Từ việc tiết lộ thông tin vụ "sinh đôi khác bố", bà Nguyễn Thị Nga – Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (Hà Nội) cho rằng, gia đình đó vốn đã không có hạnh phúc, vì nếu tin tưởng, yêu thương nhau, họ đã không tìm đến Trung tâm này.
Mới đây, bà chia sẻ với báo chí câu chuyện về một ca mang thai đôi nhưng mỗi con lại mang gen của một ông bố khác nhau. Bà có thể chia sẻ thêm về trường hợp này?
- Đây chỉ là một trong hàng nghìn câu chuyện ở Trung tâm. Chuyện sinh đôi từ hai trứng khác nhau là bình thường. Tuy nhiên, trường hợp này lại “độc” ở chỗ người phụ nữ này đã quan hệ tình dục với hai người đàn ông trong một khoảng thời gian gần và khoảng thời gian đó lại rụng hai trứng, do đó xảy ra tình trạng mỗi trứng thụ tinh với tinh trùng khác nhau của hai người đàn ông.
Trên thế giới, hiện mới có khoảng 10 trường hợp công khai. Nhưng cũng không lường được trường hợp không công khai hoặc không biết.
Chúng tôi chỉ có thể chia sẻ về mặt khoa học. Câu chuyện thì các bạn đã rõ. Còn các thông tin cá nhân đều được bảo mật, trừ khi có sự đồng ý của khách hàng.
Những người mang tâm sự nào thường tìm đến Trung tâm của bà để nhờ xác định ADN?
Bà Nguyễn Thị Nga – Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền
- Rất đa dạng. Dưới mỗi mẫu ADN là một câu chuyện éo le, uẩn khúc. Có nhiều người trước khi yêu cầu tôi thử mẫu ADN còn tâm sự rất nhiều, kể chuyện đời họ và nỗi khao khát tìm được con, được bố, được anh em.
Vì thế, khi có kết quả chứng thực về người thân, họ rất vui mừng, hạnh phúc. Nhưng cũng không ít người mang mối nghi ngờ về huyết thống của bản thân hoặc huyết thống của con, cha, ông mình.
Cũng nhiều người chồng nghi ngờ đứa con không phải của mình nên đến tìm sự thật. Lại có trường hợp, phụ nữ yêu cầu chứng minh thân nhân để tìm bố, tìm họ hàng đằng nội cho con. Thậm chí nhiều người đến tận đây còn tranh cãi với nhau xem bên nào có lỗi, bên nào bắt “đổ vỏ”…
Nhiều người cho rằng kết quả ADN đã đẩy nhiều gia đình đến sự tan vỡ, nhiều người bất hạnh vì… bà. Bà có nhận định gì về điều này?
- Nêu không có sự đổ vỡ về niềm tin, sự nghi ngờ về phản bội thì người ta đã không tìm đến tôi. Khi đó, gia đình họ đã đứng trên bờ vực của sự phá huỷ, hạnh phúc chỉ là hình thức. Nếu họ không có cách nào chứng minh được sự nghi ngờ của mình thì họ sẽ tiếp tục dằn vặt những người thân.
Do đó, nếu nói rằng vì tôi mà họ bị mất hạnh phúc là không phải. Vốn gia đình họ đã như một lâu đài xây trên cát, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Khi sự thật được chứng minh, họ sẽ tìm cách giải quyết với nhau một cách có tình người hơn.
Thế giới chỉ có 10 trường hợp công khai sinh đôi khác bố. Ảnh minh họa
Vậy bà có thường gặp những trường hợp xin được làm khác kết quả xét nghiệm ADN đi không?
-Tôi cũng thường gặp. Có thể là một phụ nữ có con không phải với chồng mình nên xin tôi làm giả xét nghiệm, “bao nhiêu tiền” cũng chịu. Cô ấy khóc cho biết chồng cô nghi ngờ đã lâu nhưng nếu có bằng chứng thật sự không phải con anh ta thì anh ta sẽ bỏ mẹ con cô ấy. Hoặc có nam giới vì nghề nghiệp nghiêm cấm có con ngoài giá thú, nếu có sẽ mất việc nên tìm cách mua chuộc tôi làm trái kết quả, trốn tránh trách nhiệm làm cha…
Anh ta còn đe doạ nếu không làm trái sẽ đến “phá tan cả Trung tâm”. Nhưng tôi đều khuyên họ, khi đã có sự nghi ngờ thì người ta sẽ làm đủ cách để tìm sự thật. Càng trốn tránh, để lâu thì hai bên càng bị tổn thương hơn, thù hận hơn. Nói rõ sự thật và tìm sự tha thứ, bao dung thì tốt hơn là sống trong lừa dối, nghi ngờ. Sau đó, họ có thể tìm cách đối xử với nhau cho thật nhân văn hơn. Nếu bị cưỡng bức, ngoài ý muốn thì nên rộng lượng, còn nếu là ngoại tình thì cũng tìm một cách xử lý đỡ tổn thương nhau. Nhất là đứa trẻ luôn vô tội…
Tôi thấy một số người điện thoại đến (trong lúc đang phỏng vấn) xin được làm xét nghiệm xem có thực là con mình, nhưng bà lại khuyên họ bỏ ý định. Tại sao vậy?
-Tôi làm việc với quan niệm đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết. Khi có thông tin về vụ việc sinh đôi khác bố được chia sẻ, không ít ông bố có con sinh đôi không giống nhau lo lắng điện thoại đến hỏi xem mình có rơi vào tình trạng đó không.
Nhưng khi tôi trò chuyện, họ cho biết gia đình họ hạnh phúc, xưa nay họ không nghi ngờ gì vợ mình thì tôi khuyên họ không nên làm xét nghiệm, vì sinh đôi khác trứng – hai đứa trẻ không giống nhau nhưng thụ tinh từ hai “con giống” của bố là chuyện bình thường.
Cũng có người bố khi đi xét nghiệm thấy nhóm máu của con mình không trùng với mình thì cho rằng con không phải của mình. Nhưng thực tế, con có thể có nhóm máu khác cha mẹ. Không thể căn cứ vào nhóm máu để xác định huyết thống mà phải xét nghiệm ADN.
Hoặc có anh chỉ vì lúc vợ giận bảo: “Tôi bế con đi, đây không phải con anh, đừng tưởng bở”, cũng lại đòi xét nghiệm. Tôi đều khuyên họ nếu không có nghi ngờ về tình cảm thì không nên làm xét nghiệm, vì bất cứ người phụ nữ nào cũng bị tổn thương nếu bỗng dưng bị chồng nghi ngờ về lòng chung thuỷ, nhất là khi cô ấy đã mang nặng đẻ đau sinh con cho anh ta. Lúc đó, hạnh phúc có thực lại bị phá vỡ.
Xin cảm ơn bà!
“Nếu không có sự đổ vỡ về niềm tin, sự nghi ngờ về phản bội thì người ta đã không tìm đến tôi. Khi đó, gia đình họ đã đứng trên bờ vực của sự phá huỷ, hạnh phúc chỉ là hình thức. Nếu họ không có cách nào chứng minh được sự nghi ngờ của mình thì họ sẽ tiếp tục dằn vặt những người thân. Do đó, nếu nói rằng vì tôi mà họ bị mất hạnh phúc là không phải" - bà Nguyễn Thị Nga. |