Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp tỷ USD nhưng cơ cấu cổ đông chỉ xoay quanh gia tộc Trần Quí Thanh. Với doanh thu và lợi nhuận “khủng”, những thành viên trong gia đình ông Thanh nắm giữ quỹ tiền mặt dồi dào.
Theo thông tin từ phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hiệp Phát được thành lập ngày 27/10/1997. Tân Hiệp Phát đã có 43 lần thay đổi đăng ký kinh doanh và lần gần nhất là ngày 10/10/2022.
Hiện tại, Tân Hiệp Phát có vốn điều lệ 276 tỷ đồng. Trong đó, bà Phạm Thị Nụ góp 150,4 tỷ đồng (chiếm 54,49% vốn điều lệ), bà Trần Uyên Phương góp 81,1 tỷ đồng (chiếm 29,38% vốn điều lệ), bà Trần Ngọc Bích góp 44,5 tỷ đồng (chiếm 16,12% vốn điều lệ).
Ông Trần Quí Thanh là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Tân Hiệp Phát. Ngoài ra, còn có ông Riddle David Charles (73 tuổi, quốc tịch Anh) - Phó Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật, bà Trần Ngọc Bích làm Giám đốc. Vợ của ông Thanh là bà Phạm Thị Nụ - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm cổ đông sáng lập Công ty Tân Hiệp Phát.
Ông Trần Quí Thanh và Trần Uyên Phương bị bắt tạm giam vào ngày 10/4.
Lâu nay, thành công của Tân Hiệp Phát luôn gắn liền với hình ảnh của ông Trần Quí Thanh. Đây là một trong số những doanh nhân hiếm hoi dùng hình ảnh của mình làm thương hiệu sản phẩm.
Ông Trần Quí Thanh năm nay 71 tuổi, được giới thiệu là tốt nghiệp Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TPHCM chuyên ngành Kỹ sư cơ khí chế tạo máy. Sau này, ông nhận bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh của Southern California University của Hoa Kỳ.
Xuất thân từ kỹ sư cơ khí nhưng ông Thanh lại rẽ hướng kinh doanh ngành thực phẩm với công việc tại Tổng công ty Thực phẩm Trung ương. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc xưởng Cồn Gas và Nước giải khát Bến Thành thuộc Tổng công ty Thực phẩm miền Nam.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hiệp Phát của ông Trần Quí Thanh được thành lập từ năm 1994, với tiền thân là Nhà máy bia Bến Thành. Những sản phẩm ban đầu của Tân Hiệp Phát là bia chai, bia hơi, bia tươi, sữa đậu nành.
Giai đoạn 1995 - 2009, Tân Hiệp Phát liên tục mở rộng thị trường kinh doanh, đưa ra nhiều sản phẩm nổi tiếng vào thị trường nước giải khát Việt Nam. Nổi bật là những cái tên như nước tăng lực Number 1, trà xanh Không Độ, trà thanh nhiệt Dr.Thanh, trà sữa Macchiato Không Độ, nước tăng lực Number 1 Chanh, nước tăng lực Number 1 Dâu, nước ép trái cây Number 1 Juicie, sữa đậu nành Number 1 Soya, sữa đậu xanh Number 1 Soya, nước tinh khiết Number 1, nước uống vận động Number 1 Active, trà Ô long Không Độ Linh Chi, trà Bí đao collagen...
Tuy nhiên, phải từ 2009, Tân Hiệp Phát mới là cái tên nổi lên trên thị trường nước giải khát tại Việt Nam khi nước tăng lực Number 1 và trà thảo mộc Dr. Thanh rồi đến trà xanh Không Độ trải rộng trên kệ hàng ở khắp vùng nông thôn Việt Nam. Theo số liệu từ công ty nghiên cứu Euromonitor International, Tân Hiệp Phát bán được khoảng 510 triệu lít đồ uống vào năm 2019.
Ngoài nhà máy sản xuất chính đặt tại Bình Dương, các sản phẩm đồ uống của Tân Hiệp Phát còn được sản xuất tại các công ty thành viên như Number 1 Hà Nam, Number 1 Chu Lai, Number 1 Hậu Giang. Các công ty này đều do gia đình ông Trần Quí Thanh trực tiếp sở hữu thay vì do Công ty Tân Hiệp Phát góp vốn.
Trụ sở chính của Tân Hiệp Phát ở tỉnh Bình Dương bị công an phong tỏa chiều 10/4.
Tân Hiệp Phát được xem là một đế chế trong ngành sản xuất nước giải khát. Theo bảng xếp hạng VNR500, doanh thu năm 2011 của Tân Hiệp Phát vào khoảng 6.000 tỷ đồng. Năm 2019, chỉ riêng nhà máy tại Bình Dương, Tân Hiệp Phát đã ghi nhận doanh thu đạt 5.850 tỷ đồng, lãi sau thuế ở mức 1.554 tỷ đồng.
Bà Trần Uyên Phương - Phó Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát - là “người kế nghiệp” của công ty này. Ông Trần Quí Thanh đã đặt mục tiêu đạt doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2030 cho người kế nghiệp.
Doanh thu và lợi nhuận lớn nhưng Tân Hiệp Phát lại là công ty gia đình nên gia tộc Trần Quí Thanh được giới kinh doanh khu vực phía Nam mệnh danh là “vua tiền mặt”.