Dùng máu của chính bản thân mình để làm mặt dây chuyền, sau đó tặng cho người yêu với mong muốn đó sẽ trở thành bùa hộ mệnh, xua đi vận đen, nhiều bạn trẻ Trung Quốc không biết rằng hành động này có thể gây ra nhiều tai hại.
Những ngày gần đây, giới trẻ Trung Quốc phát sốt trước một loại phụ kiện có tên "dây chuyền máu". Đây là một loại dây chuyền thông thường nhưng phần mặt được lấy từ chính máu của người làm. Nghe có phần kinh dị là thế nhưng dây chuyền máu lại đang cháy hàng trên một số nền tảng của Trung Quốc.
Nếu tìm kiếm dây chuyền máu hoặc dây chuyền rỗng trên nền tảng thương mại trực tuyến, dễ dàng tìm được sản phẩm này với mức giá khá phải chăng, từ 28 nhân dân tệ (khoảng 100 nghìn đồng) đến 39 nhân dân tệ (gần 140 nghìn đồng). Bộ sản phẩm này bao gồm 1 dây chuyền, 1 mặt dây chuyền có phần rỗng bên trong như một chiếc lọ nhỏ, một chiếc kim lấy máu và băng dán cá nhân.
Dây chuyền máu được giới trẻ Trung Quốc đổ xô đi mua.
Thực chất, việc mặt dây chuyền có phần rỗng bên trong là có lý do của nó. Người mua sẽ dùng ống lấy máu để chọc vào đầu ngón tay, lấy ra một ít máu của chính bản thân, sau đó bơm vào phần rỗng của mặt dây chuyền. Phần mặt này thường có màu pha lê mờ, khi bơm máu vào trong sẽ nhìn thấy màu hơi đỏ. Đó là lý do người ta gọi nó là dây chuyền máu.
Lý do khiến dây chuyền máu trở nên hot trên thị trường là bởi ý nghĩa khá khó hiểu đằng sau nó. Một số bạn trẻ Trung Quốc lan truyền thông tin rằng dây chuyền máu có tác dụng như một bùa hộ mệnh, nếu tặng cho người yêu sẽ giúp họ tránh khỏi vận rủi, ngăn chặn tai họa, đồng thời đem đến may mắn.
Bộ dụng cụ đi kèm dây chuyền máu.
Do đó, rất nhiều người mà chủ yếu là giới trẻ đã đổ xô đi mua dây chuyền máu, tự cắt máu của mình để cho vào mặt dây chuyền như một cách để thể hiện tình yêu với bạn trai/bạn gái. Cũng có người mua dây chuyền máu chỉ vì tò mò, mua theo trào lưu.
Tuy nhiên, trào lưu dây chuyền máu này lại không hề lãng mạn chút nào, ngược lại còn ẩn chứa phía sau nhiều hiểm họa khó lường. Jiang Linwan là một trong số rất nhiều thanh niên đã tò mò mua dây chuyền máu và đến nay anh vẫn còn rùng mình khi nhớ lại: "Tôi phải dùng dao rạch da, nặn máu rồi dùng ống lấy máu, cho vào chai thủy tinh nhỏ, nếu máu không đủ thì phải rạch thêm vài nhát nữa".
Cô em họ 17 tuổi của anh Jiang Linwan nói với anh rằng việc mua dây chuyền máu đang rất phổ biến tại trường học và bạn bè của cô. Rất nhiều cô gái trẻ đã mua về, lấy máu của mình làm dây chuyền rồi đem tặng bạn trai, tỏ ra vô cùng thích thú với nó.
Nhiều người mua dây chuyền máu để tặng bạn trai/bạn gái.
"Tôi nghĩ em họ mình quá điên rồi, không ngăn được nữa, không biết đang nghĩ gì nữa. Cô ấy nhấn mạnh rằng nó đang rất phổ biến, nhưng nói đến chuyện tâm linh thì thật sự không chấp nhận được", anh Jiang Linwan chia sẻ. Điều khiến anh lo lắng nhất là em họ mình có thể không biết vết thương bị nhiễm trùng.
Trên các nền tảng bán hàng trực tuyến của Trung Quốc, một số cửa hàng bán dây chuyền máu có doanh số hàng tháng trên 10.000 chiếc, thậm chí có cửa hàng còn vượt quá 100.000 chiếc. Dưới phần bình luận, rất nhiều người đã để lại bình luận đặt hàng nhưng cũng có nhiều người cho rằng hành động này quá điên rồ và đáng sợ.
Dễ dàng mua dây chuyền máu trên các nền tảng bán hàng trực tuyến.
Xiaochun cũng là một trong số những người từng mua dây chuyền máu. Cô gái trẻ cho biết cô không hề lo lắng chuyện nhiễm trùng vì cảm thấy nó chẳng khác gì những vết xước thông thường. Khi được hỏi có cảm thấy đau và có bị sẹo không, Xiaochun trả lời bằng giọng bình thản: "Sẽ đau một chút nhưng có thể chịu đựng được. Khi vết thương thành sẹo thì sẽ hết đau thôi".
Nói về trường hợp này, bác sĩ Wang Xifu, phó trưởng khoa cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân số 1 Quảng Châu cho biết, việc tự rạch da để lấy máu có thể gây ra nguy cơ nhiễm trùng, thậm chí có thể gây ra một số bệnh lý khó lường, do đó các bạn trẻ không nên tiếp tục làm.
Trước sự việc sản phẩm dây chuyền máu được bán tràn lan, cơ quan chính thức của Đoàn thanh niên Trung Quốc phải lên tiếng trên trang Weibo chính thức của mình, yêu cầu các bạn trẻ nên chấm dứt việc mua bán dây chuyền máu, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc. Tổ chức này cũng nhấn mạnh rằng việc dùng dây chuyền máu để xua đuổi vận đen là vô cùng vô lý, mê tín dị đoan.
Giới trẻ chưa lường được những hiểm họa của dây chuyền máu.
Ngày 27/1, các phóng viên đã kiểm tra một số cửa hàng trực tuyến từng bán dây chuyền máu nhưng phát hiện sản phẩm này đã bị gỡ khỏi kệ của họ.
Thực tế, đây không phải lần đầu dây chuyền máu được bán tại Trung Quốc. Cách đây nhiều năm, nó cũng từng được bán như một kỷ vật tình yêu cho các cặp đôi, nhưng sau đó mất dần, gần đây mới được bán lại.