Việc thầy giáo nhận 550 triệu để sửa điểm thi có phải hành vi nhận hối lộ? Phụ huynh đưa tiền để con em được sửa điểm có phạm tội đưa hối lộ?
Liên quan đến vụ án gian lận sửa điểm thi tại Hòa Bình, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố 3 đối tượng liên quan về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo kết quả điều tra, trong 3 đối tượng trên, Đỗ Mạnh Tuấn (40 tuổi, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) đã thừa nhận được hưởng lợi bất chính 550 triệu đồng.
Theo Luật sư Lê Ngọc Hà- Văn phòng Luật sư Đa Phúc (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), chính chi tiết này đã đặt ra câu hỏi: vụ án có còn là “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” hay đã chuyển thành vụ án “Đưa và nhận hối lộ?
Bị can Đỗ Mạnh Tuấn trong trường hợp này có phạm tội “Nhận hối lộ”? Người đưa tiền để các cán bộ giáo dục sửa và nâng điểm thi cho con em mình có phạm tội “Đưa hối lộ”?
Hai bị can Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn bị đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"
Luật sư Lê Ngọc Hà nêu quan điểm, nếu xác định trong vụ án này, người có chức vụ, quyền hạn nhận một khoản tiền, hay lợi ích vật chất để làm việc sai trái, không đúng quy định của pháp luật thì đây sẽ là vụ án “Đưa và nhận hối lộ”. Do vậy, người đưa tiền cũng phạm tội và người nhận tiền cũng phạm tội.
Lý giải thêm, luật sư Hà cho biết, liên quan đến kinh tế, một hành vi có thể cấu thành một tội phạm trong BLHS, nhưng để phân biệt tội này với tội kia thì những người làm chuyên môn hoặc các cơ quan tố tụng không phải lúc nào cũng chính xác.
Vì thế, luật sư Hà cho rằng phải điều tra, xác định được động cơ, mục đích phạm tội và một số những hành vi khách quan của người thực hiện tội phạm mới có thể căn cứ vào đó để xác định tội danh chính xác.
Phân tích rõ hơn về hai tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Nhận hối lộ”, luật sư Hà cho biết có điểm chung là hai tội danh này đều nằm trong nhóm tội phạm về chức vụ, những người thực hiện các hành vi vi phạm đều là người có chức vụ, quyền hạn mới thực hiện được tội phạm này.
“Ví dụ, tội hối lộ thì không thể hối lộ người nông dân được, mà phải những người có chức vụ, quyền hạn và với chức vụ, quyền hạn ấy họ có thể tạo ra vi phạm, sai phạm, làm trái để ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân, của nhà nước”, luật sư Hà dẫn chứng.
Điểm khác nhau để phân biệt là tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” có thể không liên quan đến yếu tố vụ lợi. Tức là anh có chức vụ quyền hạn, anh lợi dụng chức vụ quyền hạn đó để làm sai, làm trái nhưng có thể anh không tư lợi. Nhưng đối với tội “Nhận hối lộ” thì chắc chắn có tư lợi, anh nhận một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất để làm việc theo yêu cầu của phía bên kia, làm những việc trái quy định. Tức là có yếu tố một bên đưa tiền, lợi ích kiểu đặt hàng, còn bên nhận thì làm việc theo yêu cầu đó.
“Như vậy, trong vụ án này, giả sử nếu cán bộ giáo dục gợi ý, đe doạ phải đưa tiền nếu không sẽ không nâng điểm thi thì đó là “Lợi dụng chức vụ quyền hạn”. Còn nếu hai bên có thoả thuận từ đầu, có yếu tố tiêu cực để một bên đưa tiền, một bên nhận sửa và nâng điểm thì có cơ sở xem xét về hành vi “Đưa và nhận hối lộ”, luật sư phân tích.
Cũng theo Luật sư Hà, tội “Đưa hối lộ” đòi hỏi phải có hành vi đưa lợi ích một cách bất chính cho người có chức vụ, quyền hạn. Hành vi đưa của hối lộ có thể diễn ra trước hoặc sau khi người có chức vụ, quyền hạn làm theo yêu cầu của người đưa.
Của hối lộ có thể là các lợi ích vật chất như tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc có thể là lợi ích phi vật chất. Hành vi đưa hối lộ chỉ cấu thành tội phạm khi của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên.
Cùng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, qua kết quả điều tra có thể thấy các cán bộ giáo dục ở Hòa Bình đã có động cơ tư lợi, có dấu hiệu tội “Nhận hối lộ”.
“Chính nhờ chức vụ, quyền hạn được giao nên cán bộ giáo dục mới có khả năng giải quyết được việc người khác đang mong muốn. Và người có hành vi đưa hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn chỉ khi người nhận hối lộ có khả năng này”, luật sư Cường phân tích và cho rằng, cơ quan điều tra có thể xem xét chuyển tội danh các bị can nếu đủ căn cứ.
Ngoài ra, nếu phụ huynh học sinh, người thân của họ, người liên quan.. trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn lợi ích vật chất như tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên để người đó làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì cũng có thể xem xét xử lý hình sự tội “Đưa hối lộ” nếu đủ căn cứ cấu thành tội phạm.
Tuy nhiên nếu người đưa hối lộ đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ số tiền đã dùng để đưa hối lộ.
“Cơ quan ANĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ sửa điểm thi THPT xảy ra tại Hòa Bình, đồng thời đề nghị VKSND Tối cao truy tố 3 bị can: Nguyễn Quang Vinh (53 tuổi, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình), Đỗ Mạnh Tuấn (40 tuổi, Phó hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) và Nguyễn Khắc Tuấn (38 tuổi, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục). Theo kết luận, tổ chấm thi trắc nghiệm do Vinh làm tổ trưởng đã có hành vi can thiệp, sửa chữa, nâng điểm bài thi cho nhiều thí sinh. Kết luận giám định xác định 140/210 bài thi của 56 thí sinh đã bị tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/ một môn thi. Riêng Đỗ Mạnh Tuấn đã thừa nhận được hưởng 550 triệu đồng để can thiệp sửa bài thi trắc nghiệm của các thí sinh.” |