Dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát nhưng giết mổ gia cầm sống, bán thịt gia cầm không có dấu kiểm dịch vẫn tràn lan các chợ nội thành Hà Nội.
Vẫn bán dù bị cấm
Để đề phòng dịch cúm gia cầm lây lan sang người, UBND TP. Hà Nội đã cấm bày bán gia cầm lông trong khu vực nội thành. Tuy nhiên, ghi nhận tại một số khu vực nội thành Hà Nội, hiện gà lông sống (gà sống), vịt sống, ngan sống vẫn bày bán tràn lan bất chấp dịch cúm gia cầm đang biến đổi sang loại độc lực cao hơn và có nguy cơ bùng phát mạnh.
Tại khu chợ Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội, gần chục lồng gà sống vẫn vô tư bày bán. Tại các khu chợ cóc như chợ Pháo Đài Láng (Đống Đa, Hà Nội), chợ Nguyễn Phúc Lai (Đống Đa, Hà Nội), chợ cóc Vũ Thạnh (Đống Đa, Hà Nội), các lồng gà, vịt, ngan sống vẫn bày bán ngay tại chợ.
Mỗi hàng bán gia cầm có một lồng gà, vịt, ngan sống được nhốt chung khoảng hơn chục con. Giá một kg gà sống hiện khoảng 130.000 đồng, người bán trang bị đầy đủ cả dụng cụ cắt tiết, vặt lông, nồi, bếp ga mini để làm thịt tại chỗ.
Tại chợ cóc Vũ Thạnh, khi khách hàng mua gà sống người bán sẽ nhanh chóng cắt tiết, đun nước, vặt lông, cả quá trình chưa đến 30 phút. Lông gà, tiết gà, lòng, phân…bắn vương vãi. Nước thừa, nước thải được đổ ngay xuống cống, nếu trời mưa, lông gà chất thải theo đường nước trôi nổi lềnh bềnh suốt nửa con phố.
Khi được hỏi, người bán thản nhiên trả lời: “Gà khỏe mạnh, mào đỏ, lông mượt, cánh đập phành phạch thế này lấy đâu ra gà ốm. Có cúm thì chúng tôi đã cúm rồi, chả còn ngồi đây giết mà bán đâu”.
Các lồng gia cầm sống vẫn tràn lan các chợ. Ảnh: Bảo Anh
Còn phía người mua, khi được hỏi cũng có những lý lẽ riêng của mình. Chị T.T.H.N, người mua gà sống tại chợ cóc phố Pháo Đài Láng, Hà Nội cho hay: “Thông tin về cúm về dịch thì mình cũng biết đấy, nhưng cũng không còn cách nào. Chả lẽ mình nhịn ăn thịt gà mãi. Mua trong siêu thị có dấu kiểm dịch đàng hoàng, giết mổ, bao gói cẩn thận nhưng thường gà không tươi ngon, thịt bã ăn rất chán. Mua ngoài chợ gà tươi hơn nhưng ngay cả gà giết rồi cũng có kiểm dịch đâu. Chưa kể, gà giết rồi người bán còn hay trà trộn gà chết, gà thải loại Trung Quốc không thể phân biệt được. Thế nên tôi thà chọn gà sống còn nhìn thấy nó khỏe mạnh còn hơn.”
Dịch đang tiếp tục lây lan mạnh
Trong khi người bán, người mua vẫn tiếp tục chủ quan, lúng túng và chưa có nhiều lựa chọn về chất lượng sản phẩm từ gia cầm như trên thì phía Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan chịu trách nhiệm chính về kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm liên tiếp đưa ra các cảnh báo về dịch bệnh.
Cụ thể, Thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho hay, tại Việt Nam, đã phát hiện một số trường hợp dương tính với virus A/H5N6 trên đàn gà nuôi tại thôn Kéo Quang (khu vực giáp biên giới) của xã Chi Lăng huyện Tràng Định tỉnh Lạng Sơn và trên đàn vịt nuôi tại thôn Tân Sơn, Xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh.
Khu vực dịch bệnh đã được khoanh vùng, tiêu độc, khử trùng và thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh khác.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng vừa có công điện khẩn về tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm H5N6.
Cụ thể, để chủ động ngăn chặn virus cúm A/H5N6 và các chủng virus cúm gia cầm khác, hạn chế thấp nhất cúm lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung quyết liệt việc tổ chức đấu tranh, ngăn chăn có hiệu quả việc vận chuyển gia cầm bất hợp pháp qua biên giới nhằm ngăn chặn nguồn lây lan virus cúm gia cầm vào trong nước.
Mặt khác, các địa phương cần thực hiện nghiêm túc kiểm dịch tại gốc, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đặc biệt, các địa phương cần nêu rõ nghiêm cấm việc giấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh và không buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cũng đề nghị các đơn vị lấy mẫu giám sát chủ động virus cúm gia cầm và môi trường tại chợ buôn bán gia cầm sống để xử lý kịp thời, không để lây lan diện rộng và lây virus cúm cho người.
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng đợt 2 trên toàn quốc cũng vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động.