Thắt lòng gia đình ba thế hệ phải ra đường ăn xin

Ngày 03/05/2014 08:56 AM (GMT+7)

Trong gia đình ấy, sự bất hạnh luôn bủa vây lấy những người đàn bà tội nghiệp: lấy chồng, hạnh phúc sớm tan vỡ, bị chồng phụ bạc hoặc chối bỏ trách nhiệm nuôi con.

Suốt 3 thế hệ, những người phụ nữ không thể thoát khỏi lời nguyền “góa chồng”. Tình cờ gặp họ bên một ngả đường Sài Gòn trong cảnh ăn xin vạ vật, chúng tôi đã có dịp được nghe những câu chuyện đẫm nước mắt.

Thắt lòng gia đình ba thế hệ phải ra đường ăn xin - 1

Bình ôm con ngồi bệt cùng ở góc phố cầu xin sự thương cảm của người đi đường. Ảnh TG

Ba thế hệ lần lượt “góa chồng”

Chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Lý (63 tuổi, hẻm 65, đường Cao Xuân Dục, P. 12, Q. 8, TP. HCM) cùng với đàn cháu đang ngồi vất vưởng trên một con phố Sài Thành. Vừa bị một người qua đường hắt hủi, bà tủi phận víu lấy vạt áo cố lau vội những giọt nước mắt. Đôi bàn tay nhăn nhúm, bà run run ôm lấy đứa chắt ngoại vào lòng, than cho phận bạc như cánh bèo trôi. Bà Tư quê gốc Bắc, người Hà Nam, theo cha mẹ vào Sài Gòn kiếm sống từ khi mới lên 2 tuổi.

Lớn lên giữa đất khách quê người lại thiếu thốn trăm bề, số phận đưa bà Lý đến với một chàng trai cùng quê. Hai người yêu nhau rồi nên nghĩa vợ chồng và quyết định ở lại Sài Gòn lập nghiệp. Bà xin được công việc nấu bếp trong một trường mầm non địa phương, còn chồng ngày ngày làm thuê, làm mướn kiếm thêm thu nhập. Rồi sau đó, những đứa con liên tiếp ra đời, cuộc sống gia đình nhỏ đã chật vật  nay càng khó khăn gấp bội, khiến cho tình cảm vợ chồng cũng nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Để có tiền lo cho 5 miệng ăn, chồng bà làm việc nhiều hơn nhưng rồi ông bắt đầu vắng nhà, có lúc qua đêm mới về.

Sau nhiều đêm vò võ chờ chồng, linh tính mách bảo bà rằng chồng mình có vợ bé. Biểu hiện của người chồng cũng khác lạ, ông không còn quan tâm, vỗ về các con như trước nữa. Điều này đã làm cho không khí trong gia đình nhỏ lúc nào cũng căng thẳng. Không nói ra nhưng trong lòng bà đầy tổn thương. Đến một ngày, người chồng ấy lạnh lùng thu xếp áo quần, bỏ lại mẹ con bà trong căn phòng trọ mà không một lời từ biệt. Ông chỉ để lại một lời nhắn phũ phàng: “Tôi đi rồi, bà cố gắng nuôi dạy bọn nhỏ”. Ánh mắt bà nhòe đi cùng dòng nước mắt đang chực trào nhưng bà không thể khóc thành tiếng, bởi lúc này ba đứa nhỏ đang vây quanh mẹ đòi cơm. Ngã quỵ đau đớn vì bị phản bội, không đợi tòa án nào phán xét, bà xé phăng tờ giấy hôn thú năm nào vẫn còn nguyên dấu đỏ.

Vợ chồng chia ngọt sẻ bùi suốt 20 năm bỗng chốc tan vỡ, bà Lý đành cam chịu số kiếp hẩm hiu đành chịu. Bà cùng ba đứa con rơi vào tình cảnh khốn cùng, thiếu ăn thiếu mặc. Rồi trong một đợt dịch bệnh sốt xuất huyết, vì không có tiền thuốc men, hai đứa con trai của bà vĩnh viễn ra đi. Bi kịch chồng chất bi kịch, nỗi đau bị chồng ruồng bỏ chưa nguôi thì nỗi đau mất con lại khiến người mẹ thêm càng quặn thắt. Chỉ còn lại một cô con gái duy nhất, bà tự hứa với bản thân sẽ nuôi dạy nó nên người, lớn lên sẽ kiếm cho nó một tấm chồng tử tế.

Đứa con gái út của bà có cái tên thật đẹp – Bích Lan (SN 1971). Khi còn rất nhỏ, cha bỏ đi, hai người anh đều qua đời nên cô không đi học mà theo mẹ bươn chải kiếm sống. Được một chút vốn nhỏ, Lan gom góp mua trái cây về một khu chợ ở quận 5 buôn bán. Trong khu phố người Hoa nhộn nhịp, một người đàn ông gốc Hoa đã thầm thương để ý tới cô. Lúc đầu, Lan mặc cảm né tránh nhưng dần dà cô cũng xiêu lòng trước sự quan tâm sốt sắng của người đàn ông này. Hai người nhanh chóng tổ chức một đám cưới đơn sơ và dọn về ở ngôi nhà nhỏ trong phố người Hoa. Vậy nhưng, hạnh phúc chẳng tày gang. Không lâu sau khi đứa con gái đầu lòng chào đời, Lan đã phải hứng chịu những trận đòn roi của người chồng vũ phu. Khi đứa bé mới hơn 1 tuổi, người chồng đã nhẫn tâm đuổi cô đi. Quá tuyệt vọng, Lan chỉ biết lang thang khắp nơi.

Nghiệt ngã bủa vây lấy đời Lan – thế hệ thứ hai trong câu chuyện mà chúng tôi kể. Sau thời gian lang bạt, Lan vập vào ma túy. Lúc đầu mới nghiện nhẹ, Lan đi lang chạ ở đâu không rõ. Khi tìm tới gặp con gái, bà Lý thấy cô đã bụng bầu vượt mặt. Bà gặng hỏi cha đứa trẻ là ai nhưng cô chỉ cười nhạt, không nói không rằng. Không chốn dung thân, bà đành đưa Lan vào chùa cưu mang lúc sinh nở. Được sự giúp đỡ của các sư thầy trong chùa, Lan đã mẹ tròn con vuông. Rồi khi đứa trẻ chưa dứt sữa, Lan bỏ đi biệt tăm. Cơn nghiện ngày càng nặng, dày vò thân thể  khiến cô không thể ngồi yên một chỗ mỗi lần đói thuốc. Và rồi, trong một đợt truy quét ma túy, Lan đã bị cơ quan chức năng bắt vào một trại cai nghiện ở Bình Phước.

Con gái của Lan tên là Quang Tư Bình. Sau khi mẹ bị đuổi đi, cha lấy vợ mới, không chịu nổi cảnh mẹ ghẻ con chồng, cô bé tuổi trăng tròn bỏ nhà tìm về sống với bà ngoại. Hai bà cháu tìm một căn phòng trọ tồi tàn làm nơi trú ngụ. Ở với bà, Bình chăm chỉ đi phục vụ cho một quán cà phê kiếm tiền. Lan còn trong lứa tuổi ham chơi lại không ai dạy dỗ nên sống buông thả. Thỉnh thoảng, cô bé lại xin nghỉ ca tối để đi chơi. Và trong một lần sinh nhật bạn, Bình đã gặp một thanh niên người Châu Đốc (An Giang). Những lời hẹn thề của gã làm cô bé chất ngất đắm say. Mặc cho lời khuyên can của bà ngoại, chỉ vừa một tháng quen nhau, cô gái 17 tuổi đã theo chàng trai miền Tây về sống chung.

 Sau khi sinh đứa con trai đầu lòng, chồng đi làm phụ hồ còn Bình đi buôn bán vặt ở chợ. Cuộc sống của họ nhiều khó khăn nhưng cũng hạnh phúc. Thế nhưng, khi đứa con trai được ba tuổi, cuộc sống gia đình lại rơi vào bấp bênh. Không trả nổi tiền trọ, vợ chồng Bình cùng đứa con nhỏ bị đuổi ra đường. Khốn cùng hơn nữa, đúng lúc đó Bình lại đang mang bầu ba tháng. Tận cùng cơ cực, gia đình nhỏ dắt díu nhau tá túc tại công viên sống qua ngày. Rồi một ngày, chồng Bình đi làm và không quay về góc công viên nữa. Bình bụng mang dạ chửa khóc ròng, một lần nữa đứa trẻ trong bụng lại không biết mặt cha. Tính đến đời Bình đã là thế hệ thứ ba phải chịu cảnh “góa chồng”.

Thắt lòng gia đình ba thế hệ phải ra đường ăn xin - 2

Ba thế hệ dắt díu nhau xin ăn từng bữa. Ảnh TG

Vẫn chưa thoát định mệnh cay đắng

Như một cái dớp định sẵn, chuyện tình duyên đứt gánh cùng nghiệp mưu sinh lam lũ đều in hằn lên cuộc đời từng thế hệ những người phụ nữ trong gia đình này. Họ lầm lũi dắt díu nhau đi trong ánh chiều vàng vọt, cơ hồ như một bức tranh định mệnh. Khi thấy Bình lại ôm con và vác bụng bầu trở về, bà Lý như nhìn thấy hình ảnh của Lan năm nào, lòng bà thắt lại và thốt lên hai chữ “nghiệp chướng”.

Vậy là, mấy bà cháu lại dắt díu, sống bám víu vào sự thương cảm của người đời. Ở ngã sáu Nguyễn Tri Phương (quận 10), cứ đến chiều tối, người đi đường lại trông thấy một phụ nữ nhỏ thó đội chiếc nón cụp xuống che hết mặt, ngồi bệt ôm đứa con đang ngậm bình sữa, trước mặt Bình đặt một chiếc hộp nhỏ đựng bông tăm mời khách mua, người thì mua, người thương cảm lẳng lặng đưa tiền dúi vào tay chị. Còn bà Lý cũng bòn mót những đồng tiền lẻ từ mấy bó tăm tre. Khi được chúng tôi hỏi: “Số tiền bán và xin được bà có lo nổi cho cuộc sống không? Bà ngậm ngùi trả lời: “Ngày cao nhất thì được trăm ngàn, có khi chỉ được vài chục, mấy bà cháu đành nhịn đói để mua sữa cho đứa bé, đến khuya mới về phòng trọ”.

Khi đường phố chìm vào bóng tối, những số phận lỡ làng lại lên đường vì cuộc sống sinh tồn của mình. Họ như những cái bóng vật vờ, lạc lõng trong không gian đèn điện, xa hoa nơi phố thị Sài Thành. Đến sáng hôm sau, Bình lại tất bật đi giặt giũ áo quần thuê cho người ta. Bình bảo: mỗi chậu áo quần đầy lấp mặt cô được tính 50 ngàn, tiền đó dành mua sữa cho con. Trời vừa ngả tối, ánh mắt trũng sâu của bà lão tóc bạc như níu chân khách lạ. Mấy đứa trẻ còi cọc vừa nhận được quà của chúng tôi đã túm tụm sà vào ăn ngấu nghiến. Người cháu gái trẻ vẫn đang ôm đứa con đang khát sữa ngồi lề đường bên giữa dòng người ngồn ngộn qua lại. Chính cô cũng không biết đứa con gái sơ sinh của mình sau này có thoát khỏi lời nguyền “góa bụa” suốt ba đời đã qua hay không.                

Theo Nhật Lệ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan