Giả danh cảnh sát giao thông yêu cầu đóng phạt nguội: Thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản

H.G - Ngày 20/07/2022 14:35 PM (GMT+7)

Trong thời gian gần đây, trên khắp cả nước đã xuất hiện nhiều đối tượng giả mạo công an, gọi điện đe doạ yêu cầu người dân nộp phạt hành chính vì đã vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Điều đáng nói là những kẻ này vạch ra kế hoạch tinh vi, nắm rõ thông tin cá nhân của nhiều người.

Không sinh sống và đi du lịch đến Đà Nẵng trong 3 năm qua, nhưng chị Phương Hà (Hà Nội) lại nhận được cuộc gọi thông báo rằng mình có hành vi vi phạm luật giao thông tại thành phố này, yêu cầu đóng phạt 16 triệu đồng vì vượt đèn đỏ. Phía đầu dây bên kia, đối tượng tự xưng là cảnh sát giao thông cấp bậc trung uý, gọi điện thông báo nhắc nhở chị vì trốn tránh trách nhiệm, không nộp phạt đúng hạn. "Người đó dùng giọng nói chắc nịch, có thái độ đe doạ và đề nghị tôi lên cơ quan để giải quyết" - chị Hà chia sẻ

Ban đầu, chị khá bất ngờ vì chúng đọc đúng tên họ và một số thông tin cá nhân, tuy nhiên khi đọc biển số xe thì đó là một biển số lạ, không có thông tin loại xe và ngày giờ vi phạm cụ thể. Nhận thấy đây có thể là hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, chị đanh thép khẳng định mình không có mặt ở Đà Nẵng trong thời gian vừa qua, và cũng không sử dụng ô tô cá nhân.

Đáp lại câu trả lời của chị Hà, đối tượng vẫn tiếp tục dùng nhiều lời lẽ đe dọa như: "Đề nghị chị đóng tiền nếu không trường hợp của chị sẽ bị đưa lên cục cảnh sát giao thông xử lý nghiêm". Với cách nói dồn dập, không kịp để người nghe định thần, những kẻ này có ý định làm "con mồi" sợ hãi để tìm cách đóng tiền. 

Giả danh cảnh sát giao thông yêu cầu đóng phạt nguội: Thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản - 1

Đây không phải là thủ đoạn mới xuất hiện, nhiều người trên khắp cả nước đã bị lừa tiền vì cả tin. Từ những số điện thoại lạ hoặc số không xác định, gọi đến tự xưng là số tổng đài CSGT (Cục CSGT, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hoặc các thành phố lớn…), đối tượng lừa đảo dùng lời lẽ doạ nạt, khủng bố tinh thần để người nhận cuộc gọi cảm thấy sợ hãi. 

Không may mắn như chị Hà, chị Minh Phương (TP HCM) đã bị lừa bởi thủ đoạn tương tự. "Mình bị yêu cầu đóng phạt nguội 10 triệu nếu không sẽ gửi giấy về thẳng nơi làm việc và gia đình nên mình đã rất lo lắng. Vì không muốn bố mẹ chồng và đồng nghiệp biết mình vi phạm luật giao thông nên đã vội vàng chuyển tiền phạt trong lúc tâm trạng không được bình tĩnh. Trùng hợp trước đó không lâu mình có điều khiển xe gia đình và chạy với tốc độ vượt mức cho phép tại một đoạn đường ở quận 2 nên đã dính bẫy lừa. Khi bình tĩnh lại và tìm cách kiểm tra thì mới biết mình không hề bị phạt nguội" - chị Phương bức xúc nói sau khi bị lừa tiền. 

Đối với các nhóm đối tượng đã có thông tin cá nhân của "con mồi" sẽ tìm cách để lừa những người này chuyển tiền vào tài khoản trên danh nghĩa đóng phạt. Một số khác lấy lý do xác nhận nhân thân nên yêu cầu "người vi phạm" cung cấp một loạt thông tin như: tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng… và sau đó lừa lấy mã OTP đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng để chiếm đoạt tiền. 

Nhiều người nghe đến việc bị phạt nguội và có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự nếu trốn tránh nộp phạt thì nảy sinh lo lắng, tìm cách để đóng tiền mà không hề xác nhận lại xem bản thân có thực sự vi phạm hay không. Chính vì tâm lý chủ quan, thiếu bình tĩnh mà kẻ xấu đã dễ dàng đạt được mục đích.

Việc phạt nguội người vi phạm giao thông phải có trình tự theo quy định, từ ghi hình, trích xuất camera, xác định lỗi vi phạm, xác định chủ phương tiện và gửi thông báo bằng thư bảo đảm qua đường bưu điện. Sau 15 ngày nhận thông báo mà người vi phạm không đến trụ sở làm việc, cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với công an địa phương để tiến hành xử phạt. Vậy nên các cuộc gọi, tin nhắn thông báo phạt nguội giả danh cảnh sát giao thông là hành vi lừa đảo, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác. 

Giao diện tra cứu phạt nguội trên điện thoại.

Giao diện tra cứu phạt nguội trên điện thoại. 

Trong thời gian tới, các cơ quan cảnh sát giao thông sẽ đổi mới phương pháp phạt nguội, người vi phạm có thể đóng phạt trực tuyến và nhận kết quả thông báo vi phạm một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn. Hiện nay, người dân có thể kiểm tra xem mình có vi phạm giao thông hay không thông qua trang web http://www.csgt.vn/. 

Ví dụ: Nhập biển số xe cần kiểm tra (51H- 013.45), lựa chọn loại phương tiện (ô tô, xe máy, xe đạp điện) và mã bảo mật (ghi rõ chữ hoa và chữ thường) tương ứng rồi tra cứu. Nếu có hành vi vi phạm, thì các thông tin sẽ hiển thị đầy đủ và có số điện thoại cơ quan cảnh sát gần nhất để liên hệ giải quyết. Nếu mục tra cứu thông báo "không tìm thấy kết quả, tức là chủ xe ghi nhận vi phạm luật giao thông. 

Cần nắm rõ cách tra cứu này để không bị rơi vào bẫy lừa của các đối tượng xấu, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Chiêu lừa việc nhẹ lương cao dịp nghỉ hè: Dù đã cảnh báo nhưng sinh viên dễ dàng sập bẫy
Tận dụng kì nghỉ hè, nhiều sinh viên tranh thủ tìm việc làm thêm để có thêm một khoản tiền tiết kiệm nhỏ hoặc dùng để trang trải sinh hoạt phí. Lợi...

Lừa đảo

H.G
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Lừa đảo