Nằm trên hương lộ 19, miếu Mạch Bà thuộc ấp 4 (xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) vốn nổi tiếng bởi những giai thoại ly kỳ từ thuở xa xưa.
Thời gian gần đây, ở đây còn xuất hiện tin đồn gốc cây cổ thụ trăm năm trong khuôn viên miếu xuất hiện gương mặt của một vị “thần” giúp “cầu gì được nấy”.
Gốc cây với nhiều lời đồn thổi. Ảnh D.A
Nghe theo tin đồn, người dân tứ xứ đã đổ về miếu khấn vái nhằm xin lộc trúng số. Nhằm giải mã những tin đồn huyễn hoặc này, PV báo GĐ&XH Cuối tuần đã tìm đến ngôi miếu để tìm hiểu thực hư sự việc.
Những giai thoại ly kỳ
Tới miếu Mạch Bà, chúng tôi gặp bà Mai Thị Ngọc Minh (SN 1954) là người chuyên lo việc chăm nom cho ngôi miếu. Bà Minh kể, miếu Mạch Bà có từ năm 1849. Thuở ban đầu, miếu chỉ có 4 chân trụ bê tông, qua thời gian, phần đất nền sụt lún nghiêm trọng nên gia đình bà quyết định đổ đất, làm mới ngôi miếu. Về nguồn gốc cái tên Mạch Bà thì theo sổ sách chép lại, sỡ dĩ gọi như vậy vì bắt nguồn từ mạch nước nơi đây.
Chính tại nơi đặt miếu thờ có một mạch nước ngọt rất lớn và từ mạch ấy sinh ra không biết bao nhiêu mạch con cháu nên mạch nước ấy được gọi Mạch Bà. Các mạch nước này đi qua các xã Phước Lai, Phước Kiểng và Phú Hội. Chỉ cần đào xuống nửa mét đất là nước tuôn trào trong vắt mát lạnh và thơm ngọt. “Giếng này rất kỳ lạ, đó là vào mùa khô, trong khi các giếng quanh vùng cạn khô thì giếng nước Mạch Bà vẫn dồi dào. Mọi người dân tha hồ đến tắm giặt, lấy nước về nấu ăn. Thú vị hơn nữa khi trẻ con bị nóng sốt, chỉ cần đến giếng múc nước uống thì về nhà bệnh sẽ thuyên giảm”, bà Minh cho biết.
Bà Minh dẫn chúng tôi đến bên gốc cổ thụ rồi giới thiệu: “Đây là cây sơn mã, tuổi thọ đã hơn trăm năm, cách đây 4 năm, có một vị thầy tu đến miếu, trong khi đang trò chuyện với mọi người thì ông phán: “Miếu này có thần cây ngự trị cai quản”. Khi nghe vị sư thầy quả quyết như vậy, tôi và mọi người đều rất ngạc nhiên, chúng tôi đến bên gốc cây, nhìn…kỹ một lúc thì thấy trên thân cây quả thật có hình mặt người, nhưng không phải đứng chỗ nào cũng nhìn ra được gương mặt của gốc cây…”. Bà Minh cho biết thêm, đã có nhiều người kéo nhau đến miếu Mạch Bà thắp nhang cầu nguyện. Từ đó, những câu chuyện đồn thổi xung quanh ngôi miếu này ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Đó là những câu chuyện về một người phụ nữ có người chồng rượu chè cờ bạc, nợ nần chồng chất không thể trả nổi; muộn phiền chồng con nên bà qua miếu nương nhờ ít hôm. Đến ngủ tại miếu, đêm nào bà cũng kể chuyện bị chồng đánh đập, hành hạ, than thân trách phận, cầu xin cho Mạch Bà cho mình được trúng xổ số để có tiền trả nợ. Ai ngờ ngày hôm sau, bà mua vé số và trúng thật, trả được nợ.
Mua đồ tới cúng tạ ơn, bà xin với Mạch Bà được trúng số thêm một lần nữa để có tiền làm từ thiện. May mắn lại một lần nữa mỉm cười, bà được trúng số lần hai. Thực hiện lời hứa, bà đem số tiền trúng số đi làm từ thiện, còn một ít tiền tiết kiệm thì bà đem về quê an dưỡng tuổi già. Lại có chuyện một đôi vợ chồng vốn quanh năm nghèo đói, ăn không đủ no mặc không đủ ấm. Tủi phận, người vợ ra miếu cầu xin thì được bà ban phước cho trúng liền 5 tấm vé độc đắc, có tiền, họ lễ tạ rồi mua đất xây nhà. Tuy nhiên, về những câu chuyện này, bà Minh cho biết cũng chỉ nghe đồn chứ không tận mắt chứng kiến.
“Họ cầu xin rồi trúng số thế nào thì bản thân tôi cũng không biết, chỉ nghe người ta bàn tán rồi mang hoa quả, heo quay đến cúng. Ở đây không có cầu cơ hay gì, chỉ là người dân van vái, đến thắp nhang, vì nghèo đói mà thành tâm cầu xin trúng số, điều đó mình không cấm được. Chuyện nhiều người trúng số nhờ tới đây cầu thì năm nào cũng nghe mọi người xôn xao đồn thổi, nghe vậy nhưng ai trúng thì tôi cũng không biết chính xác”, bà Minh cho biết.
Chỉ là tưởng tượng
Bà Minh quản miếu. Ảnh: D.A
Về những tin đồn xung quanh miếu Mạch Bà, ông Phạm Trọng Luật (SN 1954), trưởng ban ấp 4 (xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Miếu Mạch Bà nằm trên mảnh đất giáp ranh giữa ấp 4 và ấp 5, chủ đất là ông Nguyễn Văn Biếu, sau khi ông Biếu mất đi thì để lại cho ông Nguyễn Văn Xô. Bà Mai Thị Ngọc Minh là con dâu của ông Xô, do chồng của bà Minh là ông Nguyễn Văn Khen đã mất nên việc chăm sóc miếu Mạch Bà được giao lại cho bà Minh. Trước kia, miếu nằm dưới trũng sâu và đây là một khu rừng có tên “Rẫy Mồ côi” với động thực vật phong phú, cọp, rắn nhiều vô số. Theo giai thoại thì do có vị thần về cho nước nhưng thật ra thì mạch nước ngầm đã có sẵn từ lâu, do đào trúng mà phun trào và vì là vùng đất trũng sâu nên nước quanh năm lênh láng, là nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt chính cho người dân trong vùng. Việc nước giếng chữa bệnh tôi cũng chỉ nghe người dân đồn thổi chứ chưa chứng kiến bao giờ”, ông Luật kể.
Để giải mã những đồn đoán và hiếu kỳ của người dân quanh hiện tượng gốc cây cổ thụ biến thành hình “vị thần” có mắt, mũi, miệng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại Đức Thích Như Thọ (Trưởng ban trị sự Hội đồng chứng minh Giáo hội phật giáo Việt Nam Quận 10, TP.HCM). Đại Đức cho biết: “Tương tự như ban đêm, mờ ảo, con người chợt thấy một sợi dây thừng cứ tưởng là con rắn nhưng thật sự khi mình sáng suốt ra, mở đèn sáng lên thì thấy nó là sợi dây thừng chứ không phải con rắn. Cây cối vốn dĩ là của thiên nhiên, hình dáng cây Sơn mã ở miếu Mạch Bà cũng rất bình thường nhưng dưới con mắt của nhiều người, họ sẽ kêu lên: “Thần cây xuất hiện”. Nguyên nhân cũng là do biến kế sở chấp của con người mà tạo ra. Biến kế sở chấp là cái tưởng tượng cũng được gọi là huyễn giác, thác giác, theo duy thức Tông thì tất cả những ngoại cảnh, những vật bên ngoài đều là cái chính mình tưởng tượng ra, là thức biển, không thật. Như vậy, nghĩa là việc thấy hình ảnh gốc cây mang hình “vị thần” cũng chỉ là do con mắt tưởng tượng của con người mà thành.
Trước đây, tượng đá ở Non Nước vốn cũng chỉ là một tảng đá bình thường nhưng qua sức tưởng tượng của người dân, họ đã nghĩ đó là phật bà Quan Âm xuất hiện nên đem ra để thờ và hàng ngày nhang khói. Có nhiều người vì bệnh đau, khổ ải quá nhiều nên khi thấy những hiện tượng như vậy thì tưởng tượng ra rồi van vái, cầu khấn. Rất nhiều người khấn vái, coi thần linh là bậc có quyền ban phước, giáng họa, tới chùa chiền, miếu mạo để cầu xin đủ thứ: tài lộc, tình duyên, hết bệnh, sống lâu… Nếu lời cầu xin được thành tựu thì cho là thần linh chứng giám, chùa thiêng, miếu lành và mang thêm lễ vật tới tạ ơn. Nếu lời cầu xin không thành thì cho rằng chùa, miếu không thiêng, thôi không tới nữa. Thật là oan cho thần, tội cho miếu”.
Sẽ xử lý nếu có hiện tượng mê tín dị đoan Đối với vấn đề nhiều người dân tìm tới miếu Mạch Bà khấn vái thời gian gần đây, ông Phạm Trọng Luật cho hay: “Chuyện cây cổ thụ hình mặt người thì đến nay tôi vẫn chưa nghe được thông tin gì. Nhưng nếu có nhiều người lạ mặt xuất hiện, chúng tôi sẽ làm việc với quản lý miếu để bảo đảm an ninh cho địa phương. Còn việc người dân đồn chuyện tới miếu cầu xin thành tâm, về mua số là ắt trúng độc đắc tôi cũng được nghe rất nhiều nhưng đến nay ai trúng thì tất cả đều không biết. Vì miếu không có hiện tượng cầu cơ hay từng nhóm người đến để trục lợi mà họ chỉ thắp nhang khấn vái với mục đích cá nhân nên chúng tôi chỉ nhắc nhở quản lý miếu thường xuyên đến trông nom”. Trước những thông tin do phóng viên cung cấp, ông Luật cũng cho biết sắp tới sẽ cùng chính quyền đến miếu để quan sát và làm việc với Ban quản lý miếu. “Nếu có hiện tượng mê tín dị đoan hoặc trục lợi bên gốc cây cổ thụ, chính quyền sẽ xử lý dứt điểm và không để tin đồn lan xa, gây hoang mang cho người dân cũng như mất an ninh trật tự tại địa phương”, ông Luật cho biết. |