“Sáng hôm đó, chúng tôi đang đào hố để tìm rể của gốc trầm thì bị 3 tên cướp chĩa súng vào đầu rồi trói lại, yêu cầu người nhà mang 100 triệu đến chuộc", anh Liêm kể.
Gần 1 năm sau vụ thảm sát 5 phu trầm gây chấn động dư luận cả nước, chúng tôi tìm về xã Quảng Sơn và Quảng Minh (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), gặp lại những người thoát chết từ rừng sâu trở về.
Trong số 10 phu trầm bị 3 tên cướp Hồ Văn Nguyên, Hồ Văn Thành và Hồ Văn Công bắt giữ vào tháng 3/2013 thì 5 người trong số đó may mắn thoát chết (3 người quê ở xã Quảng Minh, gồm Trần Minh Tuấn, Hoàng Lê Dũng, Nguyễn Thanh Liêm).
Nhà anh Nguyễn Thanh Liêm (SN 1967) ở thôn Bắc, xã Quảng Minh - người mở được dây trói của bọn cướp rồi giúp 2 người bạn cùng trốn thoát. Anh Liêm kể: “Sáng hôm đó, chúng tôi đang đào hố để tìm rể của gốc trầm thì bị 3 tên cướp chĩa súng vào đầu".
Phu trầm Nguyễn Thanh Liêm bỏ nghề tìm trầm sau khi thoát khỏi tay bọn cướp.
Ba người bị cướp dẫn đến một gốc cây cách lán trại một đoạn, bắt anh Liêm trói 2 người kia lại rồi đánh anh này. Sau khi buộc chặt anh Liêm, nhóm cướp đòi tiền chuộc 3 người với số tiền 100 triệu đồng.
Cả 3 người van xin “có gì thì các anh cứ lấy chứ chúng tôi lấy đâu ra nhiều tiền đến thế?”, thì bị chúng đánh đập, kề dao vào cổ dọa giết. Sau đó, tên cầm súng chạy đến lán để lấy tài sản và 2 tên kia cũng chạy theo vì sợ mất phần.
Thôn Minh Tiến, xã Quảng Minh có 297 hộ/1505 nhân khẩu nhưng chỉ có 40 ha đất canh tác. Thanh niên nếu không vào miền Nam làm việc thì vô rừng. Toàn thôn có đến hơn 80% người theo nghiệp tìm trầm. |
Tranh thủ cơ hội đó, anh Liêm mở dây trói rồi giúp 2 người kia chạy thoát. 3 người chạy về lán trại của nhóm bạn xin cơm ăn, nước uống rồi theo đường rừng về nhà.
“Mỗi lần nhớ lại chuyện đó, người tôi cứ rét run lên, đêm nằm ngủ gặp ác mộng. Giờ có cho tôi bạc tỷ cũng không đám đi lại nữa…”, anh Liêm nói. Sau lần thoát chết, anh bỏ nghề trầm, ở nhà đi phụ hồ hoặc thi thoảng đi kiếm củi bán lấy tiền nuôi vợ con.
Cùng nhóm với 5 phu trầm bị giết vào trưa 23/3/2013 là anh Nguyễn Văn Đào (1963, trú thôn Minh Tiến, xã Quảng Minh). Trưa hôm đó, cả nhóm đang ngủ thì bọn cướp ập đến bắt 7 người rồi dẫn đi nơi khác, trong khi anh Đào đi hái rau rừng.
Khi anh quay lại lán thì thấy đồ đạc bị xới tung. Không thấy các phu trầm còn lại đâu, nghi có việc chẳng lành nên anh quay về xuôi.
Hai phu trầm Hoàng Văn Hà (trái) và Nguyễn Văn Đào may mắn thoát chết dù ở cùng nhóm phu trầm bị giết.
Sau khi mất người em trai (Nguyễn Văn Thắng) và cháu ruột (Nguyễn Văn Sáu), anh Đào cũng bỏ nghề tìm trầm, ở nhà xin đi phụ hồ kiếm tiền nuôi mẹ già đã hơn 80 tuổi.
Chúng tôi cũng gặp anh Hoàng Văn Hà (SN 1976, ở thôn Minh Tiến, xã Quảng Sơn) khi anh vừa có chuyến đi rừng trở về. Khác với những người kia, anh Hà vẫn tiếp tục gắn bó với nghề trầm do không có việc gì làm để kiếm tiền.
Gánh nặng của 7 miệng ăn trong gia đình cộng với chi phí cho 3 đứa lớn đi học khiến anh không thể ở nhà quanh quẩn với 2 sào ruộng. Dẫu biết nghề trầm nhiều rủi ro và nguy hiểm nhưng anh Hà vẫn tiếp tục gắn bó với nó.
Đến thôn Tân Sơn, xã Quảng Sơn, chúng tôi ghé vào thăm bà Nguyễn Thị Hoà (SN 1952), mẹ của Hoàng Văn Hà và mẹ vợ của Đỗ Văn Hiền (SN 1988, quê xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), người tự mở được dây trói và chạy thoát khỏi bọn cướp trong đêm 5 phu trầm bị giết.
Bà Hoà cho biết, từ lúc vụ án xảy ra đến nay, Hiền phải ở lại Quảng Bình nhằm phục vụ quá trình điều tra của công an và chờ đến ngày mở phiên toà bởi anh là nhân chứng quan trọng nhất. Dù thoát chết trong gang tấc, nhưng do không có việc gì làm nên Hiền đành phải tiếp tục lên rừng tìm trầm để kiếm tiền nuôi vợ con.
Hai vợ chồng Hiền dự định sau khi vụ án được xét xử mới quay về quê Bến Tre để yên tâm với 6 công đất trồng lúa.
Đỗ Văn Hiền (trái), người mở được dây trói chạy thoát khỏi bọn cướp sau khi 5 phu trầm lần lượt bị giết.
Các nạn nhân bị giết trong vụ thảm sát tháng 3/2013 gồm Đinh Xuân Thân (SN 1992), anh Trần Văn Trị (SN 1980) trú thôn Tân Sơn, xã Quảng Sơn và Nguyễn Văn Thắng (SN 1968), Nguyễn Văn Sáu (SN 1988), Trương Thanh Hiền (SN 1976) trú xã Quảng Minh (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình).
Vụ án sẽ đưa ra xét xử lưu động vào ngày 27/2 tại Hội trường TAND tỉnh Quảng Trị (45 Lê Lợi, TP.Đông Hà). 2 hung thủ là Hồ Văn Thành và Hồ Văn Công bị truy tố 4 tội danh Giết người, Cướp tài sản, Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.
Đối tượng thứ 3 tham gia vụ thảm sát là Hồ Văn Nguyên (quốc tịch Lào) sẽ bị tòa án Lào xét xử độc lập.