10.000 đồng/mớ rau muống bé tý, già và nát nhiều, mớ rau cải đắng có vài cây cũng 8.000 đồng…, giá rau lại tăng chóng mặt vì mưa, nắng thất thường, rau bị táp hết.
Nhiều loại tăng tới 30%
Tại chợ Nguyễn Phúc Lai, Đống Đa, Hà Nội, một mớ rau muống bé tý, già, úa nhiều và dập nát nhiều cũng có giá 10.000 đồng/mớ. Hàng rau nào cũng lèo tèo vài loại rau cải và rau muống. Một mớ rau cải đắng nhỏ, lá bị úa nhiều cũng 8.000 đồng/mớ.
Thấy giá rau đắt quá, chị Nguyễn Thu Trang đi xem liền 3 – 4 hàng để khảo giá xem thế nào thì thấy hàng nào giá cũng đắt vậy. Người bán hàng giải thích: “Rau đắt lại gần một tuần nay rồi. Trời mưa liên tục rồi có ngày nắng lên, rau bị táp hết, lượng thu hoạch dược bị giảm, chúng tôi lây buôn rau cũng đắt, một số loại không đi lấy hàng sớm còn bị hết. Giờ lại tiếp tục mưa như thế này thì giá chưa hạ luôn được đâu”.
So với những ngày cuối tháng 8, khi giá một số loại rau có dấu hiệu giảm nhẹ thì giá rau muống đã tăng 2.000 đồng/mớ - 3.000 đồng/mớ. Rau cải tăng 3.000 đồng/mớ.
Tương tự, khoai tây ta cũng tăng 3.000 đồng/kg, lên mức 18.000 đồng/kg. Đỗ tăng từ 20.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg. Tại chợ Thành Công (Đống Đa, Hà Nội), mức giá còn cao hơn, đỗ được bán với giá 30.000 đồng/kg. Nấm rơm tươi cũng tăng từ 100.000 đồng/kg lên mức 120.000 đồng/kg.
Các loại rau sống, rau thơm cũng tăng giá khá mạnh. Xà lách giòn tăng từ 50.000 đồng/kg – 60.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg. Đặc biệt, một mớ mùi bé tý, chỉ khoảng 10 cây cũng tăng lên thành 2.500 đồng/mớ. Hành lá 25.000 đồng/kg, húng thơm tăng gấp đôi lên 2.000 đồng/mớ.
Dự báo 1 tháng nữa mới giảm
Giá rau lại tăng mạnh sau ít ngày giảm nhẹ (Ảnh: VEF)
Trước đó, vào tuần cuối của tháng 8, mặt bằng giá các loại rau xanh tại Hà Nội đã giảm nhẹ khoảng 10%, nguồn cung cũng tăng lên. Một số chuyên gia đã nhận định, trong vòng 10 ngày – 15 ngày nữa (tức vào thời điểm hiện tại) giá rau sẽ hạ nhiệt và ổn định do vào mùa vụ thu hoạch. Tuy nhiên, giống các dự báo trước đó, thời tiết mưa khắc nghiệt, mưa gió liên miên đã khiến những dự báo này chưa chính xác. Trong lần tăng giá này, giới tiểu thương lại đưa ra dự báo: Giá rau sẽ còn tiếp tục cao, ít nhất phải một tháng nữa, may ra khi lứa gieo trồng mới được thu hoạch thì giá rau mới giảm.
Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại Bộ CôngThương cho biết, trong tháng 8 vừa qua, nhóm rau xanh đã tăng từ 40% đến 70%, nhóm củ quả tăng từ 15% đến 20% so với đầu tháng 7. Nguyên nhân do mưa lớn ảnh hưởng từ mưa bão kéo dài, diện tích trồng rau bị ngập úng, hư hỏng nặng khiến nguồn cung khan hiếm và giá bán bị đẩy lên cao.
Nhóm thủy sản nước mặn và nước lợ tăng tới 25%, thủy sản nước ngọt tăng khoảng 15%. Trứng gà ta 40.000 đồng/chục; trứng vịt từ 33.000 đến 35.000 đồng/chục; trứng gà công nghiệp từ 27.000 đồng/chục đến 28.000 đồng/chục, đều là mức giá cao giữ từ giữa tháng 7.
Trong tháng 9 này, theo nhận định vẫn là tháng nằm trong mùa mưa bão nên việc đánh bắt, thu hoạch thủy sản gặp nhiều khó khăn và trở ngại do đó giá thực phẩm nói chung và giá thủy sản nói riêng có thể vẫn tiếp tục tăng.
Trong khi đó, theo dự báo của Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính, tháng 9/2013, giá thực phẩm sẽ có xu hướng tăng do nhu cầu của người dân tăng cao trong tháng có nhiều ngày lễ và do thời tiết không được thuận lợi, liên tiếp có mưa.
Ngoài ra, trong tháng 9, nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng được dự báo nằm trong xu hướng tăng và ít nhiều tác động đến giá lương thực, thực phẩm. Giá xăng dầu dự báo có thể tăng do tình hình chính trị phức tạp tại Syria và Trung đông. Trong nước, giá dịch vụ giáo dục (học phí) được điều chỉnh theo lộ trình thị trường tại một số địa phương trong đó có TP.HCM; tác động theo độ trễ của việc điều chỉnh giá điện từ ngày 1/8/2013; giá một số hàng hóa quan trọng, thiết yếu dự báo có xu hướng tăng như thực phẩm, xi măng, thép...
Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm, ăn uống, đi lại trong dịp Tết Trung thu; mùa mưa bão tiếp diễn... có thể gây sức ép lên mặt bằng giá. Theo Bộ Tài chính, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan... để bình ổn giá trong tháng 9/2013 này, trong đó có nhóm mặt hàng lương thực thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống và rau quả đã tăng giá trong suốt thời gian dài những tháng vừa qua.