Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, hiện tại 18 y bác sĩ trong ca mổ cho bệnh nhân N.T.H đang phải uống thuốc kháng virus HIV dự phòng, sau 6 tháng nữa mới có thể xác định họ có mắc căn bệnh này không.
Liên quan đến ca cấp cứu đặc biệt cho một bệnh nhân nhiễm HIV tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khiến 18 y bác sĩ có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV. Chiều 8/7 phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Xác nhận với phóng viên TS Nguyễn Duy Ánh cho biết, ca cấp cứu đặc biệt cho bệnh nhân N.T.H diễn ra cách đây gần 1 tuần và thông tin toàn bộ kíp cấp cứu và phẫu thuật (18 người) có nguy cơ phơi nhiễm HIV là hoàn toàn có thể xảy ra.
TS Nguyễn Duy Ánh chia sẻ với phóng viên về ca cấp cứu đặc biệt.
“Bệnh nhân khi chuyển đến viện đã trong tình trạng ngớp cá, giãn đồng tử và tim ngừng đập. Khi đến viện, bệnh nhân được một nhân viên y tế nữ bế trực tiếp từ xe vào phòng cấp cứu trong tình trạng máu lênh láng trên tay.
Xác định đây là ca bệnh nguy kịch, bác sĩ trực đã báo cáo lãnh đạo và tiến hành mổ ngay cho bệnh nhân tại phòng cấp cứu. Nếu không mổ ngay, bệnh nhân có thể tử vong trong tích tắc và với tình trạng bệnh nhân lúc đó cũng không thể chuyển lên phòng mổ được”, TS Ánh nói.
Nói về việc bệnh nhân nhiễm HIV, BS Ánh cho biết: “Chúng tôi chỉ biết bệnh nhân nhiễm HIV khi thử TEST, người nhà hoàn toàn không thông báo cho các bác sĩ”.
Trước nguy cơ phơi nhiễm HIV đối với 18 y, bác sĩ trong kíp mổ cấp cứu này, BS Ánh cho biết, tất cả 18 nhân viên y tế này đã được bệnh làm xét nghiệm, gửi hồ sơ lấy thuốc từ Trung tâm Phòng chống AIDS để cho uống kháng virut dự phòng.
“Trong vòng 3 tháng đến 6 tháng tiếp theo, bệnh viện sẽ thực hiện các xét nghiệm theo dõi định kỳ thì mới có kết luận chính xác có bị nhiễm HIV hay không”, GĐ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ.
Trước câu hỏi về việc chế độ của bệnh viện đối với những nhân viên y tế này có hay không, khi có nguy cơ phơi nhiễm HIV từ một ca cấp cứu? Ông Ánh cho biết, ngay sau khi biết sự việc, bệnh viện đã có những động viên với các bác sĩ tham gia kíp trực trên. Hiện tại, các bác sĩ vẫn đi làm bình đồng thời uống thuốc kháng virus dự phòng.
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân H. trước khi ra viện.
Riêng về chế độ thì theo quy định hiện hành, các y, bác sĩ trên không được hưởng bất kể chế độ gì khác khi sự việc xảy ra.
Từ sự việc trên BS Nguyễn Duy Ánh cho biết, ca cấp cứu đặc biệt này sẽ là bài học không chỉ cho BV Phụ sản Hà Nội mà còn cho các bệnh viện khác. Đó là, cần trang bị sẵn những bộ bảo hộ phẫu thuật phòng lây nhiễm HIV cho bác sĩ ngay tại phòng khám cấp cứu vì sẽ có những trường hợp như trường hợp bệnh nhân N.T.H. Thường các BV chỉ để các bộ phòng hộ nhiễm HIV ở phòng phẫu thuật, chưa gặp trường hợp nào phải mổ ngay tại phòng khám.
Đồng thời, phía gia đình bệnh nhân cũng nên thông tin cho phía bệnh viện biết những tiền sử bệnh tật của bệnh nhân để các bác sĩ có phương án cứu chữa hữu hiệu nhất.
“Với lương tâm người thầy thuốc, dù người đó có bị nhiễm HIV hay như thế nào, chúng tôi vẫn phải cố gắng hết sức để cứu chữa bệnh nhân theo đúng lời thề Hippocrates của ngành y. Hoàn toàn không có chuyện vì bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm mà chúng tôi bỏ mặc”, TS Ánh cho biết.
Như đã đưa tin trước đó, ngày 4/7, chị cùng con trai 12 tuổi đi ô tô khách từ Quảng Ninh (nơi chị đang sống cùng nhà chồng) về Hương Sơn, Mỹ Đức (Hà Nội) thăm quê ngoại. Đi tới đoạn Phố Nối, Hưng Yên, chị thấy có hiện tượng xuất huyết âm đạo và bị ngất xỉu.
Con trai chị vội gọi điện báo cho cô ruột của cháu đang làm tại Hà Nội. Khi xe khách tới Hà Nội, chị được con và em chồng đưa ngay vào phòng Cấp cứu của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, khi vào viện, bệnh nhân H. đã ngất lịm, người xanh tái, không biết gì, máu từ đường âm đạo chảy ra xối xả, ướt đẫm quần áo.