Giá rau bắt đầu có dấu hiệu ‘hạ nhiệt’ sau cơn sốt kéo dài suốt từ cuối tháng 7 tới nay. Mức giảm chung khoảng 10%; có những loại rau quả giảm khá mạnh như cà chua, giảm tới 7.000 đồng/kg (khoảng 35%).
Cà chua, đỗ giảm nhiều nhất
Tại các chợ, trong vài ngày trở lại đây, giá rau có dấu hiệu dần hạ nhiệt tuy chủng loại rau vẫn chưa mấy phong phú.
Tại chợ Nguyễn Phúc Lai, Đống Đa, Hà Nội, sáng nay, giá cà chua chỉ còn 13.000 đồng/kg – 15.000 đồng/kg, giảm từ 5.000 đồng/kg – 7.000 đồng/kg so với mức giá sốt rau sau đợt mưa bão kéo dài kết thúc (khoảng giữa tháng 8). Đỗ chỉ còn 15.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg.
Nhiều loại rau khác cũng giảm giá theo. Rau muống còn 7.000 đồng/mớ - 8.000 đồng/mớ, giảm 1.000 đồng/mớ - 2.000 đồng/mớ.
Hầu hết các loại rau cải cũng giảm giá khoảng 20%. Cải ngọt hiện còn 18.000 đồng/kg – 20.000 đồng/kg, trong khi giá trước đó 25.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Mai, bán hàng rau tại chợ này cho hay: “Mấy ngày nay, giá rau lấy buôn có giảm dần qua các ngày nên giá bán lẻ cũng giảm theo. Hiện thời tiết vẫn có những đợt mưa trong ngày, số ngày có mưa lại khá dày nên trước mắt có thể rau sẽ hạ từ từ, qua tháng mưa ngâu này may ra giá rau, củ mới ‘đỡ sốt’”.
Giá thịt lợn cũng giảm nhẹ. Hiện thịt ba chỉ loại ngon có giá 90.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với đầu và giữa tháng 8. Sườn lợn và thịt nạc mông cũng giảm ở mức tương tự còn 90.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, giá cả vẫn khá chênh lệch giữa các chợ. Cùng là thịt ba chỉ nhưng tại chợ Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) có giá 100.000 đồng/kg, đắt hơn so với mặt bằng nhiều chợ 10.000 đồng/kg.
Rau xanh liên tục "sốt giá" từ cuối tháng 7 tới nay (Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp)
Khoảng nữa tháng nữa giá rau sẽ ổn định
Ông Nguyễn Duy Hồng, Phó Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho hay, hiện tại, ngoài những loại rau các vùng chuyên canh rau ở ngoại thành Hà Nội trồng để cung cấp cho nội thành còn một số loại rau khác được vận chuyển từ các tỉnh lân cận khác đến như su su từ Vĩnh Phúc, khoai tây từ Bắc Ninh, Thái Bình. Lượng này sẽ tăng cường bổ sung khi nguồn cung của Hà Nội tạm thời giảm cục bộ.
Theo nhận định của ông Hồng, đúng là trong vòng một tháng qua, do ảnh hưởng của mưa kéo dài làm nhiều vùng trồng rau bị ảnh hưởng. Ngoài việc bị giảm sản lượng thì điều kiện thời tiết mưa nhiều cũng gây khó khăn cho việc thu hái và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Do đó, giá rau tăng cao, ngoài cái lợi là người nông dân được hưởng mức giá có lãi thì người tiêu dùng chịu thiệt chút ít do giá tăng cao. Mức tăng này ngoài do tăng từ gốc là người trồng rau thì còn do tiểu thương lợi dụng lúc thị trường khan để tăng giá. Ngoài ra, điều kiện khách quan như vận chuyển trong mưa gió khó khăn làm rau, đặc biệt là các loại rau ăn lá và rau thơm dập nát khiến lượng rau hư hỏng nhiều cũng là nhân tố đẩy giá rau tăng cao.
Ngoài ra, ông Hồng cũng cho hay, nguồn cung rau cho Hà Nội hiện khá dồi dào. Các vùng sản xuất rau của Hà Nội như Từ Liêm, Vân Nội … cung cấp được khoảng một nửa tổng số rau tiêu thụ hàng ngày bao gồm các loại rau ngót, mồng tơi, rau muống, đậu trạch, đậu đũa… Một nửa lượng tiêu thụ còn lại là từ các tỉnh lân cận chở về.
Theo dự báo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương, thời tiết những ngày qua vừa có nắng nóng gay gắt vừa có mưa rào khiến cho nhiều diện tích rau xanh sau mấy trận bão ảnh hưởng đến Hà Nội bị hỏng nhiều. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm giao mùa nên chủng loại rau có giảm. Dự báo, khoảng 10 ngày - 15 ngày nữa đợt rau mới cho thu hoạch, giá rau sẽ dần hạ nhiệt và ổn định lại như cũ.
Trong khi đó, theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 này tăng 0,83% so với tháng 7. Trong đó, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống mặc dù không tăng cao (tăng 0,54%) nhưng do có tỷ trọng lớn nên cũng ảnh hưởng đến mức tăng CPI chung do các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng.