày, mọi người thay nhau, mỗi lần 2 người lội nước gần 90m lại đường ống để lấy sữa, bánh, trà gừng từ bên ngoài chuyển vào. “Trong khoảnh khắc sinh tử đó, tôi nhớ con trai 5 tuổi da diết, chỉ muốn nghe tiếng khóc, tiếng gọi của con. Trước khi đi công trường, con trai xin mẹ ở nhà thêm một ngày nữa nhưng vì công việc tôi đã từ chối. Lúc đó, đối mặt với “thần chết” tôi cảm thấy rất hối hận, sợ không còn cơ hội quay về chăm sóc con”, chị Ngọc ngậm ngùi.
Quyết bỏ nghề thủy điện để bù đắp cho con
Sau 82 giờ giành giật sự sống khi “mắc kẹt” trong hầm thủy điện, chị và 11 nạn nhân như được hồi sinh thêm lần nữa. Ký ức bốn ngày sống trong hầm thủy điện cứ đeo bám lấy người mẹ trẻ. “Nhiều đêm ôm con ngủ, tôi lại mơ thấy khoảnh khắc mình bị mắc kẹt trong hầm và mãi mãi không ra được. Giật mình tỉnh giấc, mồ hôi vã ra. Hay nhiều đêm trời mưa, nghe tiếng nước tí tách, tôi lại thấy lạnh cả xương sống”, chị nhớ lại.
Sau khi từ “cõi chết trở về”, phía Công ty CP Sông Đà 505 cũng tới nhà thăm hỏi, hứa sẽ bố trí cho chị một công việc phù hợp nếu chị Ngọc có mong muốn được tiếp tục làm việc. Nhưng chị Ngọc đã khước từ, quyết định ở lại quê nhà để được gần con. Sau một năm nghỉ việc để ổn định tinh thần, chị Ngọc đi học may và nộp hồ sơ vào làm công nhân tại Công ty CP Venture Nghệ An. “Làm công nhân may hay phải tăng ca, mà lương thấp. Nhưng trong thâm tâm không bao giờ nghĩ đến việc trở lại công trường, phần vì chưa thôi ám ảnh sập hầm, phần vì muốn được gần con”, chị Ngọc chia sẻ.
Khi được hỏi về ngày định mệnh làm con trai, con dâu và đứa cháu bị “mắc kẹt” trong hầm Thủy điện Đạ Dâng, bà Hoàng Thị Bình (mẹ chồng chị Ngọc) không muốn nhắc lại ký ức kinh hoàng, khủng khiếp đó. Giờ đây, bà chỉ cầu mong các con, các cháu sống khỏe mạnh, hạnh phúc.