Trong năm trước, giá xăng dầu liên tục tăng, còn năm nay, giá liên tục giảm, thế nhưng, vé xe tết của hai năm vẫn tương đương.
Giá vé xe giảm "bèo bọt"
Từ cuối năm 2013 đến nay, giá xăng đã giảm 15 lần, giá dầu giảm 21 lần. Tính từ tháng 12/2013 đến nay, giá xăng đã giảm 5.330 đồng/lít (giảm khoảng 25%), giá dầu đã giảm 6.590 đồng/lít (giảm khoảng 35%) so với cùng kỳ năm trước. Riêng ngày 22/12/2014, giá xăng đã điều chỉnh giảm 2.000 đồng/lít. Hiện tại, xăng RON 92 giá 17.550 nghìn đồng và dầu Diesel giá 16.630 nghìn đồng.
Còn nhớ, trước đây, cứ mỗi lần giá xăng dầu chỉ mới nhích lên là các hãng xe lần lượt thay nhau tăng giá. Thế nhưng, sau 15 lần giảm giá xăng, 21 lần giảm giá dầu thì số lượng doanh nghiệp kinh doanh xe vận tải giảm giá cước rất ít.
Gía vé xe tết ở bến xe Miền Đông tăng từ 20% đến 60% tùy chặng đường
Nhiều hành khách ở thành phố Đà Nẵng cho biết, khoảng nửa năm trước, giá vé xe tuyến Đà Nẵng – Huế và ngược lại có giá 50.000 đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần giảm giá xăng, giá vé giờ đây là 60.000 đồng. Nhiều hành khách phản ứng với nhà xe thì được trả lời: “Hết tết giá mới giảm”.
Trong khi đó, ở bến xe Miền Đông (TP.HCM), có 207 doanh nghiệp kinh doanh xe khách với 175 tuyến. Đến nay, số lượng doanh nghiệp thông báo giảm giá vỏn vẹn 100. Và mức dao động giảm giá cũng nhỏ giọt, chỉ từ 5% đến 10%. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp cũng giảm giá vé nhưng chỉ từ 1% đến 2%.
Điều đáng nói, ngay những hãng xe taxi trên địa bàn cũng đã giảm giá như Mai Linh. Vinasun, Hoàng Long. Thì nhiều hãng xe khách vẫn phớt lờ. Nhiều doanh nghiệp lấy cớ, nếu muốn giảm giá vé thì phải có một lộ trình rõ ràng. Một số khác lại cho rằng, mặc dù giá vé xăng dầu giảm nhưng các chi phí khác vẫn leo thang nên giá vé xe không giảm, hoặc chỉ được giảm nhỏ giọt.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện bến xe Miền Đông cho biết, ban quản lý chỉ có trách nhiệm quản lý, sắp xếp các tuyến chứ không thể can thiệp vào giá vé. Riêng việc tăng giảm giá vé phải phụ thuộc vào Sở tài chính của các tỉnh có đầu xe.
Giá vé xe năm nay tương đương năm ngoái
Bốn ngày qua (từ 10 đến 13/1) bến xe Miền Đông đã bắt đầu bán vé xe tết. Đến nay, vé xe từ TP.HCM đến các tỉnh xa như Quảng Ngãi, Quảng Trị, Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh… trong những ngày cận tết đã hết vé. Các nhà xe đều tăng vé xe tết theo đúng quy định là tăng từ 20% đến 60% đối với ngày thường, tùy theo tuyến đường. Ngoài ra, tại bến xe Miền Tây, giá vé xe tết cũng tăng khoảng 40% so với ngày thường.
So sánh với mức giá vé xe tết năm nay với năm ngoái không có nhiều biến động. Điều đáng nói, trong năm trước, giá xăng dầu liên tục tăng, còn năm nay, giá liên tục giảm, thế nhưng, vé xe tết của hai năm vẫn tương đương.
Giá vé xe tết tại bến xe miền Tây tăng 40% so với ngày thường
Ông Lê Trung Tính (Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM) cho rằng, nếu việc tăng hoặc giảm giá vé xe không hợp lý, bất thường thì các cơ quan nhà nước phải nhanh chóng vào cuộc để bảo vệ cho người tiêu dùng. Đặc biệt, kiểm tra ngay đối với những doanh nghiệp nào cố tình không giảm cước hoặc giảm lấy lệ…
Mới đây, Bộ tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý giá cước vận tải. Với các đơn vị chưa thực hiện kê khai giảm giá cước cần có văn bản yêu cầu các đơn vị này phải tính toán lại giá thành vận tải, kê khai giảm giá cước phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu, đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Yêu cầu các đơn vị đã kê khai giảm giá cước tiếp tục tính toán lại giá thành vận tải theo xu hướng giảm giá nhiên liệu để kê khai lại theo quy định. Trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị không kê khai giảm giá cước sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đến 30 triệu đồng.
Tuy nhiên, dường như, chế tài này vẫn chưa đủ mạnh nên nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ đứng xem giá xăng dầu giảm mà không điều chỉnh giá cước. Điều này gây thiệt thòi nhiều cho chính người dân.