Gặp người lính hỏi cung tướng Đờ Cát

Ngày 03/05/2014 11:23 AM (GMT+7)

Trải qua 60 năm, ký ức hỏi cung tướng Đờ Cát vẫn in đậm trong tâm trí người lính Điện Biên năm xưa.

Cuộc hỏi cung nín thở

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tính, đơn vị tiểu đoàn 428, trung đoàn 141 thuộc Đại đoàn 312 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ những ngày đầu. Trận đánh Him Lam mở màn chiến dịch kết thúc, ông thông thạo tiếng Pháp nên được điều về Sư đoàn khai thác tù binh. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, quân ta chiếm sở chỉ huy của địch, Đại đội trưởng Đại đội 360 Tạ Quốc Luật cùng các chiến sĩ xông vào hầm chỉ huy, bắt sống tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ tham mưu quân Pháp giải về Đại đoàn 312. Các chiến sĩ thông thạo tiếng Pháp được điều động lên để hỏi cung.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tính kể: Đờ Cát đội mũ ca lô, mặc bộ quân phục mùa hè phẳng nếp, trầm tĩnh, nói năng kiểu cách. Chỉ huy trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn nói: “Tôi cho phép các ông được ngồi”. Một viên quan lên tiếng: “Thưa ngài, thiếu tướng chúng tôi chưa cho phép ngồi”. Chỉ huy Trọng Tấn nói: “Không còn tướng tá nào nữa, các ông đều là tù binh. Các ông phải chấp hành mệnh lệnh của chúng tôi”.

Lúc này, Bộ Tư lệnh ta đang nóng lòng chờ phái viên mang hồ sơ của tướng Đờ Cát lên để đối chiếu, sợ tướng địch trà trộn vào thương binh, vì ta cho phép quân Pháp đưa máy bay lên chở thương binh về Hà Nội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Bộ chỉ huy gọi điện đàm liên tục, hỏi ông Lê Trọng Tấn “có đúng là tướng Đờ Cát không?”. Trước khi hỏi cung tù binh, các chiến sĩ được đồng chí Lê Trọng Tấn căn dặn cần hỏi những điều gì.

Chiến sĩ Nguyễn Xuân Tính được bố trí trực tiếp hỏi cung tướng Đờ Cát. Ông nói, trước tiên hỏi tên, cấp bậc, số hiệu sĩ quan, sau đó hỏi từng vấn đề:

Ông và Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã tuyên bố “Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả xâm phạm”, chính ông cho máy bay rải truyền đơn mời chúng tôi vào. Nay ông nghĩ thế nào?

Đờ Cát trả lời: “Vâng, hôm nay chúng tôi đã được gặp các ngài”.

Các ông đánh giá thế nào về lực lượng pháo binh của mình ở Điện Biên Phủ và Pi Rốt là chỉ huy pháo binh của các ông tuyên bố “Chỉ cần phản pháo 10 phút thì pháo của Việt Minh phải câm họng và sau 2 ngày sẽ bị nghiền nát?”.

Đờ Cát trả lời ngay: “Chúng tôi không ngờ các ngài đem pháo hạng nặng lên Điện Biên Phủ và sử dụng có hiệu quả nên đã áp chế được pháo của chúng tôi”.

Có phải do không nghiền nát được chúng tôi nên Đại tá Pi Rốt đã tự nghiền nát mình bằng quả lựu đạn?

Đờ Cát nói: “Vâng! Pi Rốt đã dũng cảm tự kết liễu đời mình”.

Tại sao ông không tự sát mà đầu hàng? “Vì tôi muốn ở lại chia sẻ với tù binh”. Ông nhận điện của Đại tướng Na-Va cho phép các ông thực hiện kế hoạch An-ba-tơ-rốt, phá vây chạy sang Lào, sao các ông không thực hiện?

Đờ Cát trả lời: “Các ngài đã thắt chặt vòng vây và bố trí lực lượng đón lõng nên chúng tôi không thể mạo hiểm”.

Không phá vòng vây, nghĩa là các ông phải chịu thất thủ và phải đầu hàng, các ông biết điều đó từ khi nào?

Đờ Cát hạ giọng nói: “Khi các ngài cho nổ khối bộc phá lớn ở đồi A1 và cho dạo 'dàn nhạc Staline' thì chúng tôi biết giờ phút thất thủ đã đến (dàn hỏa tiễn Cachiusa do Liên Xô viện trợ, có sức nóng hàng ngàn độ và sức công phá lớn).

Gặp người lính hỏi cung tướng Đờ Cát - 1

 Ông Nguyễn Xuân Tính trân trọng, nâng niu những kỷ niệm về vị Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Phái viên của Bộ chỉ huy chiến dịch xuống, đối chiếu ảnh và chữ ký của Đờ Cát. Xác định, người bắt được và đang tiến hành hỏi cung đúng là tướng Đờ Cát. Toàn bộ Bộ chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ được chuyển lên Bộ chỉ huy chiến dịch quân ta, tiếp tục khai thác.   

Ước nguyện 60 năm

84 tuổi, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tính ước nguyện được gặp lại người bạn chiến hữu Ba Lan để thực hiện lời hứa.

Ông Nguyễn Xuân Tính kể: "Slephan Cubilac tham gia quân Pháp trong đại chiến Thế giới thứ 2 (1939 – 1945), sau đó sang chiến trường Việt Nam, thuộc đơn vị Lê Dương (đơn vị nhà nghề thiện chiến của Pháp). Năm 1947, ông nhận thấy cuộc chiến tranh của thực dân Pháp đang tiến hành ở Việt Nam là phi nghĩa nên phản chiến, chạy sang hàng ngũ quân ta. Là lính pháo binh, Cubilac được điều về đơn vị pháo binh của Đại đoàn 312. Tôi nghe tên Cubilac, lấy đó là tấm gương và luôn muốn gặp. Đợt hai chiến dịch Điện Biên Phủ, tại ngã tư sân bay Điện Biên Phủ, Cubilac vào trinh sát trận địa. Tôi và cán bộ đơn vị vào thăm, động viên anh em chiến sĩ. Tình cờ tôi được gặp Cubilac. Tôi biết người bạn nước ngoài này thích cà phê, thuốc lá nên lấy mấy hộp chiến lợi phẩm mà chiến sĩ ta đoạt được của quân Pháp đưa anh. Nhìn thấy có thuốc lá, cà phê, anh ấy tỏ vẻ thích lắm. Tôi và anh ngồi uống cà phê, ăn bánh quy, hút thuốc lá, nói chuyện.

Cubilac vỗ vai tôi nói: “Mày biết tiếng Pháp nhưng chưa thành thạo, khi nào hòa bình mày dạy tao tiếng Việt, tao sẽ dạy mày tiếng Pháp”. Tôi và anh cười, bắt tay hứa. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, đơn vị chuyển quân về Bắc Ninh, tôi gặp lại Cubilac, anh nói: “Đời tớ tự hào ba thứ, thứ nhất là trở thành chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, thứ hai là được làm chiến sĩ Điện Biên và cái lớn hơn nữa là được mang dòng họ của Bác Hồ (Cubilac có tên Việt Nam là Hồ Chí Toán)”.

Ngừng một lát, ông Tính kể tiếp: "Hòa bình lập lại, mỗi người một nhiệm vụ, tôi được đơn vị cử về Hà Nội học đại học. Tôi nghe tin, anh Cubilac tham gia Ủy Ban giám sát đình chiến Quốc tế gồm 3 nước Ba Lan, Canada và Ấn Độ. Năm tháng trôi qua, giờ nghĩ lại, tôi mong được gặp người bạn vong niên Cubilac".

Theo Việt Hoàng (Infonet.vn)
Nguồn:

Tin liên quan