Việc cứu người nhảy cầu Sài Gòn tự tử đến với anh Trần Hiếu Thảo như duyên nghiệp.
Hơn 3 năm chốt trực với nhiệm vụ điều tiết giao thông đường thủy phục vụ thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, anh Trần Hiếu Thảo (SN 1977), nhân viên lái ca nô Đội điều tiết đảm bảo giao thông thủy (Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM) đã từng vớt 20 trường hợp nhảy cầu Sài Gòn tự vẫn, trong đó cứu sống 8 người. Dù không phải là nhiệm vụ của mình nhưng hễ nghe có người nhảy sông thì bất kể ngày hay đêm anh Thảo lập tức lái ca nô đi tìm…
Cứu người nhảy cầu như duyên nghiệp
Chúng tôi gặp anh vào buổi chiều trên bến sông Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Việc thi công cầu metro 1 đã hoàn thành nên hiện tại anh Thảo đã chuyển về Đội điều tiết, khống chế đảm bảo giao thông thủy trên sông Sài Gòn. Nhớ lại 3 năm tham gia điều tiết giao thông phục vụ thi công cầu metro số 1, anh Thảo cũng không hiểu vì sao tháng nào trong ca mình trực, bất kể ban ngay hay đêm đều có trường hợp nhảy cầu tự tử. Mỗi lần như thế, anh Thảo đều đích thân cùng lực lượng chức năng đi cứu người. Khi nào cứu được thì lòng cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng, không cứu được thì rất bực tức, khó chịu. Việc cứu người nhảy cầu Sài Gòn tự tử gắn với anh như duyên phận.
Anh Trần Hiếu Thảo làm nhiệm vụ trên sông Sài Gòn - Ảnh: Đỗ Loan
Bằng những việc làm cứu người, anh Trần Hiếu Thảo đã được Giám đốc Sở GTVT và Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa tặng giấy khen về thành tích “Nhiều lần cứu người đuối nước trên sông Sài Gòn năm 2016”; Giấy khen của Đảng ủy Cảng vụ đường thủy nội địa trong “Phong trào người tốt việc tốt năm 2016”. |
Đêm 18/1/2016, lúc đó đã hơn 23h, trên cầu vẫn tấp nập xe qua lại. Lúc này, anh Thảo đang trực tại Đội gần chân cầu Sài Gòn. Bỗng nghe tiếng “ùm” ở phía cầu. Biết có người nhảy sông, anh Thảo cùng anh em trong đội lập tức nhảy lên ca nô đi tìm. Nhưng loay hoay mãi chiếc ca nô không nổ máy được. Mọi người cứ cuống cuồng lên. Ai cũng nghĩ chắc số anh này đã tận nên không cho Đội của anh cứu. Mất vài phút sau, chiếc ca nô mới chịu khởi động. Mọi người điều khiển ca nô chạy ra thì thấy anh kia đang chới với giữa sông. “Rất may là anh này mang chiếc áo gió bên ngoài nên khi xuống nước thì lâu chìm hơn nên được cứu”, anh Thảo kể.
Một lần khác, có một phụ nữ tầm 50 tuổi, vì buồn chuyện gia đình, nợ nần mà bắt xe buýt từ quận 11 đi đến cầu Sài Gòn thì xin xuống và nhảy xuống sông. Anh Thảo cùng cả đội lập tức chạy ra cứu. Khi đưa người phụ nữ này về nhà thì cả nhà ôm nhau khóc và cảm ơn rối rít anh Thảo đã cứu mạng.
Cầu Sài Gòn với độ cao 8m, nơi anh Thảo từng cứu nhiều người thoát chết
Anh Thảo cho hay, thường những trường hợp nhảy sông tự tử đều xuất phát từ lý do buồn chuyện gia đình, tình cảm, nợ nần và một mực quyết tâm chết. Nhưng đến khi được cứu sống thì họ cảm thấy hối hận với hành động của mình và không muốn tự tử nữa. “Bởi thế mà mình không một giây do dự, mình mà chậm chân một chút là người ta sẽ chết và coi như hết cuộc đời”, anh Thảo chia sẻ.
Cứu người vào buổi đêm rất khó khăn vì trời tối đen, nước chảy xiết, gặp hôm nước xoáy, người rơi xuống chỉ có chết. Với độ cao hơn 8m từ cầu Sài Gòn nhảy xuống, nước đập vào ngực dù là nam giới khỏe mạnh cũng sẽ bị chấn thương chứ nói gì đến phụ nữ. Để cứu được người nhảy cầu tự tử phải tính toán con nước, đoán xem nạn nhân bị trôi hướng nào. Thao tác cứu người phải thuần thục và nhanh để giành giật với tử thần. Ấy thế mà không phải lần nào anh Thảo cũng cứu được những người nhảy cầu tự vẫn. Năm 2016, có 4 người nhảy cầu anh không cứu được do gặp hôm dòng nước xoáy. “Những lúc như thế về nhà cứ bứt rứt không ngủ được”, anh Thảo tâm sự.
Anh Trần Hiếu Thảo
Không dám khoe với vợ
Không chỉ cứu sống được nhiều mạng người, anh Thảo còn vớt được 10 thi thể trôi sông Sài Gòn. Những thi thể này chủ yếu là thanh niên, sinh viên. Anh Thảo bảo, mỗi lần kéo thi thể về vừa phải chạy ca nô vừa nín… thở. Vì những thi thể lâu ngày mới được phát hiện, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Khi kéo những thi thể đến bờ cũng không được về ngay, mà phải ngồi canh tới cả tiếng để chờ công an tới bàn giao. “Cứu người thì mình còn khoe với vợ để vợ vui, vớt thi thể thì không dám kể vì sợ vợ không cho… ngủ chung”, anh Thảo hồn nhiên nói.
Nhận xét về một nhân viên gương mẫu nhưng sống giản dị, khiêm tốn, ông Trần Tấn Kiệt, Đội trưởng Đội điều tiết, khống chế đảm bảo giao thông thủy cho biết: Anh Thảo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ bệnh ở nhà không đi làm, một mình anh phải nuôi cả gia đình cùng với con trai 7 tuổi. Công việc của anh chỉ với nhiệm vụ đảm bảo an toàn điều tiết tại khu vực công trình thi công, thế nhưng anh có tâm cứu giúp người, làm việc thiện chứ không phải để lấy tiền, cần trả ơn.
Khi chúng tôi hỏi anh có nguyện vọng gì cho bản thân, gương mặt hiền lành với nụ cười hồn hậu, anh Thảo bảo: “Chỉ mong những người nhảy cầu tự vẫn hãy yêu quý lấy bản thân. Trời sinh ra cuộc sống rất quý, ai cũng có gia đình, người thân, phải biết trân trọng cuộc sống này để làm những việc có ý nghĩa hơn thay vì tìm đến cái chết trong nỗi buồn bực nhất thời”.