"Theo tiến trình, giá điện sẽ còn phải tăng nữa. Và với đợt tăng này còn thấp hơn so với dự kiến nên sẽ còn tăng giá nữa từ nay tới cuối năm..."- Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN dự báo.
Hôm qua (31.7), Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 19/2013/TT-BCT quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện. Theo đó, kể từ ngày 1.8.2013, giá bán điện bình quân là 1.508,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tăng 71,85 đồng/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.437 đồng/kWh).
Nếu không có sự kiểm soát tốt, giá cả nhiều mặt hàng có khả năng sẽ tăng theo giá điện.
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN cho biết, năm 2013, ngành điện dự kiến tăng giá điện phải 15-20% mới đủ bù đắp chi phí nên với việc tăng 5% là mức thấp nhất mà ngành điện có thể tăng.
"Theo tiến trình, giá điện sẽ còn phải tăng nữa. Và với đợt tăng này còn thấp hơn so với dự kiến nên sẽ còn tăng giá nữa từ nay tới cuối năm, có thể là tháng 10 hoặc 11.2013"- ông Ngãi dự báo.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc tăng giá điện ngày 1.8 sẽ làm các mặt hàng khác của nền kinh tế tăng lên, đặc biệt là các ngành công nghiệp như: Sắt, thép, xi măng, do bị tăng mạnh giá thành. "Do đó, giá cả nhiều loại hàng hóa tới đây có thể nhích lên, làm ảnh hưởng tới đời sống nhân dân.
"Khi tăng giá điện Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ người có thu nhập thấp, người nghèo".Ông Vũ Đức Đam Phân tích về thời điểm tăng giá, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, hiện tại giá cả bắt đầu tăng trở lại nên tăng giá điện ở thời điểm này chứng tỏ Chính phủ đã tính toán kỹ lưỡng.
Thế nhưng, theo ông Lê Đăng Doanh, bất kỳ việc tăng giá nào cũng khiến người dân lo lắng. “Do điện là yếu tố đầu vào của sản xuất nên tăng giá thêm 5%, các cơ quan quản lý phải theo dõi biến động giá cả sát sao để kiểm soát lạm phát"- chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói.
Trước đó, tại buổi họp báo về phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 30.7, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ, hiện còn một loạt các giá chưa tiến đến thị trường, trong đó có giá điện.
"Chủ trương chung của Đảng, Nhà nước là nhất quán tiến tới thể chế kinh tế thị trường, giá hàng hóa sẽ phải theo thị trường. Giá điện hiện nay vẫn thấp, còn được bao cấp. Nếu giá điện của Việt Nam thấp thì tất cả các dự án sẽ không thiên về đầu tư công nghệ để tiết kiệm điện, lúc đó Việt Nam trở thành sân thải phế liệu. Điện thấp, vô tình chúng ta bao cấp cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, giá điện thấp quá, các nhà đầu tư sẽ không đầu tư sản xuất điện. Vì thế giá điện chắc chắn phải điều chỉnh" - ông Đam phân tích.
Tuy nhiên, khi tăng giá điện Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ người có thu nhập thấp, người nghèo.